Phát biểu hôm qua, 5/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF, hủy hoại một trong những hiệp định cơ bản về kiểm soát vũ khí dựa trên những lí do mơ hồ đã làm tình hình thế giới trở nên phức tạp, tạo ra rủi ro cho tất cả mọi người.”
Quyết định từ bỏ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 sẽ ảnh hưởng đến các hiệp định khác về vũ khí hạt nhân chiến lược và không phổ biến vũ khí, ông Putin nói thêm. Nếu hệ thống các hiệp định này sụp đổ, nó sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang, khiến thế giới trở nên hỗn loạn, không có bất kỳ quy tắc, hạn chế và luật pháp nào.
Từ đó, Tổng thống Nga nhấn mạnh “sự ổn định và an ninh chiến lược cần phải được phục hồi, không chậm trễ”.
Cũng theo ông Putin, Moscow sẽ không vội vàng phát triển các tên lửa tầm trung và tên lửa phóng từ đất liền sau khi Hiệp ước INF bị hủy bỏ, mà sẽ chỉ hành động nếu Mỹ bắt tay vào thiết kế các loại vũ khí này.
Việc triển khai các tên lửa, nếu có, sẽ chỉ là hành động đáp trả tương xứng các động thái của Washington, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Cùng lúc đó, các hệ thống vũ khí trên biển và trên không mà Nga đang sở hữu hoàn toàn có khả năng chống lại mối đe dọa phát sinh từ việc Mỹ phát triển các loại vũ khí bị cấm theo INF.
Cụ thể, ông Putin đề cập đến tên lửa hành trình chiến lược Kh-101, tên lửa Kinzhal siêu âm, tên lửa Kalibr và tên lửa hành trình Zircon.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí được kí kết giữa Washington và Moscow từ thời Chiến tranh lạnh.
Hôm 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi INF. Trước đó cùng ngày, Nga thông báo hiệp ước INF "đã chấm dứt"
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, phía Mỹ đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại Nga, trong khi chính quốc gia này mới là bên tự ý phá bỏ Hiệp ước INF. Nga không thể xem xét loại bỏ tên lửa 9M729 để cứu INF vì tên lửa này nằm ngoài Hiệp ước.