Hết thời “bỏ phố về rừng”, đến thời “bán farmstay về phố”

Triệu Vương |

Chỉ hơn 1 năm trước, trào lưu “bỏ phố về rừng” diễn ra rầm rộ, đặc biệt trên các diễn đàn, hội nhóm. Đến hiện tại, một số chủ farmstay đang buộc phải rao bán tài sản để quay trở lại phố.

Bùng nổ mạnh mẽ nhất ở thời điểm dịch Covid-19, khi khoảng thời gian cách ly xã hội kéo dài hàng tháng, sự bức bối trong bức tường bê tông ngột ngạt ở phố thị đã khiến nhiều người dân Hà Nội “chuộng” mua đất vùng ven xây nhà, trồng cây để sống hoà vào thiên nhiên. Cùng với quy định bắt buộc phải tới văn phòng làm việc thay thế bằng hình thức làm trực tuyến, xu hướng bỏ phố về rừng càng có điều kiện bùng nổ.

Đó là khoảng thời gian mà nhiều diễn đàn, hội nhóm được lập ra với chủ đề “bỏ phố về rừng”. Xu hướng này bùng nổ mạnh ở nhóm gia đình trẻ, một trong nhóm chịu tác động mạnh bởi áp lực mưu sinh, những deadline công việc, muốn tránh khói bụi ồn ào.

Thế nên, những câu chuyện của người trẻ mạnh mẽ bỏ phố về rừng, mua hàng nghìn m2 đất, xây nhà, trồng cây luôn thu hút sự quan tâm và ngưỡng mộ của cư dân mạng. Nhiều người trẻ vội vã “dắt túi” vài trăm m2 đất ở vùng núi với ước mơ cuối tuần về thiên nhiên nghỉ dưỡng. Đó là khoảng thời gian mà đất tại khu vực có địa hình đồi núi “sốt” mạnh.

Người dân săn tìm đất Lương Sơn (Hoà Bình), Yên Bái, hay các khu vực vùng ven Hà Nội như Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn. Từ vài trăm nghìn/m2 đất rừng, giá bắt đầu tăng gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp tới 10 lần.

Thế nhưng, kể từ thời điểm khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, trào lưu bỏ phố về rừng dần rơi vào tình trạng ảm đạm, trầm lắng. Đến hiện tại, thay bởi trào lưu “bỏ phố về rừng” là cơn sóng ngầm “bán farmstay” về phố.

 Hết thời “bỏ phố về rừng”, đến thời “bán farmstay về phố”  - Ảnh 1.
 Hết thời “bỏ phố về rừng”, đến thời “bán farmstay về phố”  - Ảnh 2.

Làn sóng rao bán đất farmstay, đất nghỉ dưỡng diễn ra sôi động trong hội nhóm, diễn đàn.

Khảo sát trên hội nhóm, nhiều farmstay đã hoàn thiện cơ bản các hạng mục về nhà, vườn và hệ thống cây trồng đang được rao bán. Thậm chí, một số farmstay được rao bán cắt lỗ do chủ cần tiền gấp.

Một môi giới khu vực Hoà Bình kể, thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhất là giai đoạn khoảng thời gian an toàn giữa các đợt dịch, trung bình mỗi tuần, môi giới này dẫn 3 đến 5 lượt khách đi xem. Một tháng, số lượng giao dịch chốt thành công lên tới con số 3. Thậm chí thời điểm tốt, có tháng, môi giới này thực hiện 6 giao dịch mua – bán thành công.

“Khách nhắn tin hỏi rất nhiều. Vì mua đất ở Hoà Bình khá rẻ, chỉ vài trăm triệu đã có thể mua lô đất từ 500m2 trở lên. Đúng thời điểm này, người người, nhà nhà muốn về rừng làm vườn, trồng cây”.

Nhưng đến hiện tại, môi giới này đang phải chuyển nghề sang lái xe taxi bởi lượng khách tìm mua sụt giảm mạnh. “Bây giờ chỉ có chiều ngược lại là khách bán đất ven, bán farmstay về phố. Lượng người nhờ bán nhiều hơn người muốn mua”.

 Hết thời “bỏ phố về rừng”, đến thời “bán farmstay về phố”  - Ảnh 3.

Nhiều thông tin rao bán cắt lỗ.

Theo chia sẻ của anh Phạm Thuật, một nhà đầu tư lâu năm ở Hà Nội, “Làn sóng bán farmstay về phố đang diễn ra trong thời gian gần đây. Trước vì dịch, mọi người hào hứng về rừng sống thảnh thơi. Nhưng bây giờ đã quay trở lại trạng thái bình thường, guồng quay công việc, chuyện học hành của con cái lại bắt đầu như cũ. Họ không thể chuyển tới nơi cách trung tâm Hà Nội từ 30-60km để đi làm. Chưa kể, vấn đề tắc đường đã quay trở lại.

Ngay cả việc học của con, việc tiếp cận với chương trình học tiên tiến, cơ sở vật chất tốt, các môn năng khiếu như vẽ, đàn, thể thao khác thì trong trung tâm Hà Nội vẫn phát triển. Đó là lý do mà họ không còn thời gian để quản lý vận hành farmstay và buộc phải bán. Vì để càng lâu, khấu hao càng lớn. Hiện tại, du lịch mở cửa, người dân có nhu cầu đi máy bay, đi các vùng khác có nhiều cảnh đẹp hơn”.

Cũng theo anh Phạm Thuật, một lý do khác mà nhiều người rao bán bởi tình hình kinh tế khó khăn, nhiều nhà đầu tư, thậm chí cả những người làm ăn kinh doanh đang thiếu vốn. Họ buộc phải bán farmstay hay resort đi để trả nợ, thu hồi lại dòng tiền.

“Xu hướng bán farmstay về phố còn sẽ diễn ra mạnh trong năm 2023 khi áp lực gồng nợ lãi lớn, công việc kinh doanh ngày càng trở nên khó khăn”, anh Thuật nói.

Trước đó, TS.Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế từng dự đoán làn sóng bỏ phố về rừng sẽ nhanh chóng tàn bởi khi đã quen cuộc sống tiện nghi ở phố thì việc bỏ về nơi hoang vắng khiến người dân thành thị khó làm quen được với môi trường sống mới.

Theo vị chuyên gia này, đất mua làm farmstay, homestay sẽ là phân khúc “đóng băng” sớm, do không đáp ứng nhu cầu ở thực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại