Kinh hãi vì giun bò dưới da
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh vừa điều trị cho bé Nguyễn T.T. 5 tuổi ở Tân Kiên, Bình Chánh tới điều trị. T. bị giun ký sinh khi về quê ngoại chơi dịp hè. Sắp đến ngày về, bố T. thấy con mình có nhiều nốt to cộm, lòng bàn chân xuất hiện các vệt màu hồng, liền đưa T. đến bệnh viện khám.
Khi T. đưa bàn chân phải cho các bác sĩ xem, nhiều nốt đỏ to sần lên và dấu vết của ấu trùng di chuyển tạo ra những ‘đường hầm’ dài ngoằn nghèo trên da còn thấy rõ. Giun bò dưới da khiến T. khó chịu, đưa tay gãi ngứa liên tục.
Các bác sĩ cảnh báo nguy cơ trẻ bị nhiễm giun vào dịp hè rất lớn. Trường hợp của bé Trần Hải Đ. 7 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội cũng bị giun lươn tấn công ở da. Theo người nhà Hải Đ., bé về quê chơi có ra vườn nghịch đất cát, nhổ cỏ với bà. Sau đó về nhà bé thấy ngứa gãi xước cả da và đặc biệt ở vùng da chân, tay có các đường đỏ đỏ ngoằn nghèo và di chuyển.
Quá lo lắng, bố mẹ cho bé đi khám da liễu ở một phòng khám tư. Bác sĩ cho thuốc về bôi không đỡ và đi kiểm tra lại xét nghiệm miễn dịch men ELISA dương tính với kháng nguyên giun lươn. Bác sĩ kê thuốc điều trị giun về uống và bé hết ngứa cũng như những đường ngoằn nghèo kia cũng mất hết.
Cách đây không lâu trận mưa lớn khiến gia đình chị Hạnh (Tân Mai, Hà Nội) bị ngập. Khi nước ngập rút đi chị Hạnh và cả nhà ngứa ngáy vì chứng nấm da. Điều khó chịu nhất là trên da chị nổi lên những đường loằng ngoằng.
Quá hoảng sợ chị đến bệnh viện khám thì được bác sĩ cho biết chị bị ấu trùng di chuyển tấn công. Xét về tiền sử bệnh, chỉ có thể là do trận mưa lớn khiến nhà chị bị ngập, ấu trùng đã tiếp xúc với da và tự chui vào da để ký sinh.
(Ảnh minh họa)
Giun có thể chu du khắp cơ thể
Theo GS Nguyễn Văn Đề - Nguyên Chủ nhiệm môn Ký sinh trùng, trường Đại học Y Hà Nội, ấu trùng giun lươn xâm nhập cơ thể bằng cách chui qua da, sau đó theo đường tĩnh mạch về tim, qua phổi, tới khí quản.
Giun lươn tấn công hệ thống thần kinh: ấu trùng giun lươn phát triển trong lòng ruột sau đó xuyên qua thành ruột, theo máu đi thẳng lên hệ thống thần kinh trung ương gây viêm não, màng não, áp-xe não và xuất huyết não… Đây là một trong những tổn thương nặng nề, nguy hiểm và có thể gây tử vong.
Nếu chui vào hệ thống hô hấp giun lươn và ấu trùng của nó gây ra viêm phổi, áp-xe phổi, xuất huyết phổi...
Theo GS Đề, bình thường trong chu kỳ ký sinh giun ký sinh trong niêm mạc ruột, giun đực, cái giao hợp đẻ trứng ấu trùng phát triển ngay trong ruột rồi đào thải ra ngoài theo phân.
Ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua đường da không chỉ dừng lại ở da ấu trùng giun lươn còn đi vào máu, qua tim, phổi, nên khí quản, tới hầu họng, sang thực quản để phát triển thành giun trưởng thành ký sinh tại đó.
Đặc biệt ấu trùng mập nở ra từ trứng trong ruột có thể phát triển thành ấu trùng hình chỉ và gây tự nhiễm cho người.
Trong chu kỳ tự do, ấu trùng chu du luôn phát triển thành giun trưởng thành ở môi trường; giun đực, cái giao hợp đẻ trứng và tiếp tục chu kỳ mới, chúng dưỡng sinh bằng vi khuẩn và các chất hữu cơ trong đất. Tiếp xúc với đất và da có vết thương hở nhỏ có thể bị nhiễm ấu trùng giun và giun.
Giun ký sinh trên da có ở các nước Châu Phi, Châu Mỹ Châu Á như Đông Phi, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Panama, Braxin, Ai Cập, Mỹ. Tại Việt Nam tỷ lệ giun lươn theo điều tra của Đại học Y Hà Nội khoảng 1 %, còn ở Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ nhiễm giun lươn là 8% tại Củ Chi.
Trong một điều tra khác tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2007 trong số bệnh nhân loét thành tá tràng có tới 29 % do nhiễm giun lươn.
GS Đề cho biết khi ký sinh trong ruột non và tá tràng giun lươn có thể chui vào niêm mạc ruột gây những tổn thương niêm mạc ruột, tá tràng làm rối loạn tiêu hóa hoặc gây tình trạng viêm ruột mãn tính có thể gây ra viêm tá tràng vật lý. Bạch cầu ái toan tăng cao. Giun đi lên phổi có thể gây viêm phổi, áp-xe phổi, xuất huyết phổi.
Để phòng bệnh cần vệ sinh cá nhân, không phóng uế bừa bãi. Áp dụng các biện pháp phòng hộ trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Những người thường hay tiếp xúc với đất nên mang găng tay, đi giày dép, đi ủng...