Cuối tuần trước, Tehran đã tiết lộ tên lửa hành trình tầm trung hạng nặng Hoveyzeh tại buổi triển lãm quốc phòng hướng tới 40 năm kỷ niệm Cách mạng Iran 1979.
Theo công bố, tên lửa này có tầm bắn trên 1.350km, có thể bao phủ phần lớn lãnh thổ Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia và Israel.
Tên lửa Hoveyzeh của Iran. Ảnh: AP
Đề cập tới cuộc thử nghiệm thành công của Hoveyzeh, website tình báo DEBKA của Israel dẫn lời một số chuyên gia cho biết hiện Israel, Mỹ hoặc bất cứ lực lượng quân sự nào khác trên thế giới đều chưa có phương thức đối phó hiệu quả để đánh chặn tên lửa hành trình trước khi chúng tấn công, trừ phi đó là tên lửa tầm ngắn.
Nói đến 3 cuộc thử nghiệm tên lửa thành công của Iran từ 29/12/2018 - 2/2/2019, DEBKAfile cho biết, "trong cuộc thử nghiệm thứ 3, tên lửa Hoveyzeh (thuộc họ tên lửa hành trình Soumar) đã cho thấy rằng:
Trong khi Cơ quan nghiên cứu của Bộ quốc phòng Israel và Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ đang có dự định phát triển các loại tên lửa có khả năng tấn công mục tiêu bên ngoài khí quyển Trái Đất thì Cộng hòa Hồi giáo Iran đã sản xuất thành công các tên lửa hành trình bay thấp có khả năng qua mặt radar".
Theo DEBKAfile, lực lượng duy nhất có khả năng chống cự lại tên lửa hành trình trong trường hợp này là các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ, do chúng có mạng lưới radar, cảm biến tăng cường, và hệ thống xử lý dữ liệu bao quát một khu vực rộng lớn.
Tuy nhiên, ngay cả khi đó, khả năng này chỉ có thể phát huy tác dụng tại khu vực biển rộng và ít biến động, chứ "không hiệu quả trước tên lửa hành trình phóng qua đất liền".
"Do đó, cuộc thử nghiệm thành công của tên lửa Hoveyzeh có ý nghĩa rất lớn, dù phương Tây cố hạ thấp nó xuống" - DEBKAfile cảnh báo.
Tên lửa Hoveyzeh được Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami công bố hôm thứ Bảy vừa qua, đồng thời cho biết nó có khả năng bay tầm thấp, thời gian chuẩn bị phóng ngắn, trọng tải tối đa lớn và có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác.
Khi triển khai, Hoveyzeh sẽ được biên chế cho Lực lượng Không gian Vũ trụ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Nó sẽ gia nhập kho vũ khí quy mô lớn của Iran cùng với các hệ thống tên lửa tầm ngắn-trung-xa khác. Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Israel luôn xem đây là mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực.
Trong khi đó, Iran khẳng định các tên lửa của họ là phương thức răn đe phi hạt nhân và việc sở hữu chúng, đối với Tehran, là "không phải bàn cãi".