Thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 chứng kiến những hồi chuông gióng lên mạnh mẽ về biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Chưa bao giờ, cuộc chiến bảo vệ Trái Đất của các nhà khoa học lại mạnh mẽ và cấp thiết như hiện nay.
Trích dẫn những nghiên cứu của các nhà khoa học, Tạp chí Global Biogeochemical Cycles đăng tải bài viết liên quan đến vùng chết trên đại dương.
'Dead zones' theo cách hiểu của giới nghiên cứu là vùng nước biển rộng lớn chứa rất ít hoặc không có oxy, khiến cho nhiều dạng sinh vật biển gần như không thể tồn tại.
Mức oxy trong đại dương đã giảm 2% từ năm 1960 đến 2010, gây ra sự mở rộng các vùng chết biển trên khắp đại dương toàn cầu khiến sinh vật biển và hệ sinh thái (xa hơn là con người) rơi vào tình trạng nguy hiểm.
Cuộc sống của hơn 1 tỷ người phụ thuộc vào đại dương đang gặp vấn đề!
Điều đáng nói ở đây là, các nhà khoa học nhận ra họ đang đánh giá thấp nguy cơ từ những vùng chết khổng lồ trên đại dương. Cụ thể vấn đề này diễn giải như thế nào?
Vùng chết đại dương - được xem là những mối nguy hiểm sinh thái khổng lồ trên biển - đã tăng cả về quy mô lẫn số lượng trong những thập kỷ gần đây. Không chỉ lan rộng ngoài biển, vùng chết này còn lan sang vùng nước ngọt trên đất liền.
Quan điểm thông thường về các vùng chết trên đại dương (còn gọi là vùng có nồng độ oxy thấp - OMZs, hay 'vùng tối') là vùng nước thiếu oxy do ô nhiễm chất dinh dưỡng từ các hoạt động của con người gây ra tại các vùng nước ven biển, khiến hệ sinh thái biển và chuỗi thức ăn bị tác động nặng nề, dẫn đến giảm đa dạng sinh học.
Các chất dinh dưỡng dư thừa chảy ra khỏi đất hoặc được dẫn nước thải vào sông và bờ biển có thể kích thích sự phát triển quá mức của tảo, sau đó chìm xuống và phân hủy trong nước. Quá trình phân hủy đã tiêu thụ oxy hòa tan trong nước và làm cạn kiệt nguồn cung cấp dưỡng khí cho sinh vật biển khỏe mạnh.
Quá trình này được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành của các vùng chết trên đại dương. Tuy nhiên, theo một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế do nhà sinh vật học Sabine Lengger thuộc Đại học Plymouth, Vương quốc Anh dẫn đầu nhận định: Còn có thể có một yếu tố quan trọng khác đằng sau vấn đề liên quan đến mối nguy hiểm sinh thái khổng lồ trên biển này.
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, các chất hữu cơ chìm xuống đáy biển không chỉ đến từ mặt biển mà còn có sự đóng góp lớn từ các vi khuẩn kỵ khí sống trong vùng đại dương sâu, tối và có thể đồng hóa cacbon (quá trình chuyển đổi cacbon vô cơ (cacbon dioxit) thành các hợp chất hữu cơ bởi các sinh vật sống)" - Tiến sĩ Sabine Lengger cho hay.
Các nghiên cứu trước đây về vùng chết đại dương có thể đang đánh giá thấp những hiểm họa sinh ra từ quá trình này. Việc chúng ta đánh giá thấp mức độ cạn kiệt của oxy trong biển trong một thế giới đang ngày càng nóng lên có thể khiến sự tuyệt chủng của các sinh vật biển diễn ra âm thầm nhưng mạnh hơn bao giờ hết.
Sau khi phân tích các lõi trầm tích được lấy từ đáy biển Ả Rập - nơi được cho là vùng chết lớn nhất trên thế giới - họ nhận thấy, vi khuẩn kỵ khí sống ở vùng nước sâu có thể chịu trách nhiệm sản xuất gần 1% của các chất hữu cơ tồn tại dưới đáy biển.
"Nhu cầu dưỡng khí (oxy) của các sinh vật sống tại các vùng OMZs có thể đang ở mức báo động, nghĩa là cao hơn so với tính toán của chúng ta trước đây. Nếu không kịp khắc phục, các sinh vật biển tại OMZs sẽ dễ chết hơn, nhanh hơn, điểu này vô hình chung mở rộng thêm quy mô của các vùng chết trên đại dương." - Nhóm tác giả báo cáo.
Không những thế, quá trình mất oxy trong đại dương cũng có thể có ảnh hưởng lớn đến phản ứng hóa học đại dương, tạo tiềm năng tăng sản xuất khí nhà kính N2O (oxit nitơ), tác động đến khí hậu toàn cầu.
Các phát hiện này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) công bố báo cáo rằng: Các vùng chết đại dương đang lan rộng như một bệnh dịch đại dương, với số lượng khoảng 700 vùng trên khắp đại dương Trái Đất. Trong khi đó, thập niên 1960, người ta chỉ xác định khoảng 50 vùng.
NOAA cho biết, vùng chết xảy ra ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt dọc theo vùng Đông Duyên hải Mỹ, Vịnh Mexico và Hồ Lớn... Trong đó, vùng biển Ả Rập được cho là vùng chết lớn nhất trên thế giới.
Riêng vùng chết đại dương tại Vịnh Mexcio rộng 16.767 km vuông. Năm 2015, diện tích vùng chết tại đây tiếp tục tăng thêm 25% bất chấp những nỗ lực của Mississippi River/Gulf of Mexico Watershed Nutrient Task Force nhằm mục tiêu giảm khu vực biển thiếu oxy của vùng Vịnh.
Vùng chết trên đại dương tại Vịnh Mexico. Ảnh: NOAA
Theo các nhà khoa học, trước đây, những vùng nước thiếu oxy xảy ra một cách tự nhiên. Có nhiều yếu tố vật lý, hóa học và sinh học kết hợp với nhau để tạo ra các vùng chết, nhưng ô nhiễm chất dinh dưỡng (do được tăng cường bởi hoạt động của con người) là nguyên nhân chính gây nên những vùng chết này.
Khoa học ước tính rằng, thực vật biển sản xuất từ 70 đến 80% nguồn oxy cho Trái Đất. Các loài thực vật biển đó là sinh vật đơn bào, tảo, thực vật phù du... Mỗi năm, tảo sản xuất ra khoảng 330 tỷ tấn oxy từ quá trình quang hợp. Tất nhiên, quá nhiều tảo (vì ô nhiễm chất dinh dưỡng nêu trên) cũng là một vấn đề.
Đại dương trong một thế giới ngày càng nóng lên đang đối mặt với rất nhiều vấn nạn: Từ việc hấp thu lượng nhiệt khổng lồ từ biến đổi khí hậu nhân tạo đến việc đại dương đang chứa quá nhiều rác thải nhựa, ô nhiễm chất dinh dưỡng đến việc bị axit hóa mạnh hơn. Đại dương vốn được xem là thế giới của đa dạng sinh học, vì tác động của con người mà trở thành vùng 'sa mạc sinh học' nơi hiếm dưỡng khí và sinh vật sống, NOAA nhận định.
Tóm lại, thực vật biển và thực vật trên cạn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự sống của con người. Chưa hết, đại dương là nguồn cung cấp chất đạm chủ yếu cho hơn 1 tỷ người, và sự sống còn của chúng ta phụ thuộc vào việc bảo vệ đại dương.
Các nhà khoa học hy vọng, nghiên cứu mới này có thể giúp các quốc gia bảo vệ biển tốt hơn trước khi mọi việc diễn ra quá muộn.
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert, NOAA
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.