Hết Tết lại đến Tết Nguyên tiêu! Người Việt thường làm gì vào Rằm tháng Giêng để thành kính tổ tiên, cầu bình an, may mắn?

|

Vì sao người ta gọi Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu?

Tết Nguyên tiêu còn được gọi là Nguyên tịch, Nguyên dạ hay Tết Thượng nguyên. “Nguyên” trong nghĩa đầu tiên, thứ nhất, “tiêu” nghĩa là đêm. “Nguyên tiêu” mang ý nghĩa là đêm Rằm đầu tiên trong năm.

Đêm Rằm đầu tiên trong năm còn được gọi là lễ Thượng Nguyên, bên cạnh đó còn Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy), Tết Hạ nguyên (Rằm tháng Mười). Ở nước ta, dân gian quen thuộc gọi là Rằm tháng Giêng.

Tết Nguyên tiêu có nguồn gốc thế nào?

Trong cuốn Tìm hiểu các ngày lễ Tết trong năm do Bùi Sao biên soạn, có nhắc đến nguồn gốc của ngày Tết này. Tương truyền, đời vua Hán Văn, thời Tây Hán của Trung Quốc lên ngôi vào ngày Rằm tháng Giêng. Để chúc mừng điều này nên vua quyết định lấy ngày Rằm tháng Giêng làm ngày hội Hoa Đăng.

Hàng năm, vào tối ngày Rằm tháng Giêng, nhà vua thường ra khỏi cung vi hành cùng chung vui với bách tính. Vào ngày ấy, trên khắp ngả đường, làng xóm, nhà nào cũng treo đèn lồng nhiều hình dáng, màu sắc sặc sỡ để tất cả mọi người thưởng thức, nhưng chủ yếu vẫn là đèn lồng đỏ.

Hết Tết lại đến Tết Nguyên tiêu! Người Việt thường làm gì vào Rằm tháng Giêng để thành kính tổ tiên, cầu bình an, may mắn? - Ảnh 1.

Theo lời các bô lão xưa, Rằm tháng Giêng vốn là ngày Tết Trạng Nguyên. Trăng tròn đầu năm, nhà vua cho mở tiệc tại vườn thượng uyển, cho vời các Trạng Nguyên đến dự hội, ngắm cảnh xem hoa, làm thơ xướng họa.

Trong một thuyết khác thì cho rằng, Ngọc Hoàng có một con thiên nga rất đẹp mà người yêu quý. Trong một lần hạ phàm chơi bị thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con vật yêu quý của mình, Ngọc Hoàng sai lính đúng ngày 15 tháng Giêng xuống hỏa thiêu con người và động vật dưới hạ giới để trừng phạt.

Một số vị thần vì muốn can ngăn Ngọc Hoàng mà liều mình xuống hạ giới hiến kế cho người dân. Vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, nhà nào cũng treo đèn lồng đỏ và bắn pháo hoa để Ngọc Hoàng trông xuống tưởng rằng dưới hạ giới bị thiêu rụi rồi. Nhờ đó mọi vạn vật bình an.

Đến năm 104 TCN thì ngày Tết Nguyên tiêu này trở thành ngày lễ quan trọng của Trung Quốc và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Người dân trong ngày ấy sẽ treo đèn lồng đỏ, nấu những món ăn đặc trưng để cầu năm mới bình an. Với người dân Trung Quốc, Tết Nguyên tiêu là ngày mọi thành viên sum họp bên gia đình và họ thường gọi cái tên phổ biến là Lễ Hội Lồng Đèn Đỏ.

Người Việt mình cũng đón Tết Nguyên tiêu, nhưng mang đậm không khí dân gian của ngày Rằm tháng Giêng hơn. Tết Nguyên tiêu trong văn hóa và đời sống người Việt mang bản sắc riêng với nhiều hoạt động nhằm đón chào một năm mới an lành.

Hết Tết lại đến Tết Nguyên tiêu! Người Việt thường làm gì vào Rằm tháng Giêng để thành kính tổ tiên, cầu bình an, may mắn? - Ảnh 2.

Tết Nguyên tiêu người Trung đón long trọng, trong tâm thức người Việt đây là ngày Rằm đầu tiên lớn nhất trong năm.

Tết Nguyên tiêu người Việt thường làm gì?

Rằm tháng Giêng với người Việt là ngày lễ quan trọng, chính thức khép lại dư âm của những ngày Tết Nguyên đán. Trong ngày Rằm tháng Giêng, người Việt ta thường bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên và cúng Phật bằng cách dâng lễ.

Dâng lễ cúng gia tiên

Trong văn hóa của người Việt, Tết Nguyên tiêu đơn giản là một ngày Rằm lớn, đặc biệt hơn vì là Rằm đầu tiên trong năm. Tùy theo tín ngưỡng của các gia đình sẽ có các hoạt động khác nhau. Nhưng nhìn chung, các gia đình sẽ có mâm cúng gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, những người đã khuất trong dòng họ đã luôn che chở cho con cháu an lành và làm ăn thuận lợi trong năm mới.

Đi chùa cầu an, lễ Phật

Dân gian ta có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hoặc “Giỗ Tết cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng” để nói lên sự quan trọng của ngày Rằm đầu tiên trong năm mới.

Tiết xuân mới còn đượm nên người người nhà nhà thường kéo nhau đi chùa, không kể những ngày đầu năm. Người dân lên chùa để cầu bình an, nguyện may mắn.

Hết Tết lại đến Tết Nguyên tiêu! Người Việt thường làm gì vào Rằm tháng Giêng để thành kính tổ tiên, cầu bình an, may mắn? - Ảnh 3.

Rằm tháng Giêng năm mới, mọi người thường đi chùa cầu bình an.

Những người theo đạo Phật hay đạo Lão tin rằng ngày Rằm tháng Giêng, Đức Phật sẽ ngự tại các chùa để chứng nhận tấm lòng của Phật tử. Nhiều năm qua, không ít người còn đến chùa để dâng cúng sao giải hạn, độ bình an nơi cõi lòng.

Treo lồng đèn và thả hoa đăng

Không chỉ người Trung Quốc mới có các hoạt động truyền thống liên quan đến thả hoa đăng. Mặc dù Rằm tháng Giêng ở Trung Quốc gọi là Lễ Hội Đèn Lồng Đỏ, có hoạt động giải câu đố trên lồng đen, ngâm thơ, đối liễn thì ở nước ta, ngày Rằm tháng Giêng ở nhiều nơi cũng thả đèn hoa đăng để cầu bình an và may mắn.

Hết Tết lại đến Tết Nguyên tiêu! Người Việt thường làm gì vào Rằm tháng Giêng để thành kính tổ tiên, cầu bình an, may mắn? - Ảnh 4.

Nhiều nơi vẫn treo đèn lồng đỏ vào ngày Rằm tháng Giêng, không cứ dịp Tết Nguyên đán

Trong khi đó, ở Đài Loan, người dân thả "đèn Khổng Minh" - chiếc đèn lồng được ghi nguyện ước và thả lên trời cao. Đối với người dân Trung Quốc, Tết Nguyên tiêu là ngày lễ lớn, các thành viên sum họp hoặc các đôi trai gái hẹn hò nhau dưới ánh rực rỡ của đèn lồng.

Hết Tết lại đến Tết Nguyên tiêu! Người Việt thường làm gì vào Rằm tháng Giêng để thành kính tổ tiên, cầu bình an, may mắn? - Ảnh 5.

Đèn Khổng Minh còn được gọi là đèn chúc phúc hoặc đèn bình an.

Trong ngày Rằm tháng Giêng, người dân Trung Quốc ăn những món ăn may mắn như bánh trôi nước hay còn gọi là chè thang viên, há cảo, bánh táo đỏ, bánh yến mạch, màn thầu, mì trường thọ để cầu may.

Còn ở nước ta, ngày Rằm tháng Giêng dâng lên Gia tiên mâm cúng lễ mặn có các món truyền thống như gà luộc ngậm hoa hồng, bánh chưng, nem rán,... Ngoài ra, mâm lễ chay dâng Phật chủ yếu là hoa thơm quả ngọt, bánh bao chay hình Thần Tài, hình quả đào, hình hoa sen,... Trong mâm lễ cúng chay của người Việt cũng thường có bát bánh trôi, bánh chay hoặc bánh trôi ngũ sắc tượng trưng cho sự trôi chảy, thuận lợi đầu năm.

Hết Tết lại đến Tết Nguyên tiêu! Người Việt thường làm gì vào Rằm tháng Giêng để thành kính tổ tiên, cầu bình an, may mắn? - Ảnh 6.

Chè thang viên Trung Quốc khác với chè trôi nước của ta một chút về nhân. Chè trôi nước Trung Quốc ở ta được nhiều người biết đến với tên gọi Sủi Dìn.

Ở những nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống nhiều như khu vực Chợ Lớn - TP.HCM, Hội An - Quảng Nam, lễ hội đêm Rằm tháng Giêng có rất nhiều hoạt động cổ truyền. Chẳng thế mà cứ đến dịp Tết Nguyên tiêu này, cộng đồng người Việt gốc Hoa thường tổ chức lễ hội đèn lồng ở khu Chợ Lớn, quận 5 tựa như câu"Giao thừa ra quận Nhất, Nguyên tiêu về quận Năm". Ngày Tết Nguyên tiêu đối với người Hoa rất quan trọng, và đã được Bộ VHTT-DL ban hành Quyết định đưa Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Quận 5 vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại