Theo hồ sơ, từ ngày 9 đến 11-2, có ba thương lái mang heo sống đưa vào các cơ sở ở TP.HCM để giết mổ.
Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM phát hiện toàn bộ heo của ba thương lái nói trên chứa tồn dư thuốc an thần.
Giữ lại hồ sơ nhưng không tham mưu xử phạt
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Lâm đưa 32 con heo sống có nguồn gốc từ Tiền Giang vào Trung tâm Giết mổ gia súc Bình Tân; bà Huỳnh Ngọc Lan đưa 42 con heo sống có nguồn gốc từ Tiền Giang vào cơ sở giết mổ Sơn Vàng (huyện Nhà Bè).
Tương tự, ông Vũ Nguyễn Trung Tín đưa 35 con heo sống có nguồn gốc từ Đồng Nai và 79 con heo sống có nguồn gốc từ Bà Rịa-Vũng Tàu vào cơ sở giết mổ Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi).
Do toàn bộ heo sống nói trên chứa tồn dư thuốc an thần nên ba thương lái nói trên tự nguyện tiêu hủy.
Tiếp theo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính mỗi thương lái 30-35 triệu đồng theo khoản 10 Điều 20 Nghị định 90/2017.
Ba bộ hồ sơ xử phạt nói trên được Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM chuyển sang Sở NN&PTNT TP.HCM xem xét để tham mưu UBND TP.HCM ra quyết định phạt tiền giống những trường hợp tương tự trước đây.
Tuy nhiên, Sở NN&PTNT TP.HCM giữ lại toàn bộ hồ sơ xử phạt và gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM văn bản chỉ đạo có nội dung: “… khi phát hiện trong nước tiểu hoặc máu của động vật đưa vào giết mổ có Acepromazine (thuốc an thần - PV) thì xử phạt do sử dụng sai mục đích theo Văn bản số 2588/TY-TYCĐ ngày 22-11-2017 của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT)”.
Heo dính thuốc an thần được mang đi tiêu hủy. Ảnh: TRẦN NGỌC
Sở không theo hướng dẫn của Cục Thú y
Sau khi rà soát, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM ghi nhận Nghị định 90/2017 không có quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng sai mục đích.
Bên cạnh đó, do Văn bản 2588 của Cục Thú y hướng dẫn chưa được rõ ràng nên ngày 23-2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM tiếp tục có công văn gửi Cục Thú y đề nghị hướng dẫn xử phạt vi phạm đối với trường hợp khi kiểm tra phát hiện trong nước tiểu gia súc đưa về cơ sở giết mổ chứa tồn dư thuốc an thần.
Ba ngày sau (26-2), Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM nhận được công văn (số 338/TY-TYCĐ) của Cục Thú y với nội dung: “Các trường hợp khi phát hiện trong nước tiểu hoặc máu của động vật có thuốc an thần, đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM thiết lập hồ sơ xử lý theo khoản 10 Điều 20 Nghị định 90/2017 và trình Sở NN&PTNT TP.HCM tham mưu UBND TP ban hành quyết định xử phạt”.
Công văn 338 của Cục Thú y quá rõ ràng và khẳng định trong trường hợp kết quả xét nghiệm nếu còn tồn dư thuốc an thần là đủ cơ sở xử phạt.
Do vậy, ngay khi nhận được công văn này, ngày 26-2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã báo cáo và kiến nghị Sở NN&PTNT TP sớm xem xét, trình UBND TP.HCM ban hành quyết định xử phạt ông Lâm, bà Lan và ông Tín.
Tuy nhiên, đến nay cả ba thương lái nói trên vẫn chưa bị Sở NN&PTNT TP.HCM tham mưu cho UBND TP xử phạt.
Sở trả lời không hợp lý
Ngày 9-4, báo Pháp Luật TP.HCM gửi văn bản đến Sở NN&PTNT TP.HCM đặt câu hỏi: “Vì sao Sở không tham mưu cho UBND TP.HCM ra quyết định phạt tiền ông Lâm, bà Lan và ông Tín?”.
Ngày 12-4, Sở NN&PTNT TP.HCM có công văn trả lời như sau: “Theo nội dung hướng dẫn của Cục Thú y tại Văn bản 2588 và Văn bản 338 thì việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc an thần không như xử phạt chất cấm mà là xử phạt do sử dụng sai mục đích.
Căn cứ nội dung hướng dẫn của Cục Thú y, Sở NN&PTNT TP.HCM có văn bản chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần”.
Tuy nhiên, văn bản trả lời của Sở NN&PTNT TP.HCM có hai vấn đề cần xem lại.
Một là Công văn 338 của Cục Thú y nói rõ: “Các trường hợp khi phát hiện trong nước tiểu hoặc máu của động vật có thuốc an thần, đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM thiết lập hồ sơ xử lý theo khoản 10 Điều 20 Nghị định 90/2017”.
Thế nhưng trong văn bản trả lời báo, Sở NN&PTNT TP.HCM không đề cập nội dung này.
Hai là Sở NN&PTNT TP.HCM nói đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần.
Tuy nhiên, do không thể xử phạt với lý do sử dụng sai mục đích nên Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đề nghị Cục Thú y hướng dẫn.
Sau khi nhận được Văn bản 338 của Cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM có báo cáo, kiến nghị nhưng Sở NN&PTNT TP vẫn không tham mưu cho UBND TP.HCM ra quyết định phạt ông Lâm, bà Lan và ông Tín.
Từng xử phạt những vụ tương tự
Ngày 10-10-2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM phát hiện ông Nguyễn Văn Phụng đưa 70 con heo sống nhiễm thuốc an thần có nguồn gốc từ Bà Rịa-Vũng Tàu vào cơ sở Hòa Phú (huyện Củ Chi) giết mổ.
Căn cứ kết quả xét nghiệm tồn dư thuốc an thần trong nước tiểu heo, Sở NN&PTNT TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM ra quyết định phạt ông Phụng 32,5 triệu đồng theo khoản 10 Điều 20 Nghị định 90/2017.
Tương tự, Bộ NN&PTNT cũng căn cứ kết quả xét nghiệm tồn dư thuốc an thần có trong nước tiểu của 3.750 con heo ở cơ sở giết mổ Xuyên Á (TP.HCM) để phạt hơn 10 tiểu thương với số tiền mỗi người 30-35 triệu đồng. Quyết định này cũng căn cứ vào khoản 10 Điều 20 Nghị định 90/2017.