Lạm phát, hiểu một cách đơn giản, là việc các loại hàng hóa và dịch vụ tăng giá so với thời điểm trước.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm, nền kinh tế rơi vào tình trạng siêu lạm phát. Giá cả bất ngờ tăng phi mã không thể kiểm soát. "Cá chép bất ngờ hóa rồng" bay cao đến mức không giữ nổi, nhưng điều này chẳng đáng mừng chút nào
Việt Nam đã lâm vào tình trạng siêu lạm phát vào năm 1986, khi giá cả tăng 774%. Tỷ lệ lạm phát 3 con số còn tiếp diễn trong 2 năm tiếp theo.
Một ví dụ điển hình nhất của tình trạng siêu lạm phát này là một cá nhân gửi 270 đồng (tương đương 2 chỉ vàng) tại thời điểm năm 1983, đến năm 2014 chỉ nhận được 4.385 đồng (đã bao gồm cả gốc lẫn lãi), không đủ tiền mua 1 mớ rau.
Siêu lạm phát thời kỳ đó đẩy kinh tế Việt Nam vào khủng hoảng. Chỉ số giá bán lẻ của thị trường xã hội năm 1986 tăng 587,2% so với năm 1985.
Do đồng tiền mất giá, người ta quay sang lấy vàng làm bản vị, khiến giá vàng tăng vọt, còn nhanh hơn cả tăng giá hàng hóa. Tình trạng vàng hóa trong dân bắt nguồn từ đây.
Ngoài thời kỳ trên, 2 lần lạm phát đáng kể khác của Việt Nam là năm 2008 (18,89%) và 2011 (18,58%) với tình trạng bong bóng bất động sản.
Một công trình nghiên cứu năm 2013 đã đưa ra kết luận: Kỷ lục lạm phát của Việt Nam vượt mọi quốc gia.
Mức lạm phát của Việt Nam lên tới hơn 18% năm 2011 và 6,8% năm 2012, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 3% của các nước như Indonesia, Phillippines và Thái Lan. Ngay cả khi so với Trung Quốc, lạm phát của Việt Nam cũng cao hơn, trong khi tăng trưởng luôn thấp hơn.
Sau những bài học đau đớn trong quá khứ, Việt Nam cũng đã rút ra kinh nghiệm đó là tăng trưởng không nhất thiết phải đi kèm với siêu lạm phạt. Vì vậy những năm qua, chính sách luôn yêu cầu giữ vững lạm phát ở mức thấp hơn nhiều so với thời điểm vài năm trước. Tuy nhiên, sang tới năm nay, tình hình lạm phát được cho là một biến số khó lường. Liệu chú cá 2016 có lớn đột ngột như đàn anh 2008, 2011?