Hệ thống phòng vệ chủ động của Mỹ, Đức khiến Nga, Israel phải ngước nhìn

Hải Dương |

Tích hợp cho xe tăng và xe thiết giáp các hệ thống phòng vệ chủ động (APS) là xu thế đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới.

Theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật quân sự, các xe tăng, xe thiết giáp ngày càng trở nên nặng nề hơn khi phải bổ sung thêm nhiều lớp giáp composite và giáp phản ứng nổ bao quanh đủ các mặt nhằm hạn chế tác hại của đạn xuyên lõm và đạn xuyên động năng.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh biện pháp này tỏ ra không theo kịp sự phát triển của vũ khí chống tăng, dẫn tới yêu cầu cấp thiết đó là phải trang bị thêm những hệ thống phòng vệ chủ động (APS) để đánh chặn đạn xuyên giáp của đối phương trước khi nó kịp làm tổn thương các lớp giáp.

Hiện nay, đã có một số tổ hợp APS đi vào phục vụ với số lượng lớn như Trophy do Israel sản xuất, hay ở quy mô nhỏ hơn là Arena và Drozd của Nga. Các hệ thống này hoạt động trên nguyên tắc dùng radar phát hiện đạn chống tăng bay tới, sau đó sẽ bắn đạn đánh chặn để vô hiệu hóa vũ khí của kẻ thù.

Đáng tiếc rằng vũ khí trên được coi như con dao hai lưỡi vì đạn APS thường tung ra một cơn mưa mảnh đạn, dễ gây thương vong nghiêm trọng cho bộ binh đi kèm.

Nếu trang bị loại APS này cho xe tăng thì tạm chấp nhận được, còn đối với xe bọc thép chở quân hay xe chiến đấu bộ binh thì sẽ phải yêu cầu lắp đặt một hệ thống APS khác có phương thức hoạt động "mềm" hơn. Tiêu biểu cho phong cách thiết kế mới là hai đại diện đến từ Mỹ và Đức.

Hệ thống phòng vệ chủ động của Mỹ, Đức khiến Nga, Israel phải ngước nhìn - Ảnh 1.

Xe bọc thép chở quân M1126 Stryker lắp hệ thống phòng vệ chủ động Iron Curtain trên nóc

Trước tiên là Iron Curtain do Tập đoàn Artis của Mỹ nghiên cứu phát triển, nó có một số điểm khác biệt so với Trophy hay Arena và phù hợp hơn cho việc lắp đặt trên xe thiết giáp chở quân bánh lốp.

Quá trình đánh chặn của Iron Curtain được tiến hành khi đầu đạn tiếp cận mục tiêu. Khi đó đạn đánh chặn bố trí trên nóc xe sẽ nổ chụp trực tiếp vào đạn chống tăng bắn tới để giảm khả năng công phá hoặc tiêu diệt hoàn toàn nó.

Do biện pháp đánh chặn là dựng rào cản bằng áp lực thuốc nổ theo hướng từ trên xuống dưới và sát với mục tiêu cần bảo vệ, cho nên binh sĩ đứng ngay gần xe thiết giáp cũng không hoặc khó bị tổn hại.

Nhà sản xuất tự tin tuyên bố ưu điểm của Iron Curtain nằm ở khả năng phòng thủ vòng tròn, trọng lượng nhẹ, bố trí đơn giản, mang nhiều đạn, xác suất kích hoạt nhầm rất nhỏ và rẻ tiền. Tổ hợp này tiêu diệt được cả tên lửa chống tăng sử dụng phương pháp tấn công đột nóc lẫn đầu đạn mang lượng nổ nối tiếp.

Hệ thống phòng vệ chủ động của Mỹ, Đức khiến Nga, Israel phải ngước nhìn - Ảnh 2.

Thử nghiệm hệ thống phòng vệ chủ động Rheinmetall ADS

Không chịu kém cạnh người Mỹ, mới đây Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rheinmetall của Đức đã giới thiệu một tổ hợp phòng vệ chủ động do mình chế tạo có tên gọi ADS.

Khác với Iron Curtain sử dụng áp lực thuốc nổ, đạn đánh chặn của Rheinmetall ADS chứa bên trong bột kim loại. Khi kích nổ nó sẽ dựng một bức tường với tốc độ cao và mật độ lớn để phá hủy đạn chống tăng. Lớp bột này sau đó sẽ nhanh chóng giảm tốc độ và lan rộng ra môi trường xung quanh, giảm tối đa thiệt hại ngoài ý muốn.

Rheinmetall còn cho biết thời gian phản ứng của hệ thống ADS chỉ khoảng 0,1 giây, giúp nó đánh chặn được cả đạn chống tăng bắn gần ở cự ly dưới 10 m, xác suất tiêu diệt thành công theo ước tính lên tới 99,9%.

Như vậy có thể thấy rằng mặc dù đi sau nhưng Mỹ - Đức lại đang vượt mặt Nga - Israel trong lĩnh vực chế tạo hệ thống phòng vệ chủ động cho xe tăng và xe thiết giáp. Hai hệ thống Iron Curtain cùng với ADS được cho là hình mẫu lý tưởng của mọi tổ hợp APS trong tương lai.

Hệ thống phòng vệ chủ động Rheinmetall ADS trình diễn tính năng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại