Theo VGTA, Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 không quy định về điều kiện huy động vàng đối với các doanh nghiệp.
Hơn nữa, Thông tư 11/2011/TT – NHNN cũng chỉ quy định chấm dứt huy động vốn bằng vàng của các TCTD. Do đó, hoạt động huy động vàng của các doanh nghiệp được điều chỉnh theo quy định tại Luật đầu tư 2014, Luật doanh nghiệp 2014 và Bộ luật dân sự 2005.
Theo quy định tại Luật đầu tư 2014, việc doanh nghiệp vay vàng của các tổ chức, cá nhân không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Hơn nữa, hoạt động này cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24/NĐ-CP. Bởi vì, các doanh nghiệp chỉ vay vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, chứ doanh nghiệp không cho vay lại, không thu phí giữ hộ.
Như vậy, hoạt động vay vàng của doanh nghiệp chỉ là một công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và nó không phát sinh lợi nhuận. Do vậy, hoạt động này không thể được coi như hoạt động kinh doanh vàng khác theo quy định của Nghị định 24/NĐ-CP.
Theo Hiệp hội, hoạt động kinh doanh vàng khác bao gồm kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn vàng, giao dịch vàng phái sinh (giao dịch vàng kỳ hạn, giao dịch vàng quyền chọn, giao dịch vàng tương lai), quỹ đầu tư vàng…
Vì vậy, VGTA đã kiến nghị NHNN và Bộ Tư pháp không nên coi hoạt động huy động vàng của các doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh vàng khác để áp đặt doanh nghiệp phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước.
Cũng trong bản kiến nghị ngày 28/6, Hiệp hội kinh doang Vàng Việt Nam cho biết, theo Thông tư 33 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thì các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội, trong hơn 4 năm qua chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.
Hiệp hội cho rằng, trên thực tế thì vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện.
Nếu Ngân hàng Nhà nước hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ thì sẽ trái với tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Hơn nữa, theo quy định của Luật đầu tư 2014, hoạt động vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo, nếu những văn bản cấp Thông tư không được nâng cấp lên thành Nghị định, thì sau ngày 1/7/2016 sẽ hết hiệu lực thi hành.
"Vì vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ quy định tại Thông tư 33 cho phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng", văn bản nêu.
Theo thống kê của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM, hơn 70% doanh nghiệp kinh doanh vàng và nữ trang của thành phố lâm vào bế tắc do nguồn vốn tín dụng bị thắt chặt theo Thông tư 33 của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng với đó là các doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất khi phải thu gom từ nhiều nguồn trôi nổi nên hoạt động khá bấp bênh.