Từ chương trình này giúp toàn quân có được số lượng đáng kể xe-máy quân sự tiếp tục đưa vào biên chế, trang bị, khai thác phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và làm các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất.
Tại Hội nghị đánh giá cải tiến, đi-ê-den hóa xe ô tô quân sự giai đoạn 2013 - 2017 do Bộ Quốc phòng tổ chức, đại biểu các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng đều thống nhất: Chương trình cải tiến, đi-ê-den hóa xe ô tô quân sự đạt chất lượng cao, có ý nghĩa thiết thực.
Công tác tổ chức thực hiện khoa học, đánh giá nghiệm thu khách quan, dựa trên các trạng thái hoạt động của xe sau cải tiến. Trong giai đoạn 1, Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) đã tham mưu với Bộ Quốc phòng, chỉ đạo toàn quân tiến hành cải tiến, đi-ê-den hóa 4 nhãn xe là URAL-375, ZIL-131, GAZ-66 và PAZ-3205.
Đây là những loại xe có tính năng kỹ thuật, chiến thuật ưu việt, nhất là khả năng việt dã, cơ động tốt trên nhiều loại địa hình; độ bền và độ tin cậy hoạt động tốt.
Nhân viên kỹ thuật Nhà máy Z151 (Tổng cục Kỹ thuật) kiểm tra động cơ đi-ê-den trước khi lắp lên xe ô tô. Ảnh: Dương Hà
Thiếu tướng Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Xe-Máy (TCKT) khẳng định: Chương trình cải tiến, đi-ê-den hóa xe ô tô quân sự đã đạt kết quả tốt và đem lại hiệu quả nhiều mặt.
Sử dụng động cơ đi-ê-den thay thế động cơ xăng có giá thành thấp hơn; độ an toàn, tính ổn định của phương tiện được nâng cao; công tác bảo đảm kỹ thuật đơn giản hơn, tiết kiệm nhân công, chi phí; đặc biệt là hiệu quả kinh tế từ tiết kiệm nhiên liệu.
Theo tài liệu nghiên cứu và khảo sát quá trình ứng dụng thực tế của Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự (TCKT), động cơ đi-ê-den tiêu thụ nhiên liệu chỉ bằng 40 - 50% so với động cơ xăng có cùng công suất.
Cụ thể, định mức tiêu thụ nhiên liệu trên 100 km, đối với xe GAZ-66 sử dụng động cơ xăng là 32,5 lít, động cơ đi-ê-den là 18 lít; xe ZIL-131 sử dụng động cơ xăng là 52 lít, động cơ đi-ê-den là 25 lít; xe URAL-375 sử dụng động cơ xăng là 75 lít, động cơ đi-ê-den là 32 lít…
Như vậy, trung bình mỗi phương tiện sau khi được đi-ê-den hóa, nếu cơ động khoảng 50.000 km sẽ tiết kiệm được số nhiên liệu tương đương giá trị kinh tế cho chi phí đầu tư thực hiện đi-ê-den hóa.
Nêu một số kinh nghiệm trong quá trình cải tiến, đi-ê-den hóa các loại xe ô tô quân sự ở đơn vị, Thượng tá Nguyễn Thế Hiếu, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự cho biết:
Nhiệm vụ cải tiến, đi-ê-den hóa một số loại xe ô tô quân sự là nhiệm vụ mới, nhất là khi cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị của các nhà máy, trạm, xưởng của quân đội hiện nay còn nhiều hạn chế; trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật chưa đồng đều.
Để hoàn thành nhiệm vụ cải tiến, đi-ê-den hóa đủ số lượng xe ô tô được giao, trước tiên chúng tôi chủ động lựa chọn những đồng chí cán bộ có trình độ chuyên môn tốt để gửi đi học tập kinh nghiệm, nghiên cứu quy trình ở trong và ngoài nước, sau đó về phổ biến, hướng dẫn, huấn luyện cho cán bộ, nhân viên của các đơn vị.
Chúng tôi đặt mục tiêu hạ giá thành cải tiến, đồng bộ và đi-ê-den hóa, nhưng vẫn phải bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn, tiết kiệm… Vì vậy, cán bộ, nhân viên của Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự luôn tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm ra nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm chủ quy trình công nghệ.
Nhờ đó, từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu cải tiến, đi-ê-den hóa được hàng trăm xe-máy quân sự, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và kế hoạch trên giao.
Trung tướng Lê Quý Đạm, Chủ nhiệm TCKT cho biết: Việc cải tiến, đi-ê-den hóa xe-máy quân sự là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu cấp bách của các đơn vị, có tính khả thi cao. Giai đoạn 2013 - 2017, các đơn vị đã cải tiến được hàng trăm xe; nhiều đơn vị đã tự chủ được quy trình đi-ê-den hóa các loại xe ô tô quân sự với chất lượng tốt.
Hiện nay, toàn quân còn số lượng lớn các loại xe-máy được quy hoạch sử dụng từ 10 năm đến 20 năm, do đó nhu cầu cải tiến, đi-ê-den hóa là khá lớn.
Trên cơ sở hiệu quả đạt được, đáp ứng yêu cầu và nhu cầu trang bị xe máy quân sự của các đơn vị, TCKT đề xuất và được Bộ Quốc phòng đồng ý, toàn quân tiếp tục thực hiện chương trình cải tiến, đi-ê-den hóa xe ô tô quân sự.
TCKT chỉ đạo ngành xe máy nghiên cứu khảo sát nhu cầu, xây dựng quy trình công nghệ để mở rộng cải tiến, đi-ê-den hóa các dòng xe máy quân sự đặc chủng, chuyên chở vũ khí, khí tài, như của các Quân chủng: Phòng không-Không quân, Hải quân; các Binh chủng: Pháo binh, Công binh, Tăng- Thiết giáp, Hóa học, Thông tin liên lạc.
Trong quá trình triển khai, ưu tiên tập trung vào số xe vận tải, huấn luyện, SSCĐ, phòng, chống lụt bão và cứu hộ, cứu nạn...