"Hezbolla vượt mọi lằn ranh đỏ": Cuộc chiến toàn diện đang manh nha ở Trung Đông còn có thể đảo chiều?

Thi Anh |

Israel cho rằng cuộc tấn công hôm 27/7 đã "vượt mọi lằn ranh đỏ" và trách nhiệm là của Hezbollah.

Nỗ lực bên bờ vực chiến tranh toàn diện

Các nhà ngoại giao từ Mỹ và Trung Đông ngày 28/7 đã nỗ lực để ngăn chặn giao tranh giữa Israel và Hezbollah biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện sau vụ tấn công tại cao nguyên Golan (hiện do Israel kiểm soát), khiến 12 người thiệt mạng. Quân đội Israel cho biết, đây là vụ tấn công đơn lẻ đẫm máu nhất nhằm vào Israel kể từ 7/10/2023.

Israel đã cáo buộc Hezbollah thực hiện vụ tấn công hôm 27/7 và đe dọa đáp trả mạnh mẽ. Nội các Israel tiến hành họp ngay hôm sau để thảo luận về hướng đi của mình, vài giờ sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu trở về từ chuyến thăm Washington.

Hezbollah nói rằng họ không liên quan đến vụ việc nhưng nhận trách nhiệm về một loạt các cuộc tấn công khác trong khu vực hôm 27/7, bao gồm vụ phóng rocket Falaq-1 vào một địa điểm quân sự của Israel cách hiện trường tấn công vài km. 

Các quan chức Mỹ đã liên lạc với những người đồng cấp tại Israel và Liban, đồng thời trao đổi thông điệp với Iran để tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, WSJ dẫn nguồn quan chức Ả Rập và châu Âu quen thuộc với vấn đề cho biết. Tất cả các bên đều bày tỏ rằng họ không muốn mở rộng xung đột, nhưng khả năng tính toán sai lầm vẫn ở mức cao.

"Chúng tôi đang tiến đến thời điểm của một cuộc chiến tranh toàn diện với Hezbollah và Liban", Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz nói ngay sau cuộc tấn công hôm 27/7 và nhấn mạnh, cuộc tấn công "đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ và sẽ có đáp trả theo đó".

"Hezbolla vượt mọi lằn ranh đỏ": Cuộc chiến toàn diện đang manh nha ở Trung Đông còn có thể đảo chiều?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tấn công hôm 27/7 tại Majdal Shams khiến 12 người thiệt mạng. Ảnh: Menahem Kahana/Agence France-Presse/Getty Images

Sáng 28/7, quân đội Israel đã tấn công sâu vào lãnh thổ Liban như một động thái đáp trả ngay lập tức sau cuộc tấn công. 

Cuộc tấn công diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza do Mỹ dẫn đầu. Tình trạng leo thang giữa Israel với Hezbollah có thể làm gián đoạn những cuộc đàm phán vốn đã bị đình trệ trong nhiều tháng.

Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng kêu gọi kiềm chế. "Chúng tôi hối thúc các bên kiềm chế tối đa và chấm dứt việc tăng cường hỏa lực giao tranh đang diễn ra", Đặc phái viên đặc biệt cho Liban Jeanine Hennis-Plasschaert nói.

Về phần mình, chính phủ Liban lên án "mọi động thái bạo lực và gây hấn nhằm vào tất cả dân thường", đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức trong một tuyên bố được phát đi trên truyền thông nhà nước.

Tính toán sai lầm: Mồi lửa nhỏ châm ngòi đám cháy lớn

Cuộc tấn công hôm 27/7 đã làm tăng nguy cơ biến xung đột âm ỉ giữa Israel và Hezbollah thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Trong nhiều tháng qua, hai bên đã kiểm soát, giữ xung đột trong giới hạn và tránh một cuộc chiến tranh toàn diện có thể gây tàn phá cho cả Israel và Liban.

Cuộc tấn công chính là loại sự cố mà các quan chức khu vực và quan sát viên đã lo ngại trong nhiều tháng: một tính toán sai lầm có thể tạo áp lực nội bộ khiến phía bên kia phản ứng một cách mạnh mẽ.

Heiko Wimmen, giám đốc dự án về Liban, Syria và Iraq tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho biết: “Chúng tôi luôn nói rằng một điều gì đó như vậy có thể xảy ra, rằng một cuộc tấn công làm thường dân thiệt mạng chẳng hạn hoặc theo những cách khác sẽ tạo ra một tình huống ở một phía khiến họ cảm thấy mình buộc phải đáp trả thật mạnh". 

Cuộc tấn công làm tăng áp lực lên chính quyền Biden sau nhiều tháng tìm cách giảm leo thang giao tranh tại biên giới Israel-Liban và ngăn chặn cuộc chiến Gaza trở thành xung đột khu vực với quy mô lớn hơn. 

Xung đột cũng đã châm ngòi cho các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen nhằm vào các tuyến hàng hải quan trọng ở Biển Đỏ và Israel, cùng các cuộc tấn công từ các nhóm phiến quân được Iran hậu thuẫn nhằm vào lực lượng Mỹ tại Iraq và Syria.

Một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah có thể gây ra chết chóc và hủy diệt trên diện rộng ở cả hai quốc gia. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố hồi tháng 6 rằng Israel có thể ném bom khiến Liban “trở lại thời kỳ đồ đá”.

Về phần mình, Hezbollah cũng đã tăng cường khả năng quân sự trong những năm gần đây với sự trợ giúp từ Iran. Nhóm này hiện sở hữu tên lửa tiên tiến, máy bay không người lái và hệ thống dẫn đường. Thủ lĩnh của Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố rằng tên lửa của Hezbollah có khả năng tấn công bất cứ đâu ở Israel.

Iran đã báo hiệu rằng họ không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện nhưng sẽ hậu thuẫn Hezbollah nếu xung đột mở rộng. Theo WSJ, Hezbollah là tài sản quan trọng nhất trong số các đồng minh gồm các nhóm phiến quân trong khu vực của của Iran, và các quan chức Iran từng đe dọa sẽ can thiệp để bảo vệ Hezbollah nếu Israel bước vào cuộc chiến tranh toàn diện với nhóm này.

Mới đây, các cố vấn an ninh Iran đã tuyên bố rằng, nỗ lực của Israel nhằm tiêu diệt Hezbollah, đặc biệt là bằng cách phát động một cuộc xâm lược trên bộ, sẽ có thể là lằn ranh đỏ khiến Iran can thiệp trực tiếp vào xung đột. 

Cho đến nay, nước Cộng hòa Hồi giáo chủ yếu chỉ trang bị và huấn luyện cho các đồng minh ở Yemen, Iraq, Syria và Liban. Iran mới chỉ thực hiện tấn công trực tiếp vào Israel một lần với hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái hồi tháng Tư.

“Sự răn đe từ Hezbollah [chống lại Israel] là quan trọng nhất đối với Iran”, một cố vấn an ninh Iran cho hay. 

Kể từ khi Hezbollah và Israel bắt đầu giao tranh vào tháng 10/2023, hơn 6.400 đầu đạn đã được phóng vào Israel trong khi Israel thực hiện hàng trăm cuộc không kích và pháo kích nhằm vào Liban. Hàng chục nghìn thường dân ở biên giới hai bên đã phải rời bỏ nhà cửa đi di tản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại