Mở ra một sân chơi mới
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, CPTPP sẽ mở ra 1 sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Ngoài ra, với tiêu chuẩn cao và đặt ra những quy định cho các vấn đề phi truyền thống như lao động, môi trường, doanh nghiệp Nhà nước, hiệp định này sẽ góp phần quan trọng vào tiến trình tự do hóa thương mại trong khu vực cũng như trên thế giới.
CPTPP sẽ giảm thuế quan trong khu vực vốn chiếm tổng số là 10 nghìn tỉ USD trong nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả khi không có Mỹ, thỏa thuận sẽ mở rộng thị trường rộng lớn, đưa CPTPP trở thành 1 trong 3 hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, theo số liệu thống kê thương mại của Chile và Canada, Reuters cho hay.
CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 60 ngày, sau khi được 6 trong số 11 thành viên phê chuẩn. Ở Việt Nam, sau khi được ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình quốc hội xem xét, thông qua và đưa vào thực hiện. Mặc dù lợi ích tiếp cận thị trường Mỹ không còn nữa, nhưng các thị trường của các nước tham gia CPTPP vẫn có quy mô khá lớn, có tầm quan trọng với Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện này sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Mexico... cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà đất nước đang có nhu cầu phát triển. Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cũng sẽ là tiền đề để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa trong khu vực.
Lễ ký kết CPTPP diễn ra 1 ngày sau khi Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump về bờ vực của cuộc chiến thương mại do kế hoạch áp thuế nhập khẩu thép và nhôm.
“Chúng tôi hy vọng CPTPP sẽ là 1 nền tảng quan trọng cho nỗ lực chung của chúng tôi để mở rộng 1 trật tự kinh tế thế giới tự do, công bằng và dựa trên luật lệ” - Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết hôm 8.3.
Khả năng mở rộng thành viên
Theo Financial Review, các nhà lãnh đạo của 11 nước thành viên CPTPP đang tìm kiếm các thành viên mới trong khi chuẩn bị cho lễ ký kết chính thức tại Chile. Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines, Sri Lanka và cả Anh cũng như vùng lãnh thổ Đài Loan đều được xem là những thành viên tiềm năng cho việc tham gia hiệp định quy định các quy tắc mạnh mẽ cho hoạt động thương mại tại một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế thế giới.
“Một khi CPTPP có hiệu lực thì chúng ta có thể bắt đầu các cuộc thảo luận về việc gia nhập. CPTPP hướng tới 1 hệ thống thương mại tự do, đa phương, dựa trên luật lệ và cởi mở. Nếu bất cứ nước nào quan tâm và sẵn sàng tuân theo các quy tắc, thì chúng ta có thể nói về việc gia nhập” - ông Kazuyoshi Umemoto - Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản - cho biết.
Còn theo Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, ASEAN nhận được rất nhiều lợi ích to lớn từ việc hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và những nỗ lực ủng hộ tự do thương mại là “những bước đi vững chắc để tăng cường khả năng kết nối trong khu vực”.
Để tăng cường khả năng kết nối, ông Taro Kono cho rằng, ASEAN cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, tuân thủ các nguyên tắc như hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương và chuyển giao công nghệ cũng như sự công khai và minh bạch. “Tuy nhiên, chỉ tập trung vào số lượng là không đầy đủ. Cơ sở hạ tầng không đạt tiêu chuẩn không chỉ kìm hãm sự phát triển toàn diện và bền vững, mà còn trở thành những trở ngại cho tăng trưởng” - Ngoại trưởng Nhật Bản nói thêm.