Những ngư dân trôi dạt
"Mới đây, khi leo lên boong, tôi thấy những nhánh tỏi lớn, một mớ hỗn độn giăng mắc của lưới đánh cá và dây thừng cũng như một chiếc áo len màu vàng thêu hoa phủ đầy cát.
Có vài manh mối về nguồn gốc của chiếc thuyền: Một chai nước tương màu nâu, có thể tương ớt được chế biến từ ớt đỏ lên men của Triều Tiên và vài hộp thuốc lá có in chữ Triều Tiên: "Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư và bệnh tim", bà Kazuko Komatsu ngư dân đảo Honsu (Nhật Bản) nói với The New York Times (NYT - Mỹ).
Cuối tháng trước, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, họ phát hiện ra 8 bộ xương trên chiếc thuyền gỗ trôi dạt vào bờ biển Miyazawa, phía tây bắc Honshu. Hiện giới chức Nhật Bản không xác nhận nguồn gốc của con tàu trên nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nó xuất phát từ Triều Tiên.
Theo NYT, tính từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng "tàu ma" trôi dạt đến bờ biển Nhật đã lên con số 76, chỉ tính riêng trong tháng 11 đã có tới 28 chiếc tàu cá.
Những bao thuốc lá có in chữ Triều Tiên được phát hiện trên tàu cá trôi dạt vào biển Nhật Bản. Ảnh: NYT
Tờ này dẫn nguồn Cục Di dân Nhật Bản cho biết, trong hai tuần vừa qua, ít nhất bảy tàu cá bị sóng đánh vào bờ biển tỉnh Akita và tất cả các tàu này đều có dấu hiệu xuất phát từ Triều Tiên. Theo cục này, trong đó có một con tàu chở theo tám ngư dân tự nhận là người Triều Tiên trôi dạt đến bến cảng thành phố Yurihonjo, Akita. Tám người này sau khi bị giam giữ đã được thả tự do về nước.
Trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang thì tần suất xuất hiện dày đặc của những "con tàu ma" được cho của Bình Nhưỡng càng khiến dư luận Nhật lo lắng.
"Tôi muốn biết tại sao chỉ trong một thời gian ngắn lại bất ngờ xuất hiện nhiều người đến như vậy", bà Kazuko Komatsu thắc mắc.
NYT nhận định, việc những "con tàu ma" xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực bờ biển Nhật Bản thường xảy ra vào nửa cuối năm, tức mùa thu và mùa đông, thời gian này thời tiết trên biển khắc nghiệt, kết hợp với việc sử dụng tàu thuyền, trang thiết bị cũ kỹ mới dẫn đến tình trạng lên đênh trên.
Theo lời kể của những nạn nhân được cứu sống trước đó, tàu của họ gặp phải thời tiết xấu dẫn đến trục trặc kỹ thuật nên mới trôi dạt vào lãnh hải Nhật Bản, tuy nhiên, một bộ phận dư luận Nhật Bản không tin vào điều này.
Cảng biển Yurihonjo - nơi phát hiện 8 người tự nhận là ngư dân Triều Tiên. Ảnh: NYT
Và nỗi lo gián điệp của Nhật Bản
NYT dẫn nguồn tin Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, trước đó, cơ quan này tiếp nhận 10 ngư dân Triều Tiên trên một con tàu neo đậu gần đảo Hokkaido, qua quá trình điều tra, nhóm người này khai nhận họ đã từng lên bờ và mang đi những đồ dùng như tủ lạnh, tivi, máy giặt và xe máy.
Cảnh sát địa phương Hokkaido cho biết, họ vẫn đang tiến hành thẩm vấn những ngư dân này và chưa xác nhận sẽ bắt giữ.
Tại Yurihonjo, khi thông tin một tàu cá chở theo 8 thành viên nhận là người Triều Tiên được phát hiện vào ngày 23/11, một tờ báo địa phương đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Liệu họ có phải là gián điệp Triều Tiên?".
Bà Mariko Abe (66 tuổi), sống tại đây lo lắng nghi ngờ về "động cơ phía sau" của nhóm ngư dân trên. "Có lẽ họ muốn bắt cóc một vài người", bà này nói.
Một người phụ nữa khác tên Tomoe Goto (41 tuổi) lại cho rằng, có thể vẫn còn nhiều ngư dân Triều Tiên đang trốn ở khu vực nào đó trong thành phố mà chưa bị phát hiện.
Tuy nhiên, văn phòng cảnh sát Yurihonjo đã khẳng định, nhóm ngư dân trên không phải là gián điệp. Giáo sư chính trị Đại học Seigakuin, ông Satoru Miyamoto cũng đồng quan điểm này.
Theo ông, "gián điệp sẽ chọn những chiếc thuyền tốt hơn". Ông cũng cho rằng, những thuyền viên xuất hiện trên bờ biển Nhật Bản thời gian gần đây có thể là ngư dân hoặc là những nông dân muốn tăng thu nhập trong vụ nông nhàn.
Những con sóng bạc đầu bên cảng biển Yurihonjo. Ảnh: NYT
"Rất nhiều người trong số họ không có nhiều kinh nghiệm đi biển, lênh đênh trên những chiếc thuyền gỗ cũ kỹ lâu ngày không được tu sửa, họ sẽ gặp rắc rối khi đối đầu với những con sóng lớn hung dữ trên đại dương", ông này nói.
Được biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ thị nâng cao hiệu quả lĩnh vực đánh cá thương mại. Đài truyền hình Nihon TV cho biết, chính quyền Bình Nhưỡng yêu cầu tăng gấp đôi sản lượng khai thác trong năm nay.
Ông Jiro Ishimaru, phóng viên phụ trách Triều Tiên của tờ Asia Press cho biết, nhiều ngư dân Triều Tiên đang mạo hiểu liều mình đánh bắt cá mực tại khu vực biển cực kỳ nguy hiểm của Nhật Bản. "Dù nguy hiểm nhưng họ sẽ rất nhanh kiếm được tiền", ông này nói.
Dọc bờ biển phía đông Triều Tiên, có những làng chài được gọi là "làng quả phụ". "Rất nhiều ngư dân đã ra khơi mà không trở về", Ishimaru nói.
Ngôi chùa Tousen ở Oga đang lưu giữ hài cốt của 8 thuyền viên Triều Tiên gặp nạn. Ảnh: NYT
Thực tế, rất nhiều thuyền viên đã không thể trở về quê hương. Người phát ngôn Sở cảnh sát thành phố Oga, ông Hiromi Wakai mới đây cho biết, cảnh sát địa phương đã phát hiện ra thi thể của tám thuyền viên trên một con thuyền gần cảng.
Những thi thể này thuộc độ tuổi từ 20 đến 50, đã bị phân hủy nghiêm trọng. Qua báo cáo khám nghiệm cho thấy, hai trong số họ đã bị đuối nước, sáu trường hợp còn lại không thể xác định rõ nguyên nhân tử vong.
Cuối tuần trước, lễ hỏa táng tám nạn nhân trên đã được thực hiện tại Oga. Lực lượng bảo vệ bờ biển địa phương vẫn giữa lại một số móng tay, chân để phục vụ công tác xét nghiệm ADN phòng khi người nhà họ xuất hiện.
Hiện nay, tro cốt tám nạn nhân này được đựng trong những chiếc hộp trắng, không ghi ký tự và được lưu giữ trong ngôi chùa Tousen ở Oga.
Trụ trì Ryosen Kojima (62 tuổi) nói, ngôi chùa sẽ lưu giữ tro cốt vô thời hạn, nếu trong tương lai không có người đến nhận, nhà chùa sẽ chôn họ ở nghĩa trang dành cho những linh hồn vô danh ở sân sau chùa.
Trụ trì nói: "Được sinh ra trên đời này, họ nhất định cũng có cha mẹ và gia đình. Tôi thực sự đau buồn cho số phận của họ".