Hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ đối phó với cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên như thế nào?

Việt Hương |

Bloomberg cho biết, ở thời điểm hiện tại, người Mỹ vẫn có thể "kê cao gối mà ngủ" dù Triều Tiên tấn công.

Sau hai lần thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và bom nhiệt hạch (bom H) có sức hủy diệt còn hơn cả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Khi được hỏi về các hành động quân sự đáp trả vào thứ Tư vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Chúng ta sẽ thấy điều gì sẽ xảy ra”. Điều này càng dấy lên nghi ngờ phát ngôn của ông vào tháng trước khi nhận xét về lực lượng quân đội của Hoa Kỳ “đã chuẩn bị và luôn sẵn sàng” và những đe dọa từ Bình Nhưỡng sẽ được đáp trả bởi “hỏa lực”.

Về phía mình, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vẫn đang thúc đẩy một giải pháp ngoại giao và hi vọng xoa dịu những lo sợ về chiến tranh hạt nhân, ông nói: “Người Mỹ nên ngủ ngon và đừng lo sợ”.

"Nhưng thật sự người Mỹ có thể ngủ ngon không?", Bloomberg (Mỹ) đặt câu hỏi.

Hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ đối phó với cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên như thế nào? - Ảnh 1.

Xử lý ảnh: Tất Đạt

Báo Mỹ cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có mạng lưới toàn cầu được giám sát 24 giờ bằng cảm biến trên đất liền, biển và không trung, tất cả đều luôn theo dõi những dấu hiệu bất thường từ Triều Tiên. Những tên lửa đánh chặn khu vực được triển khai tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Guam và trên các tàu chiến của hải quân Mỹ.

Trong khi đó, các căn cứ quân sự tại Alaska và California được trang bị thiết bị đánh chặn các tên lửa tấn công về phía lãnh thổ Mỹ. Vậy thực sự đáp trả từ phía Hoa Kỳ sẽ như thế nào? Không thể nói một cách chính xác bởi với nhiều sự thay đổi trong thực tế và gần như xác suất thất bại và thành công tương đương nhau trong các lần thử, nhưng về lý thuyết thì đây là cách hệ thống hoạt động.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ hoạt động như thế nào?

Hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ đối phó với cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên như thế nào? - Ảnh 2.

Nếu Triều Tiên phóng tên lửa, vệ tinh Mỹ sẽ phát hiện ra nó gần như ngay lập tức thông qua các tín hiệu hồng ngoại. Và trong chưa đầy một phút, vệ tinh sẽ phát cảnh báo, trung tâm chỉ huy và điều khiển tại Căn cứ Không quân Schriever gần Colorado Springs, Colorado sẽ hoạt động.

Hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ đối phó với cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên như thế nào? - Ảnh 3.

Trung tâm chỉ huy tại Colorado sẽ điều khiển các rada trong khu vực để theo dõi tên lửa khi nó đi vào không gian vũ trụ. Trong thời gian từ 5-7 phút, hệ thống rada TPY-2 và SPY-1 sẽ thu thập thông tin như quỹ đạo bay, vận tốc và độ cao để gửi lại trung tâm chỉ huy phân tích tìm ra loại tên lửa được phóng và tính toán xem liệu nó có thể bay đến lãnh thổ Mỹ hay không.

“Giai đoạn tăng tốc” này thực sự là thời gian lý tưởng để đánh chặn một tên lửa nhưng hệ thống phòng thủ hiện tại không được trang bị để đánh chặn như vậy.

Các nhân viên tại trung tâm chỉ huy sẽ tham vấn với Bộ Tư lệnh phương Bắc, gần Căn cứ Không quân Peterson, nơi mà một quan sát viên tại đây luôn chỉ có trách nhiệm phê duyệt việc đánh chặn. Nếu còn thời gian, họ có thể sẽ thông báo cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Washington.

Hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ đối phó với cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên như thế nào? - Ảnh 4.

Trung tâm chỉ huy sẽ gửi lệnh phóng sau khi xác định xem Căn cứ Không quân Fort Greely hay Vandenberg có vị trí tốt hơn để đánh chặn. Tính đến thời điểm bắt đầu là khoảng 8-10 phút từ lúc tên lửa Tiều Tiên được phát hiện ban đầu.

Tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GBI) là vũ khí duy nhất có khả năng phá hủy ICBM và chúng chỉ được thử nghiệm đánh chặn tên lửa duy nhất một lần thành công trước đây.

Hiện Mỹ chỉ có 36 GBI, trong đó 4 quả tại California, 32 quả tại Alaska và có thể sẽ bắn một vài tên lửa đánh chặn để tăng xác suất thành công. Kho dự trữ này dự kiến sẽ tăng lên con số 44 cuối năm nay, nhưng khó mà tưởng tượng được về lý thuyết hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ áp đảo nếu Triều Tiên bắn nhiều tên lửa cùng lúc.

Lầu Năm Góc từng nói vào tháng 6 rằng, hệ thống phòng thủ có thể bảo vệ quốc gia trước “một con số nhỏ” tên lửa tấn công nhưng đây không phải là một lá chắn bảo vệ.

Hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ đối phó với cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên như thế nào? - Ảnh 5.

Một khi ở ngoài không trung, tên lửa đánh chặn sẽ phóng đi một hỏa tiễn sát thủ EKV – một thiết bị sử dụng động lực để phá hủy tên lửa bên ngoài khí quyển Trái đất.

Hệ thống rada có thể theo dõi cả thiết bị EKV và tên lửa tấn công, phát hiện các biện pháp đối phó như những thứ mà một vài tên lửa dùng để gây nhầm lẫn cho đối phương. Rada TPY-2 và X-band là hai hệ thống tốt nhất giúp phát hiện ra đầu đạn bắn ra từ các vật thể bay trong một “đám mây mù đầy đe dọa”.

Những cập nhập của hệ thống xử lý thông tin dữ liệu tức thời sẽ được truyền từ trung tâm chỉ huy đến thiết bị EKV giúp nó hướng về phía đầu đạn.

Hệ thống phòng thủ của Mỹ sẽ đối phó với cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên như thế nào? - Ảnh 6.

Thông qua cảm biến, động cơ tên lửa và hướng dẫn từ trung tâm chỉ huy, thiết bị EKV có thể bay trong khoảng từ 6-12 phút trước khi lao vào đầu đạn với tốc độ khó tin – phá hủy hoàn toàn mục tiêu và ngăn chặn một thảm họa hạt nhân.

Để chắc chắn, toàn bộ quá trình có thể diễn ra nhanh hơn, nhưng không có dữ liệu lịch sử để kiểm chứng điều này, những thông tin đều là ước tính. Các chuyên gia cho biết có rất nhiều những yếu tố tác động có thể làm thay đổi diễn biến, quỹ đạo bay, độ cao hay mục tiêu.

Đánh chặn tên lửa có thể so sánh với việc dùng một viên đạn bắn một viên đạn khác. Xác suất thành công như thế nào? Trong 18 lần thử nghiệm từ năm 1999, chỉ có 10 lần thành công. Và cũng chỉ có một lần đánh chặn thành công ICBM ngày 30/5. Và chưa tính đến trường hợp mối đe dọa từ nhiều tên lửa cùng lúc.

Các nhà phân tích cho rằng, những cuộc thử nghiệm thường không thực tế và được lên kịch bản để đảm bảo kết quả thành công.

Theo chuyên gia tên lửa Ian Williams thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, “những cuộc thử nghiệm phản ánh những gì chúng ta đang chứng kiến trước mối đe dọa”.

Lầu Năm Góc tăng cường sức mạnh

Những cuộc thử nghiệm gần đây đã bao gồm những biện pháp đối phó hay những cách thức của tên lửa tấn công nhằm né tránh hay gây nhầm lẫn cho hệ thống phòng thủ. Năm sau, Lầu Năm Góc sẽ khởi động hai tên lửa đánh chặn cho một mục tiêu lần đầu tiên.

Việc thử nghiệm tên lửa đánh chặn nhằm đảm bảo cho hệ thống trị giá 36 tỷ USD có thể hoạt động trong tình huống thực tế là rất khó, nhất là Lầu Năm Góc phải đảm bảo cho việc đánh chặn phải xảy ra ở một địa điểm được chuẩn bị một cách cẩn thận, không được có dân cư và tàu thuyền ở phía dưới bởi những mảnh vỡ sẽ rơi xuống Trái đất.

Việc này cũng rất tốn kém, lần thử nghiệm ngày 30/5 có chi phí 244 triệu USD. Theo Laura Grego, chuyên gia tên lửa tại Chương trình An ninh Toàn cầu, trực thuộc Liên đoàn các nhà khoa học, “chúng ta đang đi đúng hướng” nhưng vẫn chưa thể chứng minh được “khả năng thực tế”.

Nhiều cải tiến đang được tiến hành. Thiết bị tiêu diệt mục tiêu được thiết kế lại dự kiến hoàn thành năm 2020, với mong muốn sản xuất dễ dàng, ít tốn kém hơn nhưng tăng độ tin cậy.

Cuộc thử nghiệm đánh chặn tên lửa thành công của Mỹ ngày 30/5

Thiết bị tiêu diệt nhiều mục tiêu đang trong quá trình phát triển, với nhiều cuộc thảo luận để đẩy nhanh quá trình, điều này sẽ cho phép mang nhiều thiết bị tiêu diệt mục tiêu trên một chiếc GBI.

Nghị viện Mỹ cũng đang thúc đẩy việc triển khai tăng số lượng tên lửa GBI. Việc sửa đổi dự luật về chính sách quốc phòng cho năm 2018 theo đề xuất của Thượng nghị sĩ Dan Sullivan sẽ bổ sung thêm 28 quả GBI khác để đưa tổng số lên 72 quả và tìm kiếm các lựa chọn để tăng nguồn dự trữ lên 100.

Dự luật cũng yêu cầu cần phải có một lớp cảm biến dựa trên không gian mới có khả năng theo dõi một cách chính xác tên lửa và phân biệt tốt hơn giữa đầu đạn hạt nhân và các mảnh vụn.

Trên mặt đất, hệ thống rada cảnh báo sớm (LRDR) sẽ được triển khai vào cuối năm 2020, có tầm nhìn rộng và rõ hơn khi theo dõi tên lửa nhằm nâng cao độ chính xác cho các tên lửa GBI.

Nghị viện Mỹ cũng ủng hộ việc thiết lập căn cứ phòng thủ tên lửa thứ ba ở miền Đông, nhưng các quan chức hàng đầu tại Cơ quan Phòng thủ tên lửa MDA và Lầu Năm Góc cho rằng không thực sự cần thiết vì những căn cứ hiện tại có thể bảo vệ toàn bộ 50 bang nước này.

Hơn nữa, một vài chuyên gia cho rằng Triều Tiên vẫn chưa thực sự có khả năng đe dọa như Washington lo sợ.

“Rõ ràng là Triều Tiên có thể sản xuất tên lửa tầm xa vươn tới Mỹ, nhưng Triều Tiên vẫn chưa chứng minh được họ nắm giữ công nghệ và có khả năng có thể tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân”, Tướng Paul Selva, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ chia sẻ với Bloomberg hôm 29/8.

Và cuối cùng, tất cả các bên đều mong muốn hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ sẽ không bao giờ cần phải hoạt động.

Như vậy, người Mỹ thực sự có thể ngủ ngon không? Câu trả lời là có, ít nhất là bây giờ, Bloomberg kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại