Nhóm nghiên cứu đã sử dụng kính thiên văn cực lớn (ESO's Very Large Telescope) của Đài thiên văn Nam châu Âu (ESO) để quan sát hành tinh kỳ lạ này, vốn có mức độ chênh lệch nhiệt độ cực lớn giữa ngày và đêm. Quan sát kỹ hơn, họ còn xếp hành tinh này vào nhóm những hành tinh khắc nghiệt nhất trong vũ trụ.
Nằm cách Trái Đất 640 năm ánh sáng, WASP-76b xoay quanh ngôi sao chủ có nhiệt độ bề mặt tương tự như Mặt Trời. Quỹ đạo của WASP-76b cũng giống như quỹ đạo quay của Mặt Trăng với Trái Đất, khi một nửa bán cầu đối mặt với ngôi sao chủ, trong khi nửa kia chìm trong bóng tối vĩnh viễn. Đây được gọi là hiện tượng ‘khóa thủy triều".
Một mặt của WASP-76b luôn đối mặt trực tiếp với ngôi sao chủ
Theo các nhà thiên văn học, nhiệt độ bình thường tại mặt ban ngày của WASP-76b có thể vượt quá 2.400 độ C, mức nhiệt đủ nóng để làm bốc hơi kim loại. Trong khi đó, mặt ban đêm lại nguội hơn, ở mức 1.462 độ. Chính sự chênh lệch nhiệt độ này dẫn tới một hiện tượng kỳ lạ.
Ở mặt ban ngày, WASP-76b nhận được bức xạ gấp hàng nghìn lần từ ngôi sao mẹ của nó so với Trái Đất và Mặt Trời. Nhiệt độ cực cao đã gây ra những cơn gió dữ dội mang hơi sắt bị đốt cháy bay từ mặt ban ngày sang mặt ban đêm. Khi gặp nhiệt độ thấp hơn, chúng ngưng tụ thành những giọt kim loại lỏng,và rơi xuống tạo thành những cơn mưa kim loại.
Các quan sát cho thấy, hơi sắt chiếm rất nhiều trong bầu khí quyển của WASP-76b. Vì vậy, mưa sắt diễn ra trên hành tinh này cũng rất phổ biến.
"Bầu khí quyển giàu sắt đến nỗi những cơn mưa ở đây cũng đều là sắt", nhà thiên văn học David Ehrenreich từ Đại học Geneva, Thụy Sĩ cho biết.
Tham khảo CBS News