Mỗi một hành trình, dù dài đến mấy cũng có điểm xuất phát. Với những siêu sao bóng đá thế giới, luôn có một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành, bùng nổ, cất tiếng dõng dạc khiến cả thế giới phải dõi theo.
Trong loạt bài "Hẹn với định mệnh" này, xin được gửi đến độc giả những dấu ấn đậm đà nhất, những thời khắc quyết định tạo nên những tên tuổi lẫy lừng của bóng đá thế giới. Hãy cùng soi mình vào lại quá khứ, để cùng vinh danh những con người từng khiến cả thế giới phải quay cuồng với những guồng chân nghệ sỹ trên sân cỏ.
Là Fernando Torres với tuổi 18 phi thường, là Eric Cantona với bước ngoặt ở tuổi 27 cùng Man United, là Cristiano Ronaldo với vòng tay giang rộng của Rooney, là Zidane với vinh quang lẫn đớn đau cùng Juventus, là câu nói thức tỉnh Frank Lampard trong phòng tắm...
"Hẹn với định mệnh" có hẹn với độc giả vào 20g00 Chủ Nhật hàng tuần. Rất mong nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến đóng góp từ độc giả.
Trận đấu khai màn mùa bóng 1996/97 trước Wimbledon, khi tỷ số đã là 2-0 nghiêng về Man United, từ đúng vạch giữa sân, bóng từ chân cầu thủ trẻ mới 21 tuổi David Beckham vẽ một đường cầu vồng tuyệt đẹp bay thẳng vào lưới trong sự tuyệt vọng của thủ thành kỳ cựu Neil Sullivan.
Có quá nhiều bài báo, quá nhiều những lời ca ngợi về bàn thắng ấy đã được viết ra suốt gần 21 năm qua, nhưng có hai hình ảnh sẽ còn đọng lại mãi. Thứ nhất, bàn thắng ấy, cú vung chân ấy được thực hiện bởi một đôi giày mà David Beckham... đi mượn.
Đôi giày mà Becks đi ngày ấy vốn không phải là đôi giày của anh, càng không phải là đôi giày được thiết kế dành riêng cho anh như những đôi cùng anh ra sân trong phần lớn sự nghiệp của mình.
Đấy là một đôi Adidas Predator mẫu mới. Tiền vệ khi ấy vẫn khoác áo số 10 của Man United thích nó mê mệt và quyết định hỏi mượn Adidas một đôi để đá. Rủi thay, cỡ giày vừa chân của David Beckham lại hết, nên hãng thể thao này quyết định cho anh mượn đôi giày được thiết kế riêng cho Charlie Miller - tiền vệ của CLB Glasgow Rangers.
Chẳng nề hà tiểu tiết, David Beckham ra sân với đôi giày có thêu dòng chữ "Charlie" trên lưỡi bò, để rồi chưa từng phải tiếc nuối vì điều đấy, bởi với chính đôi giày ấy, như tiền vệ người Anh này từng tâm sự: "Khi chân tôi sút quả bóng ấy, nó mở toang cánh cửa cho phần còn lại huy hoàng của cuộc đời tôi".
"Ngay lúc đấy, tôi chưa thể nhận thức ra được, nhưng bàn thắng ấy bắt đầu cho tất cả: sự chú ý, truyền thông, và sự nổi tiếng", Beckham viết trong quyển tự truyện "My Side" của mình.
Thứ hai, chính là khoảng khắc ngay sau đấy, sau khi quả bóng bay 52m xuyên qua bầu trời thu tháng Tám đầy nắng tung lưới thủ thành Sullivan, hình ảnh Beckham được vây quanh bởi các đồng đội, nở một nụ cười rộng đến toét miệng, đầy tự mãn. Vẻ mặt ấy, nụ cười ấy lấp lánh một niềm tin có thể làm được bất cứ điều gì. Đó chính là hình ảnh biểu tượng mang tên David Beckham.
Là sai lầm khi nghĩ rằng David Beckham được sinh ra dưới ngôi sao mang thiên mệnh của một siêu sao, một huyền thoại bóng đá. "Tôi không bao giờ muốn trở thành một ngôi sao", Beckham từng nhấn mạnh khi nhớ lại. "Tôi muốn trở thành một cầu thủ bóng đá, chơi bóng cho Man United và được khoác trên người màu áo đội tuyển Anh. Bóng đá đem lại cho tôi nhiều đặc quyền, và tôi tự hào vì điều đó".
Sir Alex Ferguson đã định liệu không nhầm về sự vồ vập của truyền thống với ngôi sao trẻ của mình, và lập tức cấm David Beckham lên sóng trong chương trình "Match of the Day" ngay sau trận đấu.
Bàn thắng tuyệt đẹp ấy, tuy chỉ xếp sau cú "ngả bàn đèn" xuất thần của Trevor Sinclair ở hạng mục "Bàn thắng đẹp nhất mùa bóng của Premier League", nhưng cũng đủ đưa Beckham xuất hiện tràn ngập trên các poster và trang bìa tạp chí. Nhưng dù sao, đấy cũng chỉ là một phần bé xíu của cuộc hành trình bóng đá vĩ đại của anh.
Có một điều tất cả mọi người ở Manchester United đều phải công nhận ở chàng trai trẻ David Beckham ngày ấy, đó là trách nhiệm và sự tập trung vào công việc của mình - bóng đá. Cũng giống như Cristiano Ronaldo, anh biến mình thì một ngôi sao trẻ hứa hẹn thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới bằng sức mạnh của ý chí.
"David Beckham là cầu thủ xuất sắc nhất nước Anh không phải bởi tài năng mà Chúa ban tặng cho cậu ấy, mà bằng sự tập luyện và tự hoàn thiện mình không ngừng nghỉ mà đa số các cầu thủ khác không thể nghĩ tới", Sir Alex đã viết những dòng này trong cuốn tự truyện "Managing my Life" của mình.
Thực ra, sự nghiệp cũa Beckham bắt đầu khởi sắc từ cuối mùa giải 1995/96, khi tiền vệ trẻ này có được vị trí chính thức trong đội hình chính của Man United. Đó cũng là sự may mắn khi Andrei Kanchelskis được bán cho Everton, Keith Gillespie tới Newcastle để mang về Andy Cole đã mở ra cho Beckham vị trí bên cánh phải của Quỷ đỏ.
Cho đến thời điểm ấy, David Beckham vẫn phải ra sân ở vị trí tiền vệ trung tâm. Đây cũng là vị trí mà tiền vệ người Anh này chơi trong những năm tháng cuối sự nghiệp của mình. Chơi trọn vẹn 6 trận cuối cùng của mùa giải, Beckham cùng Man United đoạt cú đúp với chức vô địch Premier League và FA Cup.
Tuy nhiên, con đường phía trước chưa bao giờ bằng phẳng với chàng trai mới 21 tuổi. Trong lúc Beckham còn bận gặm nhấm nỗi buồn không được cùng cùng đội tuyển Anh tham gia EURO 1996, thì HLV Alex Ferguson đã kịp đem về Old Trafford vài cái tên đầy tiềm năng tranh chấp vị trí với anh, là Jordi Cruyff - con trai của huyền thoại Johan Cruyff, Ole Gunnar Solskjaer, và đặc biệt là cầu thủ chạy cánh Karel Poborsky.
Tuy nhiên, Sir Alex quyết định bắt đầu mùa giải mới với nguyên đội hình đã đánh bại Liverpool trong trận chung kết FA Cup mùa giải trước, ở trận tranh Community Shield với Newcastle và ngay lập tức, David Beckham ghi dấu ấn cho mùa giải mới với 2 đường kiến tạo, một cho Cantona và một cú lật cánh đúng chất Beckham cho Nicky Butt băng vào đánh đầu nâng tỷ số lên 2-0.
Nhưng đấy chưa phải là tất cả, bàn thắng ấn định tỷ số 3-0 được ghi tên David Beckham với một cú lốp bóng qua đầu thủ môn từ cự ly hơn 30m sau pha phá bẫy việt vị thông minh. Đấy là bước khởi đầu quá hoàn hảo cho bàn thắng để đời chỉ một tuần sau đó.
Man Utd v Newcastle 1996 FA Charity Shield
Như vậy, bàn thắng xuất chúng ấy không phải đến ngẫu nhiên, và Beckham không phải đột nhiên bừng sáng trong tình huống ấy, tình huống mà thủ thành Neil Sullivan phải cay đắng thốt lên sau trận đấu: "Tôi bất lực trước bàn thắng ấy".
Dù rằng đấy là bàn thắng đem lại sự tự tin cao độ, khiến một trong những số 7 huyền thoại của Quỷ đỏ thành Manchester kiến tạo nên một trong những mùa giải xuất sắc nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, nhưng hãy nhớ rằng mùa giải ấy, anh được Sir Alex trao cho chiếc áo số 10 của Mark Hughes. Trước đó Beckham chỉ được mặc chiếc áo số 24.
Chiếc áo số 10 cùng bàn thắng để đời ngay đầu mùa giải đặt nền móng cho một mùa giải xuất thần. Đó là bàn thắng từ cú sút xa quyết đoán tung lưới Derby County, cú bấm bóng qua đầu thủ môn trong trận gặp West Ham, cũng như bàn thắng cực kỳ quan trọng giúp Man United thằng 1-0 trên Old Trafford trước Liverpool, thậm chí là pha sút phạt thành bàn trong trận thua 3-6 trước Southampton.
Đấy không chỉ là điểm khởi đầu cho hội chứng cuồng Beckham của các cổ động viên Man United, mùa giải 1996/97 còn đánh dấu lần đầu tiên được gọi lên đội tuyển quốc gia của một trong những cầu thủ mang tính biểu tượng nhất của bóng đá Anh.
Sự nghiệp thi đấu quốc tế của Beckham đến khá muộn và trắc trở, sau 4 lần khoác áo U18 Anh ở mùa giải 1992/93 và chỉ vỏn vẹn 9 lần khoác áo U21 Anh. Điều gì phải tới rồi cũng tới khi sự tỏa sáng của anh ở mùa giải này khiến tân HLV trưởng ĐTQG Anh Glenn Hoddle phải mê mẩn.
"Rất nhiều cầu thủ chỉ nhìn thấy được quả bóng trước mặt mình", HLV kỳ cựu Glenn Hoddle nhớ lại. "Nếu phóng tầm nhìn được xa nhất, với tư duy sắc sảo nhất, cầu thủ đó sẽ có được sự sáng tạo hơn rất nhiều. Beckham sở hữu trong mình khả năng đó. Cậu ấy tung những đường chuyền với tư duy và sự đoán định tình huống vượt tuổi. Và ánh mắt của cậu ấy luôn xuyên thẳng vào cầu môn đối phương, đấy là tố chất hơn người".
Beckham nhận được tin mình được gọi lên ĐTQG ở nhà của bố mẹ tại Chingford (London). Màn trình diễn trước Moldova trong vai trò tiền vệ trung tâm không quá nổi bật, nhưng cũng đủ để có suất đá chính trong những trận tiếp theo. Cũng như ở Man United, con đường trên đội tuyển của Beckham không bằng phẳng, thậm chí khá gập ghềnh, nhưng đáng nhớ.
Beckham kết thúc mùa giải khởi đầu cho sự nghiệp lừng lẫy của mình với 12 bàn thắng trên các mặt trận. Bàn thắng cuối cùng anh ghi được ở mùa giải ấy là cú volley bóng sống cận thành, rung xà ngang đi thẳng vào lưới. Đấy cũng là trận đấu đầu tiên Victoria Adams dự khán một trận đấu của người sau này là chồng cô.
Tuy nhiên, Victoria không được chứng kiến bàn thắng ấy rõ ràng, bởi hôm đấy cô gái được phóng viên thể thao Brian Glanville mai mối cho David Beckham lại... quên đeo kính áp tròng.
Man United kết thúc mùa bóng ấy với thêm một chức vô địch Premier League nữa, và David Beckham lần đầu tiên nhận giải thưởng Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của PFA. Mùa giải Premier League năm ấy khởi đi bằng bàn thắng siêu phẩm, và mùa giải ấy bắt đầu cho sự nghiệp lẫy lừng của David Beckham - một trong những cầu thủ mang tính biểu tượng của bóng đá thế giới.
Cũng sau mùa bóng ấy, Man United đề nghị David Beckham ký bản hợp đồng mới, với mức lương và các điều kiện đủ để chứng minh rằng anh có tên trong top những ngôi sao hàng đầu thế giới.
Mùa giải ấy bắt đầu cho cuộc hành trình bóng đá mang tên David Beckham từ Manchester, rồi Madrid, Los Angeles, Milan và Paris, với nhiều niềm vui, nỗi buồn, những thành tựu và những góc khuất.
David Beckham bắt đầu mùa giải 1996/97 ấy chỉ từ một tài năng trẻ đầy hứa hẹn - một Adnan Januzaj của những năm 90 thế kỷ trước và kết thúc nó ở vị thế một tên tuổi được biết đến của bóng đá thế giới. Song vô tình, mùa giải huyền thoại ấy cũng lấy đi của bóng đá thế giới một tên tuổi đã khá thành danh khác - Jordi Cruyff. Cùng một đội bóng, sự tỏa sáng của Beckham khiến Jordi hoàn toàn rơi vào quên lãng.