Hệ thống phòng không kiêu hãnh của Israel đang "khổ sở" hơn bao giờ hết

Quang Hưng |

Đến cả Mỹ cũng phải căng mình khi cố gắng giúp Israel đánh chặn các đòn tấn công tên lửa từ các lực lượng thù địch trong khu vực.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang phải đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng về dự trữ tên lửa đất đối không, vì hơn một năm giao tranh với Hezbollah và các nhóm chiến binh Palestine ở Gaza đã gây ra sự căng thẳng nghiêm trọng cho hệ thống phòng không của họ.

Kiến trúc phòng không nhiều lớp của Israel, vốn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống Iron Dome (Vòm sắt) để đánh chặn các tên lửa tầm ngắn, tuy nhiên hệ thống này đã chịu tổn thất bởi các đợt tấn công tên lửa liên tục của Hezbollah.

Hệ thống phòng không Israel đối mặt thách thức lớn nhất - Ảnh 1.

 

Iron Dome là xương sống trong hệ thống phòng thủ của Israel, nhưng nó đang bị áp đảo bởi khối lượng pháo phản lực phóng từ Gaza và Lebanon. Chiến lược của Hezbollah đã phát triển với các chiến thuật rõ ràng, đặc biệt là nhắm vào các cơ sở Iron Dome, gây ra những thách thức lớn về khả năng hoạt động của các hệ thống phòng không này.

Ngoài ra, các hệ thống phòng không cấp cao hơn như David's Sling, Arrow 3 và Barak 8 cũng chịu áp lực nghiêm trọng, bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ Yemen, Iran và Hezbollah. Hai cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn của Iran vào tháng 4 và tháng 9/2024, kết hợp với các cuộc tấn công nhỏ hơn từ Yemen và Lebanon, đã làm suy yếu thêm năng lực phòng thủ tên lửa của Israel.

Cảnh báo từ các chuyên gia

Theo tờ The Financial Times, Quan chức Quốc phòng Mỹ Dana Stroul đã cảnh báo rằng, nếu Israel tấn công Iran họ sẽ phải đối mặt với một kịch bản cực kỳ thách thức, trong đó Hezbollah có thể leo thang bắn phá nhằm vào Israel. Stroul lưu ý rằng " Hệ thống phòng không của Israel sẽ bị kéo căng nghiêm trọng", đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc đối đầu nào với Iran cũng có khả năng dẫn đến việc Hezbollah mở một mặt trận phía bắc, tiếp tục áp đảo mạng lưới phòng thủ của Israel.

Mỹ đã có những bước đi quan trọng để hỗ trợ Israel giảm thiểu những thách thức này. Các lực lượng Mỹ đồn trú tại Trung Đông đã đóng vai trò chủ chốt trong việc đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa của Yemen và Iran nhắm vào Israel. Chiến đấu cơ F-15 và tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ được triển khai trên khắp khu vực đã tham gia tích cực, nhờ đó đã giảm bớt một số áp lực lên hệ thống phòng không của Israel.

Hệ thống phòng không Israel đối mặt thách thức lớn nhất - Ảnh 2.

 

Khi tình hình xung đột gia tăng, sự hỗ trợ của Mỹ cũng tăng lên, dẫn đến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và THAAD ở Israel, để tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa ngày càng tinh vi từ các đối thủ.

Việc Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Cuối cùng (THAAD) tới Israel vào tháng 10/2024, cùng với các khẩu đội tên lửa Patriot, cũng đang gây ra những áp lực đối với các nguồn lực phòng không toàn cầu của Mỹ. Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth gần đây đã thừa nhận căng thẳng này, đồng thời nói thêm rằng việc triển khai THAAD tới Israel là "một tuyên bố rõ ràng khác về cam kết của chúng tôi đối với an ninh của Israel".

Áp lực cho cả Mỹ

Áp lực leo thang này đối với hệ thống phòng không của Mỹ vượt ra ngoài Israel. Mỹ đã bị kéo căng ở một số chiến trường toàn cầu, với các hệ thống Patriot và THAAD cũng được triển khai ở Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út và Guam. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt này.

Các chuyên gia quân sự, bao gồm cả Tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu David Deptula, đã lên tiếng báo động về tính bền vững của hệ thống phòng không Mỹ trong bối cảnh những cam kết đồng thời này. "Chúng tôi không chỉ hỗ trợ Israel mà còn triển khai ở Thái Bình Dương và Châu Âu. Cơ sở công nghiệp cho các hệ thống phòng không đã chậm mở rộng quy mô sản xuất và điều đó khiến chúng tôi gặp khó khăn", Deptula bình luận. "Quân đội Mỹ đang bị kéo mỏng hơn so với những năm trước và điều đó có tác động nghiêm trọng đến khả năng ứng phó với các mối đe dọa mới của chúng tôi".

Hệ thống phòng không Israel đối mặt thách thức lớn nhất - Ảnh 3.

 

 

Ngoài những lo ngại này, các nhà phân tích cũng chỉ ra những tác động chiến lược từ kho vũ khí tên lửa ngày càng tăng của Hezbollah. Trong khi các cuộc tấn công tên lửa ban đầu của nhóm này nhắm vào miền Bắc Israel, thì giờ đây, họ có khả năng phóng tên lửa đạn đạo tấn công sâu vào trung tâm của đất nước.

Các quan chức Israel đã bày tỏ lo ngại rằng, kho vũ khí của Hezbollah đã phát triển thành một lực lượng tinh vi hơn nhiều. Sự phát triển này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực, khiến biên giới phía bắc của Israel dễ bị tấn công bằng tên lửa hơn bao giờ hết.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Israel, Yaakov Amidror đã cảnh báo về tình hình bấp bênh hiện tại của Israel. "Hezbollah hiện có khả năng bắn tên lửa dẫn đường chính xác và nếu Israel buộc phải chia sẻ các nguồn lực phòng không giữa miền bắc và một cuộc xung đột có thể xảy ra với Iran, chúng ta sẽ phải gặp rắc rối nghiêm trọng. Đây là kịch bản tồi tệ nhất mà các nhà hoạch định quân sự của Israel đang phải vật lộn", Amidror giải thích.

Trong khi Mỹ vẫn là đồng minh chủ chốt trong việc củng cố hệ thống phòng thủ của Israel, rõ ràng là sự leo thang hiện tại ở Trung Đông đang gây áp lực chưa từng có lên mạng lưới phòng không của cả hai quốc gia. Câu hỏi vẫn còn đó: Mỹ có thể tiếp tục hỗ trợ nhu cầu phòng không của Israel trong bao lâu, trong khi phải cân bằng các cam kết toàn cầu của riêng mình? Và liệu Israel có thể vượt qua được cơn bão nếu tình hình căng thẳng với Iran và Hezbollah tiếp tục gia tăng? Đây là những câu hỏi mà cả các quan chức Israel và Mỹ đang phải vật lộn khi khu vực này đang đứng bên bờ vực của một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Quang Hưng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại