Ukraine tập trận, phóng tên lửa phòng không S-300
Vào lúc 17h00 GMT ngày 2/12, Ukraine đã kết thúc cuộc tập trận có bắn đạn thật ở khu vực miền Nam nước này. Trong 2 ngày 1 và 2 tháng 12, Quân đội Ukraine đã phóng hàng chục quả tên lửa và rocket, trong đó có các đạn tên lửa của hệ thống phòng không S-300 PS.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 2/12 cũng cho biết, các vụ phóng tên lửa đã được thực hiện thành công, toàn bộ các vụ phóng đều được thực hiện trong “không phận của Ukraine”, cách không phận của bán đảo Crimea (trên Biển Đen) khoảng 30km.
Ông Poroshenko cho biết thêm rằng, ngoài khoa mục phóng tên lửa phòng không S-300, những hệ thống phòng không khác và các loại máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, cũng như bộ đội kỹ thuật vô tuyến điện đã tham gia vào các cuộc diễn tập ở khu vực Biển Đen.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc các vụ phóng tên lửa này gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng và vi phạm chủ quyền của Nga, Hạm đội Biển Đen sẽ sẵn sàng bắn hạ tên lửa Ukraine nếu chúng xâm phạm không phận Crimea và an toàn của cư dân trên bán đảo.
Theo nguồn tin từ Bộ quốc phòng Ukraine, lực lượng phòng không nước này đã phóng các tên lửa thuộc tổ hợp S-300PS để tiêu diệt các mục tiêu giả định trong một cuộc tập kích đường không. S-300 hiện là hệ thống tên lửa tiên tiến nhất mà quân đội nước này hiện đang sử dụng.
Người đứng đầu trung tâm báo chí thuộc Bộ Chỉ huy Không quân miền Nam của Ukraine là ông Vladimir Kryzhanovsky tuyên bố, mục đích của cuộc tập trận là tích lũy kinh nghiệm vận hành các hệ thống, nâng cao kỹ năng của các đơn vị phòng không và kiểm tra chất lượng tên lửa sau nâng cấp.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Ukraine đang từng bước tái khôi phục các hệ thống vũ khí để nâng cao sức mạnh quân sự chống lại Nga. Các vụ phóng tên lửa lần này là nhằm “dằn mặt Nga”, gửi đến Moscow thông điệp cứng rắn về vấn đề chủ quyền bán đảo Crimea.
Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã vào năm 1991, Ukraine nắm giữ trong tay một lượng lớn các tổ hợp tên lửa phòng không thuộc loại tiên tiến nhất lúc bấy giờ là S-300PS, S-300PMU và cả S-300V, nhưng sau đó, phần lớn chúng phải vào kho dự trữ hoặc bị bỏ xó bởi thiếu tiền.
Mãi tới gần đây Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Ukraine (Ukroboronprom) mới tiến hành đại tu, kéo dài thời hạn sử dụng cho một số tổ hợp S-300PS để đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân đội. Số tổ hợp này đã hoàn tất việc nâng cấp vào tháng 9 vừa qua.
Các tổ hợp tên lửa phiên bản S-300PS sau khi được đại tu, nâng cấp để kéo dài thời hạn sử dụng thêm 7 năm nữa đã được Ukroboronprom chuyển giao cho Không quân Ukraine để tiến hành phóng thử nghiệm trong cuộc tập trận này.
Tính năng của S-300PS Ukraine
S-300PS (NATO định danh là SA-10 Grumble) thuộc phiên bản đời đầu của S-300, được chính thức giới thiệu vào năm 1985. Tổ hợp sử dụng xe mang phóng tự hành 5P85T (dựa trên khung gầm xe tải MAZ 7910 8x8) và radar điều khiển hỏa lực 5N63.
Sức mạnh của S-300PS nằm ở tên lửa đánh chặn 5V55R có tầm bắn 90km, vận tốc tối đa 1.700 m/s, độ cao hoạt động 0,025 - 25 km, tầm bắn hiệu quả đối với máy bay là 75 km và tên lửa đạn đạo tầm ngắn là 25 km. Tên lửa mang theo đầu đạn nặng 133 kg, phóng theo lệnh trực tiếp từ đài chỉ huy.
Hệ thống có thể theo dõi 12 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu có vận tốc 1.150 m/s cùng lúc, thời gian giãn cách giữa hai loạt phóng chỉ từ 3 - 5 giây và chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu sang trạng thái cơ động, di dời khỏi trận địa là dưới 5 phút.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nhận định, các hệ thống S-300PS của Ukraine so với Nga thì đã quá lỗi thời do đạn tên lửa tầm phóng hạn chế, hệ dẫn đường, chỉ huy, điều khiển kém hiện đại so với các phiên bản S-300 thế hệ sau, không nói là thua kém quá xa so với S-400.
Tuy nhiên, dù cho thua kém S-300PMU1 khá nhiều nhưng theo nhận định của các chuyên gia quân sự, S-300PS vẫn là một hệ thống tên lửa phòng không di động mạnh, tiềm tàng khả năng nâng cấp sử dụng đạn tên lửa có tầm phóng xa hơn, còn phát huy được vai trò trong chiến tranh hiện đại.
Khi đặt cạnh các hệ thống phòng không tầm trung nhưng Buk-M2 hay Pechora-2TM, S-300PS vẫn có sức mạnh vượt trội, đạt hiệu quả lớn hơn trong tác chiến phòng không. Do đó, chúng là sự lựa chọn không tồi đối với các quốc gia có ngân sách quốc phòng eo hẹp.
Hiện nay, Nga đang niêm cất trong kho một số lượng khá lớn các tổ hợp loại này nhưng Moscow không cấp phép bán các hệ thống phòng không này, để bảo vệ các phiên bản xuất khẩu đang đắt khách như S-300PMU1/2, S-300V Antey-2500 hay S-400 Triumf.
Ngoài lý do trên, Nga sẽ sử dụng chúng để cung cấp cho các nước đồng minh xung quanh thuộc Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) hay Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) như Kazakhstan, Armenia hay Belarus, nhằm nâng cao khả năng phòng thủ của lá chắn phòng không chung.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine đang trong tình trạng thiếu ngân sách trầm trọng mà số lượng niêm cất S-300PS vẫn còn rất nhiều, nếu có khách hàng hỏi mua, rất có thể chính quyền Kiev sẽ sẵn sàng bật đèn xanh cho việc nâng cấp và bán lại S-300PS.