Thẳng thắn, minh bạch
Sau 5 tháng đi vào hoạt động, ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương?
Tổ công tác là một cái mới, cái sáng tạo của Thủ tướng khi điều hành đất nước.
Từ quan điểm muốn xây dựng một Chính phủ hành động thì Thủ tướng đã quyết định thành lập tổ công tác trực tiếp giúp Thủ tướng nắm những nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện ra sao.
Đến nay, tuy mới hoạt động được 5 tháng nhưng đã có chuyển động rất tích cực. Số nhiệm vụ mà Thủ tướng, các Phó Thủ tướng giao cho các đơn vị thực hiện bị quá hạn ngày càng giảm.
Quan trọng nhất là nó có một sự lan tỏa, nhiều bộ, ngành địa phương đều theo mô hình của Thủ tướng.
Các Bộ, ngành địa phương đều có tổ công tác của các Bộ trưởng, UBND tỉnh, thành phố, theo dõi nhiệm vụ giao cho các cơ quan đơn vị.
Từ đó, tạo ra sự chuyển biến về ý thức và trách nhiệm, về kỷ luật kỷ cương và tác phong, lề lối làm việc.
Kiểm tra như thế thì sức ép có lớn không, thưa ông?
Tư duy trước đây là hiền lành phiếu cao thì bây giờ khác hoàn toàn. Ông không làm, không năng động, không va chạm gì thì phiếu không cao đâu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Quan điểm của Tổ công tác là vẫn mang tính kiểm tra nhưng đằng sau đó mang tính hỗ trợ nhiều hơn.
Tổ công tác kiểm tra để phát hiện ra nhưng cùng với đó cũng có sự phối hợp với họ để tháo gỡ, tìm giải pháp chứ không mang tính kiểm tra theo nghĩa vạch vòi, bới lông tìm vết.
Do đó, ngoài kiểm tra thì sâu xa còn mang tính hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ, mang tính bao trùm nhiều hơn chứ không mang tính thanh tra như các cơ quan thanh tra khác.
Tuy nhiên khi đi kiểm tra, thì Tổ công tác cũng chịu nhiều sức ép. Sức ép đầu tiên là khi xuống kiểm tra mà có thêm hàng chục cơ quan báo chí.
Đây là điều chưa có tiền lệ nên rất nhiều bộ trưởng nói sao có nhiều báo chí thế? Tôi nói tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là phải minh bạch, mà minh bạch là phải có cơ quan báo chí, chứ kiểm tra mà đóng cửa bảo nhau thì còn gọi gì là kiểm tra.
Mình đi kiểm tra thì cứ minh bạch, nếu tốt nói là tốt, chưa được thì nói chưa được, còn khiếm khuyết thì phải thẳng thắn nhìn nhận.
Thế còn sức ép đối với bản thân ông khi là Tổ trưởng Tổ công tác thì sao?
Nói thật là cực kỳ nhiều sức ép, cơ quan báo chí vào cũng là một sức ép nhưng không sức ép bằng việc mình xuống làm việc.
Mình là bộ trưởng, người ta cũng là bộ trưởng, mình là Ủy viên Trung ương, người ta cũng là Ủy viên Trung ương. Sức ép rất lớn nên mình làm sao phải đúng vị thế, đúng mực, có trách nhiệm với đơn vị được kiểm tra.
Đồng thời làm sao để các Bộ, ngành địa phương hiểu rằng đây là công việc chung để cùng nhau xây dựng đất nước.
Vì thế, khi làm việc với các Bộ, tôi vẫn nói rằng đây là việc chung thôi, còn tình cảm của tôi và anh chẳng có gì thay đổi cả, vẫn thế, còn quý nhau hơn.
Chứ nếu đi kiểm tra trước mặt nhau thì nịnh nhau nhưng ra ngoài nói với cơ quan báo chí thì lại đùn đẩy, né tránh thì không ai người ta tin.
Do đó, khi kiểm tra phát hiện được vấn đề gì thì trao đổi với tất cả cơ quan liên quan xem có vướng mắc gì, đặc biệt khi có vấn đề xung đột ở các Bộ, ngành địa phương thì trực tiếp lãnh đạo Văn phòng Chính phủ sẽ ngồi xử lý luôn, tạo ra hiệu quả.
Nhờ đó đến nay sức ép cũng giảm dần, công việc triển khai thuận lợi hơn.
Cần thời gian để tạo sự lan tỏa
Nhiều ý kiến đánh giá là thời gian qua, Trung ương chuyển động mạnh, nhưng ở địa phương sự lan tỏa chưa mạnh.
Là cơ quan tham mưu, đứng đầu Tổ công tác, xin Bộ trưởng cho biết làm sao để sự chuyển động ở địa phương rõ nét hơn?
Đây là chuyển động của cả hệ thống chính trị chứ không phải chuyển động riêng của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Cái đó rất quan trọng.
Tôi tin rằng, khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, khi đã nhận diện được thế nào là biểu hiện tự diễn biến, thế nào là tự chuyển hóa, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức Đảng, việc thực thi công vụ, thực thi kỷ luật, kỷ cương thì bắt buộc mọi đơn vị, người đứng đầu phải chuyển động.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận là để chuyển động đến tận xã, phường không thể một chốc, một lát được. Ví dụ, muốn chuyển động đến huyện thì tỉnh phải chuyển động; muốn chuyển động ở cấp xã thì cấp huyện phải chuyển động.
Và nếu như ở nơi nào, người đứng đầu thực sự là người mẫu mực, gương mẫu, tiên phong, đổi mới thì địa phương ấy sẽ phát triển, người dân sẽ được nhờ.
Hơn nữa, người dân giờ đây cũng không chấp nhận những lãnh đạo thiếu năng lực, không quyết liệt trong công việc. Tư duy trước đây là hiền lành phiếu cao thì bây giờ khác hoàn toàn.
Ông không làm, không năng động, không va chạm gì thì phiếu không cao đâu. Đánh giá bây giờ là bằng công việc, hiệu quả chứ không đánh giá bằng cảm tính.
Do đó, tôi tin rằng, với sự quyết tâm, hành động quyết liệt của cả bộ máy thì sự chuyển động đó sẽ nhanh chóng tạo ra sự lan tỏa từ Trung ương đến địa phương.
Cảm ơn ông!