Trong tương lai, hệ thống vũ khí chiến thuật chính xác tầm xa này sẽ thay thế hoàn toàn kho vũ khí tên lửa chiến thuật hiện tại của quân đội Mỹ.
Thay đổi để phù hợp chiến thuật mới
Theo kế hoạch, quân đội Mỹ sẽ lên kế hoạch xây dựng lực lượng tên lửa chiến thuật mặt đất kiểu mới, có tầm bắn xa, phù hợp với chiến thuật "phẫu thuật" và xu hướng tác chiến "phát hiện - định vị - bắt bám - ngắm bắn - tiến công - đánh giá"; đồng thời nhằm lấp khoảng trống về vũ khí có tầm bắn xa nhưng có mức độ chính xác cao.
Đô đốc Rich Hornstein, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển vũ khí của quân đội Mỹ (AMRDEC) cho biết, chương trình phát triển vũ khí chiến thuật mặt đất này còn được gọi là ERCA.
Đây là loại tên lửa chiến thuật mới, có tầm bắn gấp đôi các hệ thống tên lửa chiến thuật hiện đang có trong biên chế của quân đội Mỹ như các bệ phóng pháo phản lực phóng loạt M270A1, HIMARS.
Hệ thống tên lửa chiến thuật mặt đất mới của Mỹ đều bắn đạn có điều khiển, nó có thể được phóng đi từ những bệ phóng tự hành hoặc xe kéo để phù hợp với điều kiện chiến trường. Hệ thống này có thể vận chuyển dễ dàng bằng các phương tiện vận tải hàng không quân sự hạng nặng, đang có trong biên chế của quân đội Mỹ, phù hợp với chiến lược triển khai nhanh toàn cầu.
Trung tâm này cũng đang phát triển các loại đạn chính xác tầm xa mới và có thể thử nghiệm cùng với hệ thống phóng vào năm 2018.
Hiện tại quân đội Mỹ đã tăng cường các nỗ lực phát triển các hệ thống tên lửa chiến thuật để tăng cường khả năng tấn công tầm xa, với tính bí mật và độ chính xác cao, để khắc phục những điểm yếu của tên lửa hành trình Tomahawk trong những đòn tấn công phủ đầu những mục tiêu kiên cố, có giá trị quân sự cao, nằm sâu trong tung thâm phòng ngự của đối phương, ví dụ như các mục tiêu ở Triều Tiên chẳng hạn.
Trong thời gian qua, những kẻ thù của quân đội Mỹ, kể cả những đạo quân bán chuyên nghiệp như Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, đã liên tục thay đổi chiến thuật để đối phó với những đòn tiến công của quân đội Mỹ, như thường xuyên cơ động và thiết kế những căn cứ ngầm, sâu dưới lòng đất.
Do vậy những vũ khí truyền thống như tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái sẽ đánh mất yếu tố bất ngờ, không chọn được thời cơ tiêu diệt đối phương. Đồng thời những đối thủ của Mỹ đã rút được kinh nghiệm trong việc phòng chống, đánh trả những vũ khí tiến công hiện đang có trong biên chế quân đội Mỹ, dẫn đến những vũ khí này dần trở nên kém hiệu quả.
Yếu tố chính xác là yêu cầu hàng đầu của quân đội Mỹ trong những loại vũ khí đang phát triển cũng như trong danh sách ưu tiên mua sắm mới. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Mark Milley tuyên bố:
"Chúng ta đang tập trung đầu tư để có một loại vũ khí hoàn toàn mới, có thể tấn công kẻ thù từ xa, trong phạm vi rộng, vượt xa những vũ khí hiện tại chúng ta đang có. Trong năm năm tới, quân đội sẽ được trang bị những hệ thống tên lửa chiến thuật mặt đất đúng như kỳ vọng của chúng ta".
Vũ khí mới sẽ có độ chính xác cao, tầm bắn xa hơn; điều này sẽ đem lại lợi thế, cho phép những chỉ huy chiến trường có nhiều phương án tiến công hơn những hệ thống vũ khí cũ; điều đó cũng đem lại nhiều khả năng chiến thắng trước những kẻ thù luôn thay đổi, Mark Milley nhấn mạnh.
Tuy nhiên, những hạn chế của hệ thống vũ khí này không phải là không có, Thiếu tướng Cedric Wins, chỉ huy trưởng Bộ phận Nghiên cứu, Phát triển kỹ thuật của Quân đội cho biết:
"Những hệ thống vũ khí này sẽ phải đối phó với những nguy hiểm tiềm ẩn khi đối mặt với hệ thống phòng không của đối phương, do đó yêu cầu của tên lửa phải có tốc độ và khả năng tàng hình cao".
Trong tương lai, hệ thống vũ khí chiến thuật chính xác tầm xa này sẽ thay thế hoàn toàn kho vũ khí tên lửa chiến thuật hiện tại của quân đội Mỹ.
Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân DeepStrike của hãng Raytheon.
Để tránh rủi ro trong chương trình phát triển vũ khí quan trọng này, quân đội Mỹ đã ký hợp đồng với hai công ty quốc phòng hàng đầu của Mỹ là Lockheed Martin và Raytheon trong thời gian 36 tháng nhằm phát triển một hệ thống phóng mang tối đa 2 đạn, với tầm bắn đạt từ 400 đến 499 km.
Hiện nay Lockheed đã hoàn thành giai đoạn một của chương trình ERCA vào tháng 5 vừa qua và đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Giai đoạn phát triển và sản xuất thử sẽ kết thúc vào năm 2021, vũ khí mới dự kiến bắt đầu đưa vào trang bị cho quân đội Mỹ từ năm 2025 đến năm 2027.
Bà Misty Holmes, giám đốc phát triển kinh doanh của Lockheed cho biết, hệ thống ERCA do Lockheed phát triển sẽ dựa trên sự thành công của hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân cũ ATACMS. Tuy nhiên hệ thống ERCA sẽ có tầm bắn xa hơn, có hệ thống điện tử dẫn đường tiên tiến cũng như được thiết kế theo dạng mở, có thể dễ dàng nâng cấp.
Còn tập đoàn Raytheon cũng đang phát triển một loại tên lửa chiến thuật lục quân mới là DeepStrike. Loại tên lửa mới này hy vọng được dùng để thay thế cho các tổ hợp tên lửa chiến thuật-chiến dịch M270 MLRS và M142 HIMARS. Tầm bắn của tên lửa DeepStrike ở khoảng 500 km so với 300 km của các loại tên lửa cũ trang bị cho các tổ hợp M270 MLRS và M142 HIMARS.
Một giải pháp tình thế
Hiện tại nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin đang sản xuất những hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (Army Tactical Missile System - ATACMS) có tầm bắn tối đa khoảng 300 km. Nên việc phát triển một hệ thống tên lửa chiến thuật mới như yêu cầu của quân đội Mỹ không phải là quá khó khăn.
Trong khi chờ đợi mẫu vũ khí mới ERCA được hoàn thiện và đưa vào biên chế, Lockheed sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống ATACMS hiện có. Gần đây, công ty này đã hoàn thành hợp đồng hiện đại hóa trị giá 161 triệu USD, nâng cấp tất cả các thiết bị điện tử dẫn đường cũng như tăng khả năng công phá của các đầu đạn cũng như cung cấp thêm 150 tên lửa mới.
Tên lửa Mỹ - Hàn rầm rộ khai hỏa thị uy với Triều Tiên
Trong thời gian tới, Lục quân Mỹ sẽ sửa đổi điều lệnh tác chiến, điều chỉnh cơ cấu lực lượng và huấn luyện nhằm thích ứng với môi trường quốc tế mới, đảm bảo năng lực của lục quân có thể tích hợp với các quân chủng khác và của đồng minh, đem lại hiệu quả tác chiến cao nhất.
Nếu chế tạo thành công và được trang bị tên lửa chiến thuật tiến công chính xác tầm xa kiểu mới, sức mạnh của quân đội Mỹ sẽ được tăng cường đáng kể, đồng thời làm tăng mức độ răn đe đối với những kẻ thù tiềm năng của nước Mỹ.