Hệ thống phòng không Ukraine “tan tác” trong cuộc tập kích của Su-57

Hoàng Phạm/VOV.VN - Theo Bulgarian Military |

Theo các nguồn tin Nga, tiêm kích Su-57 phát hiện vị trí hệ thống phòng không Ukraine ở khu vực phía Nam và đã tiến hành tập kích từ ngoài biển.

Các nguồn tin của Nga ngày 19/10 cho hay, tiêm kích Su-57 đã phá hủy một số hệ thống tên lửa phòng không MIM-23 Hawk do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Ukraine. Cuộc không kích được tiến hành vào sáng sớm 19/10 ở phía Nam Ukraine.

Kênh Telegram Fighterbomber, được cho là có mối quan hệ với không quân Nga, xác nhận Su-57 đã tham gia tấn công nhưng không nêu địa điểm cụ thể.

Su - 57 Nga tấn công hệ thống phòng không Ukraine và sự yếu thế của MIM - 23 Hawk - Ảnh 1.

Máy bay Su-57. Ảnh: Wikipedia

Trong khi đó, trang tin Avia Pro nói rằng Su-57 đã nhắm vào các hệ thống MIM-23 Hawk gần Odessa. Các thông tin ban đầu cho thấy quân đội Ukraine triển khai các tổ hợp phòng không Hawk đã lỗi thời để bảo vệ tàu hàng ở cảng Odessa.

Bất chấp những nỗ lực nhằm tăng cường hệ thống phòng không trong khu vực, các vị trí của Ukraine vẫn bị phát hiện và bị máy bay chiến đấu của Nga tấn công từ ngoài biển.

Cuộc không kích được cho là đã phá hủy ít nhất 2 bệ phóng MIM-23 và một trạm chỉ huy AN/MSW-9 PCP, gây ra hỏa hoạn.

MIM-23 Hawk là hệ thống tên lửa đất đối không được Mỹ đưa vào sử dụng từ những năm 1960. Hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt máy bay địch ở độ cao tầm tầm trung. Hawk đã trải qua nhiều lần nâng cấp để duy trì hiệu quả trong bối cảnh phòng không luôn thay đổi.

Các thành phần chính của hệ thống Hawk bao gồm radar AN/MPQ-50 để cảnh báo sớm và thu thập mục tiêu và radar điều khiển hỏa lực AN/MPQ-46.

Su - 57 Nga tấn công hệ thống phòng không Ukraine và sự yếu thế của MIM - 23 Hawk - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa HAWK. Ảnh: Getty Images

MIM-23B, một biến thể cải tiến của MIM-23A ban đầu, có tầm bắn tối đa khoảng 40 km và có thể đạt độ cao lên tới 18 km. Tên lửa của hệ thống nặng khoảng 590 kg, mang đầu đạn 75 kg có khả năng tiêu diệt máy bay ném bom, máy bay nhỏ hơn và trực thăng. Tên lửa có thể đạt tốc độ lên tới Mach 2,4 (2.940 km/h).

Hawk là hệ thống bán di động, cho phép triển khai và di dời nhanh chóng, nhưng chúng dựa vào một trung tâm điều khiển phức tạp.

Mặc dù đã được nâng cấp, MIM-23 Hawk ngày càng lỗi thời, đặc biệt là so với các máy bay chiến đấu hiện đại như Su-57 của Nga.

Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm có nhiều ưu điểm khiến các hệ thống đã cũ như Hawk khó có thể đối phó hiệu quả.

Một trong những vượt trội của Su-57 là công nghệ tàng hình, giúp giảm đáng kể tín hiệu radar của nó. Các radar của MIM-23 Hawk vốn được thiết kế cho các thế hệ máy bay cũ có tiết diện radar lớn hơn, chúng gặp khó khăn trong việc phát hiện và theo dõi Su-57 ở khoảng cách an toàn.

Hơn nữa, Su-57 được trang bị tên lửa không đối đất tiên tiến như Kh-59, có thể phóng từ khoảng cách xa hơn nhiều so với phạm vi đánh chặn của Hawk. Kh-59 có tầm bắn lên tới 290 km và bay ở độ cao thấp và tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, khiến MIM-23 Hawk trở thành mục tiêu dễ dàng vì nó không được thiết kế để đánh chặn các tên lửa bay thấp và có tốc độ cao như vậy.

Su-57 còn sở hữu hệ thống tác chiến điện tử (EW) hiện đại, có khả năng gây nhiễu radar, khiến Hawk khó phát hiện và phản ứng kịp thời.

Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine đã nhận được một số hệ thống phòng không MIM-23 Hawk, chủ yếu từ Tây Ban Nha và Mỹ.

Tây Ban Nha đã chuyển giao tổng cộng 12 bệ phóng Hawk, đủ để trang bị cho 2 đơn vị phòng không tầm trung. Còn Mỹ mua và chuyển giao cho Ukraine các hệ thống Hawk đã ngừng hoạt động.

Các quốc gia khác đóng góp bằng cách hỗ trợ kỹ thuật hoặc tạo điều kiện tân trang và vận chuyển các hệ thống Hawk cho Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại