Hiệp ước INF có nguy cơ bị xé bỏ: Hai nước Mỹ-Nga đang rất gần kề cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Một Hiệp ước mới tương tự INF chỉ có thể đạt được nếu có sự thỏa thuận của cả Nga, Mỹ, Trung Quốc và có thể cả Ấn Độ nữa. Nhưng điều này khó có thể xảy ra trong tương lai gần...

Ngày 1/2/2019, Tổng thống Donald Trump tuyên bố "Mỹ sẽ ngưng mọi nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Intermediate-Range Nuclear Forces - gọi tắt là INF) với Nga kể từ ngày 2/2/2019. Tiến trình rút khỏi INF sẽ được hoàn tất trong vòng 6 tháng, trừ phi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước bằng cách phá hủy mọi tên lửa, mọi bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan".

Ông D. Trump nói thêm, việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước INF là do Nga vi phạm thỏa thuận này. Đồng thời, người đứng đầu Nhà Trắng đề nghị ký kết một thỏa thuận mới với Nga và Trung Quốc thay cho INF hiện nay.

Mỹ tố cáo Nga vi phạm Hiệp ước

Ngày 2/2/2019, Mỹ chính thức đình chỉ tham gia Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF). Washington cho rằng Moskva đã vi phạm Hiệp ước, chế tạo tên lửa hành trình "Novator 9M729" được đặt trên mặt đất cho tổ hợp Iskander.

Trước khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước, Nga đã tìm cách chứng minh rằng INF tan vỡ không phải do lỗi của mình.

Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Liên bang Nga đã mời các tùy viên quân sự và nhà báo nước ngoài tham gia một cuộc họp báo để nêu rõ các đặc điểm kỹ thuật và chiến thuật của tên lửa 9M729 có tầm bắn dưới 500 km, phù hợp với các điều khoản của Hiệp ước INF.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Andrea Thompson cho cuộc họp báo trên là mang tính chất tuyên truyền. Theo thông tin của Mỹ, Moskva không chỉ phát triển và thử nghiệm thành công tên lửa loại Novator 9M729 mà còn đưa chúng vào sử dụng. Tầm bắn của các tên lửa hạt nhân này vượt quá giới hạn 500 km quy định trong Hiệp ước.

Hiệp ước INF có nguy cơ bị xé bỏ: Hai nước Mỹ-Nga đang rất gần kề cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: The New Yorker.

Phản ứng mạnh mẽ của Nga

Ngay trong ngày 2/2/2019, đáp lại quyết định của Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga cũng quyết định đình chỉ tham gia Hiệp ước này. Ông yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu không được chủ động đề nghị các cuộc đàm phán về chủ đề này với Mỹ.

Không đợi thời hạn 6 tháng do Washington đặt ra để hoàn tất các thủ tục chấm dứt INF, ngày 4/3/2019, Tổng thống V. Putin đã đi một bước mạnh mẽ hơn nữa bằng việc ký sắc lệnh đình chỉ việc thực thi Hiệp ước này. Ông Leonid Slutsky, chủ tịch Uỷ ban các vấn đề quốc tế Duma quốc gia Nga nói, sắc lệnh này là một biện pháp bắt buộc nhằm đáp trả lại tuyên bố ngày 1/2/2019 của Tổng thống D. Trump.

Ngoại trưởng S. Lavrov tố cáo Washington vi phạm Hiệp ước INF, sử dụng máy bay không người lái và triển khai các tên lửa tấn công tầm trung ở Romania và chuẩn bị triển khai các tổ hợp Mk-41 ở Ba Lan và Nhật Bản. Moskva cũng tố cáo Washington vi phạm các hiệp ước khác về ổn định chiến lược mà Mỹ đã cam kết trong những năm gần đây.

Tổng thống V. Putin đã chỉ thị Bộ Quốc phòng Nga bắt tay ngay vào việc chế tạo các tên lửa đạn đạo siêu thanh phóng lên từ mặt đất. Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga sẽ không triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung trước khi Mỹ triển khai các loại vũ khí này tại châu Âu và các quốc gia khác.

Các chuyên gia quân sự của Nga nói, tuyên bố của ông Putin cần phải được hiểu rằng Nga sẽ buộc phải thiết lập một cơ sở hạ tầng quân sự mới và hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiệu quả hơn, bởi vì việc đánh chặn các tên lửa tầm trung và tầm ngắn khó hơn rất nhiều so với việc đánh chặn các tên lửa tầm xa.

Các tên lửa tầm trung và tầm ngắn có thể bay đến mục tiêu trong vòng vài phút, đối phương không có đủ thời gian ngăn chặn. Ngoài ra, các tên lửa tầm trung được đặt trên các bệ phóng di động lại càng khó có thể đánh trả. Chính vì vậy, Nga cần phải tập trung vào nghiên cứu và sản xuất các loại tên lửa siêu thanh để có thể đánh chặn các tên lửa của đối phương trước khi chúng bay đến biên giới của Nga.

Việc Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước INF sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và đưa quan hệ giữa hai nước vào một giai đoạn căng thẳng mới. Các nhà quan sát chính trị gọi đây là "cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai".

Năm 1983, cả Liên Xô và Mỹ đã đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tình hình hiện nay không khác gì hồi đó.

Ai sẽ là người bị thiệt hại và ai là người được hưởng lợi khi INF bị hủy bỏ?

Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra rất lo ngại về việc Hiệp ước INF giữa Nga và Mỹ bị phá vỡ. Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước sẽ đặt an ninh và hòa bình châu Âu trước mối đe dọa trực tiếp.

Nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ, chắc chắn châu Âu sẽ không tránh khỏi bị hủy diệt. Đức tuyên bố sẽ không cho phép triển khai tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ của mình.

Hiệp ước INF có nguy cơ bị xé bỏ: Hai nước Mỹ-Nga đang rất gần kề cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0? - Ảnh 3.

Nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga và Mỹ, chắc chắn châu Âu sẽ không tránh khỏi bị hủy diệt. Ảnh minh họa: The New Yorker

Nhà lãnh đạo của "Liên minh tiến bộ các nhà xã hội và dân chủ" Udo Bulman, phe lớn thứ hai trong Nghị viện châu Âu (EP) đã đề nghị đưa vấn đề Hiệp ước INF vào chương trình nghị sự của phiên họp EP sắp tới.

Người chịu thiệt hại nhiều nhất do hủy bỏ INF không phải là Nga và tên lửa của Nga không phải là lý do chính khiến Trump muốn rút khỏi INF. Hiệp ước này ký kết giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987 chủ yếu có lợi cho Trung Quốc vốn đứng ngoài Hiệp ước, có thể chế tạo bất kỳ loại tên lửa nào trong khi các đối thủ của họ lại bị nhiều hạn chế do INF ràng buộc.

Như vậy, Trump cho rằng Trung Quốc mới là mối đe dọa chính chứ không phải Nga. Một số nhà quan sát cho rằng, việc tố cáo Nga vi phạm Hiệp ước chỉ là cái cớ và Nga cũng có thể muốn hủy bỏ INF và Mỹ đã lấy đây làm lý do để rút khỏi Hiệp ước này.

Một Hiệp ước mới tương tự chỉ có thể đạt được nếu có sự thỏa thuận của cả Nga, Mỹ, Trung Quốc và có thể cả Ấn Độ nữa. Nhưng điều này khó có thể xảy ra trong tương lai gần mà cần phải thông qua các cuộc đàm phán kéo dài hết sức phức tạp.

Mặc dù cả Mỹ và Nga đã tuyên bố đình chỉ INF, cánh cửa đàm phán vẫn được bỏ ngỏ

Sắc lệnh 4/3/2019 do Tổng thống Putin ký không phải là về việc Nga rút khỏi hiệp ước mà là tạm ngừng các nghĩa vụ của mình được quy định trong Hiệp ước INF do Mỹ vi phạm.

Phía Nga đã hết sức cố gắng, đưa ra một loạt các biện pháp cụ thể chưa từng có để cứu vãn Hiệp ước, đồng thời sẵn sàng minh bạch hóa và chứng minh Nga không vi phạm Hiệp ước. Tuy nhiên, tất cả các sáng kiến của Moskva đều bị Washington bác bỏ.

Phía Nga cho biết họ quyết định đình chỉ Hiệp ước là cần thiết để đáp trả lại hành động của Mỹ chứ vẫn sẵn sàng thảo luận về số phận tương lai của INF. Thậm chí phía Nga sẵn sàng thảo luận về một Hiệp ước đa phương theo đề nghị của Mỹ, nhưng những cuộc thảo luận này không phải là những cuộc độc thoại trên thế mạnh.

Ngày 5/3/2019, tức chỉ một ngày sau khi Tổng thống V. Putin ký sắc lệnh, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga về Hiệp ước INF, nhưng với một số điều kiện nhất định.

Trước đó, ngày 15/2/2019 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Andrea Thompson đã gặp nhau tại Geneva để trao đổi ý kiến.

Hiệp ước INF có nguy cơ bị xé bỏ: Hai nước Mỹ-Nga đang rất gần kề cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0? - Ảnh 4.

Andrea Thompson nói rằng, cuộc họp đã không có kết quả vì Nga tiếp tục vi phạm Hiệp ước và chưa có ý định trở lại thực hiện đầy đủ Hiệp ước INF có thể kiểm chứng của mình.

Sau đó ít ngày, đại diện của Nga và Mỹ đã gặp lại nhau tại Bắc Kinh, nhưng các cuộc đàm phán cũng không đi đến đâu.

Washington đã đưa ra tối hậu thư đòi Moscow phá hủy tất cả các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, một điều mà Nga không thể chấp nhận.

Như vậy, mặc dù cả Mỹ và Nga đã tuyên bố đình chỉ Hiệp ước INF, nhưng cánh cửa đàm phán vẫn không bị đóng sập.

Moskva và Washington vẫn đang cố gắng để duy trì Hiệp ước. Trong khi chờ đợi một Hiệp ước mới đa phương với sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ.... Hiệp ước INF giữa Mỹ và Nga, hai quốc gia đang sỏ hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, vẫn là một nhân tố hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân đe dọa sự tồn vong của cả nhân loại.

Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces gọi tắt là INF) được ký năm 1987 giữa Mỹ và Liên Xô nhằm loại bỏ vĩnh viễn tất cả các tên lửa đạn đạo và hạt nhân thông thường phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.

Đây là lần đầu tiên các siêu cường đồng ý giảm kho vũ khí hạt nhân của mình, loại bỏ toàn bộ các chủng loại vũ khí hạt nhân và tiến hành các cuộc kiểm tra tại chỗ để xác minh. Theo Hiệp ước này, Mỹ và Liên Xô đã phá hủy tổng cộng 2.692 tên lửa tầm ngắn và tầm trung theo thời hạn quy định vào ngày 1/6/1991.

Tháng 7/2014, Mỹ lần đầu tiên đã cáo buộc Nga vi phạm các nghĩa vụ của Hiệp ước INF quy định "không được sở hữu, sản xuất hoặc thử nghiệm các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km hoặc sản xuất các bệ phóng các tên lửa như vậy". Các đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2015, 2016, 2017 và 2018 đã lặp lại những cáo buộc này.

Tháng 3/2017, một quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ đã xác nhận rằng Nga bắt đầu triển khai các loại tên lửa trên. Nga phủ nhận họ vi phạm thỏa thuận và tố cáo Mỹ không tuân thủ.

Ngày 8/12//2017, chính quyền Trump đã đưa ra một chiến lược toàn diện nhằm chống lại các vi phạm của Nga, bắt đầu nghiên cứu và phát triển trên một hệ thống tên lửa tầm trung, di động, thông thường.

Ngày 20/10/2018, Tổng thống D. Trump đã tuyên bố ý định chấm dứt Hiệp ước INF với lý do Nga không tuân thủ và lo ngại về kho vũ khí tên lửa tầm trung của Trung Quốc.

Ngày 4 /12/2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Mỹ có đầy đủ bằng chứng về việc Nga vi phạm Hiệp ước và sẽ rút khỏi Hiệp ước trong vòng 60 ngày nếu trong thời gian đó Nga không trở lại tuân thủ.

Ngày 2/2/2019, chính quyền Trump tuyên bố đình chỉ các nghĩa vụ của Mỹ theo Hiệp ước INF và chính thức tuyên bố ý định rút khỏi hiệp ước trong 6 tháng.

Ngay sau đó, Tổng thống Nga V. Putin cũng tuyên bố rằng Nga cũng sẽ chính thức đình chỉ các nghĩa vụ theo hiệp ước và ngày 4/3/2019, ông đã ký sắc lệnh về vấn đề này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại