Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hết sức nghiêm trọng, ngày 19/3, chính phủ Anh đã ra quyết định đóng cửa toàn bộ trường học vô thời hạn - bắt đầu từ ngày 20/3, đồng thời xem xét ban hành lệnh phong tỏa một phần thành phố nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.
Lệnh phong tỏa một phần yêu cầu đóng cửa tới 40 ga tàu điện ngầm tại London, cắt giảm các dịch vụ giao thông công cộng, đồng thời khuyến cáo người dân không ra ngoài - trừ tình huống khẩn thiết.
Những tưởng sau thông báo ấy, thủ đô của Anh Quốc sẽ trở nên vắng lặng. Nhưng không phải vậy! Thay vào đó, vỉa hè và các cửa hàng, siêu thị nhanh chóng chật kín người. Dù chỉ là phong tỏa một phần (partial lockdown), nhưng 2 chữ "phong tỏa" cùng tin đồn phải ở nguyên trong nhà 15 ngày đã kích động dân chúng phải nhanh chóng dự trữ nhu yếu phẩm. Hiện tượng ấy vẫn xảy ra ngay cả khi chính phủ Anh cố gắng nhấn mạnh rằng khái niệm "phong tỏa" đang gây hiểu lầm.
Các quầy hàng tại siêu thị gần như chẳng còn gì
Nhưng chưa hết! CNN cho biết việc thiếu hụt bộ xét nghiệm nhanh virus corona đang tạo cảm giác cho công chúng rằng mọi chuyện đang trở nên quá muộn. 9 triệu dân tại London có vẻ đang không hề được đả thông tư tưởng. Bởi vậy mới có chuyện các siêu thị thì cháy hàng, trong khi một vài quán bar lại... kín chỗ.
Ngày 19/3, các báo cáo cho thấy một người đàn ông lớn tiếng tại quầy tính tiền, giành mua nốt cuộn giấy vệ sinh còn sót lại tại một siêu thị ở Đảo Chó (Isle of Dogs, London). Một siêu thị khác ở phía nam sông Thames, có 2 người tranh giành kịch liệt một vài món thiết yếu, gay gắt đến nỗi nhân viên an ninh phải vào cuộc và khống chế cả hai.
2 sự việc trên diễn ra chỉ trong vòng 1h đồng hồ. Người London, họ có thể cười cợt khi nghe được những câu chuyện này, cho đến khi bắt gặp chính bản thân mình rơi vào cảnh như vậy.
Đám đông vẫn tụ tập ở các quán bar tại London. Đây là hình ảnh của tại một quán pub tại ở Covent Garden - khu vực tập trung đông đúc du khách trong thành phố này
Chỉ 1 tuần trước, các cửa hàng tạp hóa chật kín ngay từ 10h sáng. Khách hàng đến đây, thay vì mua đồ tươi sống, họ gom một loạt mì Ý, xà phòng, chất tẩy trùng và cả giấy vệ sinh. Anh chàng thợ cắt tóc quả quyết "sẽ vẫn mở cửa cho đến khi bị bắt đóng". Anh hàng thịt hít hà khí trời, cho rằng "thật yên tĩnh và thanh bình" khi bầu trời sạch bóng máy bay, trong khi đang quăng cả tá ức gà lên bàn và gọi mối đến giao buôn. Bên vệ đường Holloway, nguyên một bộ chắn bùn ô tô bị bỏ lại, vẫn còn biển số gắn ở đó. Tài xế chiếc xe có lẽ đã hoảng sợ mà bỏ lại nó.
Chiếc biển số xe văng bên vệ đường tại London
Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh Quốc đã gặp phải rắc rối thật sự, ngay cả sau khi đưa ra lời kêu gọi công chúng không tập trung đông người. Nick Paton Walsh - phóng viên của CNN chia sẻ một người bạn của ông đã thử chạy bộ ở công viên Hampstead Heath, và nơi này vẫn rất đông người ra vào.
Bản thân Walsh cũng được trải nghiệm và nhận ra NHS có những vấn đề. Walsh đã bị ho sau chuyến đi tới Munich (Đức) hồi giữa tháng 2. Sau một chầu nhậu kế đó 2 ngày, ông tỉnh dậy với, sốt nhẹ (37,4 độ C). Walsh lập tức gọi đến đường dây hỗ trợ của NHS, và nhận được lời tư vấn rằng: có thể ông không nhiễm virus corona, nhưng vẫn cần đi khám.
Bác sĩ khám cho Walsh cũng đang bị cảm nặng. Bà khám sơ bộ cho Walsh, rồi bảo rằng ông không thực sự bị sốt, và không đạt đủ tiêu chuẩn để làm xét nghiệm virus. Tuy nhiên chỉ 1 tuần sau, quy định lại thay đổi, và Walsh cùng vợ ông phải cách ly tại nhà trong 2 tuần kế tiếp. Đó cũng là thời điểm bạn bè của Walsh chia sẻ những câu chuyện giống nhau: các triệu chứng đau ngực, cúm kéo dài, mãi không dứt. Họ không thể biết đã nhiễm virus hay chưa, hay đơn giản chỉ là bị cúm.
Một nhân viên công ích đóng cửa ga tàu sau lệnh phong tỏa một phần London
Có điều vào ngày 18/3/2020, đã có 56.221 người được xét nghiệm tại Anh và 2626 trường hợp dương tính với Covid-19. Nghĩa là ngay cả với nhóm người có đủ triệu chứng để làm xét nghiệm cũng có tỷ lệ rất thấp bị nhiễm virus. Ý nghĩ ấy có thể gây nguy hiểm, nhưng Walsh vẫn để nó lấn át, để cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Nguồn: CNN