Hệ thống phòng thủ Israel lộ “tử huyệt” sau khi hứng gần 200 tên lửa đạn đạo Iran

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) |

Các chuyên gia đang nỗ lực tìm hiểu cách thức tấn công của Iran sau vụ tập kích gần 200 tên lửa vào Israel, cũng như xác định liệu Israel có thể tiếp tục tự vệ trước nhiều đợt tấn công bằng tên lửa nữa hay không nếu xung đột tiếp tục leo thang ở Trung Đông.

Hôm 1/10, Iran đã trút khoảng 180 quả tên lửa các loại vào lãnh thổ Israel trong một động thái được cho là đáp trả hoạt động của quân đội Israel ở khu vực biên giới Lebanon chống lại Hezbollah. Hơn một tuần sau vụ tập kích bằng tên lửa đạo đạo này, tác động của cuộc tấn công mới bắt đầu trở nên rõ ràng.

Tên lửa Iran phóng về phía Israel ngày 13/4/2024. Ảnh: IRNA

Cách thức tấn công của Iran

Video do một hành khách trên máy bay thương mại từ Dubai quay lại đã ghi lại cảnh tượng ban đầu của vụ tấn công, nhiều khả năng xảy ra gần thành phố Shiraz của Iran. Ngay sau đó, người dân Israel được cảnh báo đi tới nơi trú ẩn. Theo ước tính, tên lửa đạn đạo Iran mất khoảng 12 phút để đến đích, đầu tiên là đi vào bầu khí quyển của Trái Đất và sau đó quay trở lại nhắm vào mục tiêu với tốc độ cao.

Video quay được từ Jordan cho thấy tên lửa lao vút về phía Israel. Còn cảnh quay trên mặt đất tại Israel cho thấy các hệ thống phòng không được kích hoạt và trong một số trường hợp chúng bị áp đảo. Ít nhất 9 tên lửa tấn công gần các cơ sở quân sự ở Israel, trong khi các báo cáo chi tiết sau đó phát hiện ra rằng nhiều tên lửa khác đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ.

Tiến sĩ Yehoshua Kalisky, nhà nghiên cứu cao cấp tại INSS có trụ sở ởTel Aviv, suy đoán ý định của Iran là "làm bão hòa hệ thống phòng không Israel" bằng cách bắn 180 tên lửa cùng một lúc, một con số lớn chưa từng có.

Iran vượt mặt mạng lưới phòng không Israel như thế nào?

Hệ thống phòng không của Israel bao gồm nhiều lớp: Vòm Sắt, David’s Sling và hệ thống vũ khí Arrow dùng để bắn hạ tên lửa đạn đạo. Mỗi hệ thống được thiết kế để bắn tên lửa đang bay tới ở các độ cao khác nhau.

Hệ thống phòng không di động Vòm Sắt bao gồm 10 khẩu đội, mỗi khẩu đội mang theo 3-4 bệ phóng tên lửa cơ động. Nó cung cấp một hàng rào phòng thủ chống lại tên lửa, súng cối và máy bay không người lái trong phạm vi lên tới 60 dặm vuông tại các khu vực đông dân cư. Hệ thống David’s Sling có thể đánh chặn rocket và tên lửa ở độ cao 15 km trong phạm vi 40 km – 300 km. Theo nhà sản xuất, một bệ phóng David’s Sling có thể mang 12 tên lửa đánh chặn và được bắn từ vị trí gần như thẳng đứng. Arrow là lớp trên cùng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel, phối hợp với hệ thống Dome và David’s Sling.

Phiên bản mới nhất của Arrow được thiết kế để đánh chặn tên lửa trong không gian, được gọi là đánh chặn "ngoài khí quyển". "Ý tưởng của việc chế tạo hệ thống Arrow là bắn hạ tên lửa bay tới ở mức độ xa nhất có thể, tốt nhất là trên lãnh thổ của đối phương", ông Kalisky nói với The Telegraph. Nếu điều đó không thành công, các lớp phòng không tiếp theo sẽ sẵn sàng bắn hạ tên lửa khi độ cao của nó giảm xuống.

"Tổ hợp David’s Sling và cuối cùng là Iron Dome có thể bắn hạ tên lửa khi chúng ở gần mặt đất", ông Kalisky cho biết thêm. Từ những video quay được, các chuyên gia cho rằng Israel có thể không có đủ đơn vị phòng không hoặc máy bay đánh chặn để chặn được một loạt tên lửa dồn dập như vậy.

Một số nhà quan sát cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ của tên lửa Iran. Ông Fabian Hoffman, một chuyên gia tên lửa tại Dự án hạt nhân Oslo, cho biết cảnh quay từ video thấy rõ ràng "các tên lửa có tốc độ rất cao, khoảng 600/700m mỗi giây, chúng cực kỳ nhanh".

Tất cả các tên lửa mà Iran bắn ra "về bản chất đều bay với tốc độ siêu thanh cho đến khi chúng quay trở lại bầu khí quyển và bị chậm lại", ông Hoffman nói thêm. Hezbollah đôi khi cũng bắn hàng trăm tên lửa vào Israel trong một khoảng thời gian ngắn nhưng hầu hết chúng đều kém hiệu quả và dễ bị đánh chặn hơn.

Iran đã tấn công vào đâu?

Israel ban đầu hạ thấp thiệt hại do cuộc tấn công gây ra, nhưng sau đó thừa nhận rằng một số căn cứ quân sự của nước này đã bị tấn công - mặc dù không có máy bay hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng nào bị hư hại.

Hình ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs công bố sau đó tiết lộ rằng Căn cứ Không quân Nevatim đã bị ảnh hưởng ở 30 vị trí khác nhau, nhiều nhà chứa máy bay và tòa nhà bị hư hại.  Một hố lớn do tên lửa rơi xuống cũng xuất hiện gần trụ sở tình báo Mossad của Israel ở Glilot, phía bắc Tel Aviv.

Ước tính có hơn 20 tên lửa đã xuyên thủng hệ thống phòng không. Khoảng 20 tên lửa đã tấn công căn cứ không quân Nevatim, trong khi 3 tên lửa tấn công căn cứ Tel Nof ở miền trung Israel. Ông Kalinsky cho biết, có khả năng hệ thống Arrow đã bắn trúng động cơ của một số tên lửa nhưng chúng vẫn tiếp tục bay và cuối cùng rơi xuống đất. Các mảnh vỡ từ tên lửa đã được tìm thấy ở cả Bờ Tây và bên trong lãnh thổ Israel sau cuộc tấn công.

Hệ thống phòng thủ của Israel lộ “tử huyệt”

Trước khi xảy ra cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran với quy mô lớn chưa từng có này, Israel đã phải chống đỡ các cuộc tấn công quy mô nhỏ hơn kể từ tháng 10/2023, trong đó có nhiều vụ tập kích bằng máy bay không người lái.

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng sự gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nói riêng đã phơi bày một số sai sót hoặc điểm yếu tiềm ẩn trong hệ thống Vòm Sắt.

Hàng trăm máy bay không người lái đã được phóng từ Iran, Iraq, Yemen, Lebanon và Syria vào Israel trong năm qua, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Chúng bay ở độ cao thấp, thường nằm dưới radar của Vòm Sắt, buộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) phải phát hiện và bắn hạ bằng tay. Vào tháng 7/2024, một máy bay không người lái do Iran sản xuất đã bay 2.000 km từ Yemen tới Israel, tấn công một căn hộ ở Tel-Aviv, khiến một người thiệt mạng.

Trong nhiều năm qua, các chuyên gia an ninh đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công tên lửa phối hợp giữa Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này có thể áp đảo hệ thống phòng không Israel và gây ra sự tàn phá nghiêm trọng.

Nhà phân tích Kalinsky cho rằng, "một đòn tấn công trực tiếp nếu nhắm vào Tel-Aviv sẽ phá hủy nhiều tòa nhà". Trong khi đòn tấn công gián tiếp sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng do sóng xung kích mạnh từ các vụ nổ. Viễn cảnh về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Iran đã làm gia tăng mối lo ngại các khu vực dân sự có thể chịu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, chuyên gia Kalinsky lưu ý, những vụ tấn công lớn sử dụng nhiều loạt tên lửa cần có thời gian chuẩn bị và có khả năng sẽ bị phát hiện trước khi diễn ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại