Tên lửa Nga – Trung “xé toạc và xóa sổ” hệ thống phòng thủ Mỹ: Chạy không kịp?

Anh Tú |

Mối nguy hiểm đối với hệ thống phòng thủ của Mỹ không chỉ đến từ số lượng tên lửa của Nga và Trung Quốc mà chính là ở tính đa dạng, nhất là khi chúng được phóng đồng loạt.

Ngày 25/1, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ vừa cho công bố một báo cáo với tựa đề "Phòng thủ phân tán: Những khái niệm hoạt động mới ứng dụng cho phòng không tích hợp", trong đó đề cập tới những mối đe dọa đến từ Nga và Trung Quốc mà Mỹ sẽ phải tìm cách đối phó trong tương lai.

Theo báo cáo trên, Trung Quốc hoặc Nga đều có thể dễ dàng phát hiện và phá hủy các hệ thống phòng thủ của Lục quân Mỹ, đặt các lực lượng quân sự của nước này trước nguy cơ bị tấn công hủy diệt.

Thomas Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ tên lửa của CSIS đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu của báo cáo trên cho rằng, các hệ thống như Patriot và THAAD là những tổ hợp lớn, gồm nhiều thiết bị cồng kềnh: bệ phóng, radar, trạm chỉ huy… Chúng phát ra rất nhiều nhiệt và sóng vô tuyến/radar nên rất khó ngụy trang và nhất là không thể sơ tán nhanh chóng.

Theo Karako, hầu hết các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được lập lên để đối phó với những đòn tấn công bằng tên lửa Scud hoặc một số lượng nhỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) do những nước mà Mỹ coi là "thù địch" như Triều Tiên hay Iran tiến hành.

Vì vậy, quy mô chính là sự khác biệt lớn giữa mối thách thức đến từ các đối thủ ngang tầm (Nga, Trung Quốc) và mối đe dọa mà các hệ thống phòng thủ tên lửa được Mỹ thiết lập để đối phó.

Mỹ thử nghiệm đánh chặn thành công một chiếc ICBM bằng hệ thống GBI

Việc Lầu Năm Góc tuyên bố các hệ thống đánh chặn mặt đất (GBI) hiện có thể bảo vệ được nước Mỹ lục địa khỏi một số vụ tấn công ICBM là một tín hiệu tích cực nhưng Nga và Trung Quốc, mỗi nước sở hữu tới cả ngàn tên lửa đạn đạo và hành trình, trong đó nhiều chiếc có mức độ tinh vi cao và thậm chí họ còn đang phát triển các tên lửa siêu thanh.

Nhưng Karako cho rằng, mối nguy hiểm với Mỹ không chỉ đến từ số lượng tên lửa của Nga và Trung Quốc mà chính là ở tính đa dạng của chúng.

"Vấn đề ở đây là mối đe dọa tổng hợp. Những cuộc tấn công ồ ạt với nhiều loại vũ khí, không chỉ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình hay UAV mà là tất cả cùng một lúc", Karako nhấn mạnh.

Tên lửa đạn đạo bay nhanh nhưng lại dễ bị phát hiện bởi đường bay vòng cung ngoài tầng khí quyển Trái Đất. Tên lửa hành trình và UAV bay chậm hơn, trong bầu khí quyển Trái Đất nhưng lại đồng nghĩa với việc chúng có thể bay dưới tầm phát hiện của radar và tiếp cận mục tiêu từ nhiều hướng khó đoán định.

Trong tương lai gần, cả Nga và Trung Quốc đều sẽ đẩy mạnh phát triển các tên lửa lướt siêu thanh (HGV), càng nhanh và càng khó phát hiện hơn.

Vì vậy, Karako cho rằng hệ thống phòng thủ của Lục quân Mỹ được tối ưu hóa đối phó với các tên lửa Scud và ICBM của Triều Tiên không thể đối phó được với các mối đe dọa này, nhất là khi chúng được phóng đi cùng một lúc.

Để giải quyết vấn đề trên, theo Karako, Lục quân Mỹ cần phi tập trung hóa các tổ hợp tên lửa, phân tán các trạm radar và bệ phóng, cũng như phải làm tốt công tác ngụy trang che giấu. Đây cũng chính là khái niệm hoạt động mới gọi là "phòng thủ phân tán" (Distributed Defense) được đề cập trong báo các của CSIS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại