Hệ thống NMD không giúp Mỹ an toàn trước Status-6

Thùy Dung |

Sau khi Nga thử nghiệm thành công Status-6, phát ngôn viên Tổng thống Nga, Dmitry Peskov khẳng định hệ thống NMD không thể cứu Mỹ khỏi đòn đánh vũ khí hạt nhân.

Xuyên thủng phòng thủ Mỹ

Trang The Washington Free Beacon dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, Nga vừa âm thầm thử nghiệm thành công siêu vũ khí Status-6 mang theo đầu đạn hạt nhân công suất lớn có thể đe dọa Mỹ.

Tình báo Mỹ đã phát hiện cuộc thử nghiệm dưới nước này, loại ngư lôi này được Lầu Năm Góc gọi là Canyon (Status-6). Theo nguồn tin này, các ngư lôi này được phóng từ tàu ngầm Sarov, tuy nhiên chi tiết về địa điểm cuộc thử nghiệm hoặc kết quả của nó không được thông báo.

Sau khi lộ vụ thử nghiệm của Status-6, chuyên viên Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ của Nga phân tích về hệ thống mới này với đài Sputnik.

Theo Vasily Kashin, xét theo thông tin hiện có, Status-6 là loại ngư lôi đang được thiết kế để tấn công hạt nhân vào thành phố ven biển và các mục tiêu khác trên bờ biển. Ngư lôi có tầm xa rất lớn, khoảng 10.000 km. Trên thực tế, đây là một tàu ngầm không người lái mang theo vũ khí hạt nhân, có khả năng di chuyển với tốc độ cao ở độ sâu khoảng 1.000 m.

 Hệ thống NMD không giúp Mỹ an toàn trước Status-6  - Ảnh 1.

Tàu ngầm hạt nhân Nga

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ về tính năng và thiết kế, đặc biệt, trong ngư lôi sẽ được lắp động cơ loại nào. Tàu chiến mang theo các ngư lôi sẽ là hai tàu ngầm hạt nhân Belgorod và Khabarovsk đang được xây dựng.

Chuyên viên Vasily Kashin cho biết, ý tưởng thiết kế ngư lôi hạng nặng không phải là mới mẻ. Vào đầu những năm 1960, nhà khoa học nổi tiếng của Liên Xô, sau đó là người bất đồng chính kiến ​​Andrei Sakharov đã hỗ trợ cho dự án thiết kế ngư lôi chiến lược T-15 mang đầu đạn công suất 100 megaton.

Khi đó, các nhà khoa học cho rằng, công suất này là đủ để gây ra một cơn sóng thần khổng lồ có thể phá hủy các thành phố ven biển. Ngay cả lúc cao điểm của Chiến tranh Lạnh, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã coi ý tưởng này là khủng khiếp và không thể chấp nhận được.

Có lẽ, trong trường hợp với "Status-6" nói về một quả ngư lôi mạnh hơn nhiều, đặc biệt có tính năng "tàng hình" và tầm xa lớn hơn, chuyên viên Vasily Kashin nhận định đồng thời cho biết thêm, ngư lôi Status-6 có công suất tương đương với tên lửa đạn đạo liên lục địa, và đồng thời không thuộc bất kỳ thoả thuận về kiểm soát và cắt giảm vũ khí.

Trước sự phát triển không ngừng về vũ khí ngầm của Nga, Mỹ đã đầu tư lớn vào hệ thống phòng thủ tên lửa nhưng điều đó không thực sự khiến Mỹ trở nên an toàn trước đe dọa hạt nhân, Phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết.

Mỹ thừa nhận sức mạnh ngầm Nga

Trước khi Nga thử nghiệm lần đầu với Status-6, Tạp chí "Lợi ích quốc gia" của Hoa Kỳ có phân tích cho rằng, Nga đang chế tạo tàu ngầm thế hệ 5, trong đó có “sát thủ của tàu sân bay” và chỉ có Moscow mới sở hữu sức mạnh ngầm có thể thổi bay Mỹ.

Sau khi thành công với 2 mẫu tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ 4, Nga đã bắt đầu công việc chế tạo hai mẫu tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 5 - tờ tạp chí "Lợi ích quốc gia" của Mỹ đưa tin.

Tờ tạp chí Mỹ mô tả rằng, trong số 2 mẫu này, một mô hình được thiết kế để chuyên đánh chặn tàu ngầm của đối phương, mẫu thứ hai là một "sát thủ tàu sân bay", chuyên dùng để triệt hạ những mục tiêu lớn trên mặt nước như hàng không mẫu hạm hay tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn.

Tác giả bài viết lưu ý rằng, Nga đang phấn đấu hồi sinh ngành đóng tàu ngầm với sức mạnh mới. "Sau nhiều năm ngừng hoạt động thời hậu chiến tranh lạnh, Moscow gần đây đã giới thiệu hai loại tàu ngầm mới thuộc thế hệ thứ 4 rất thành công" - bài viết trên tờ National Interest cho biết.

Năm 2013, Hải quân Nga đã nhận được các tàu ngầm chiến lược lớp "Borey" mang tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava cũng như các tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của đề án "Yasen" mang nhiều tên lửa hành trình tấn công mặt đất như RK-55 Granat, P-800 Onyx hay Caliber-S…

Những tính năng của các tàu ngầm hạt nhân Nga đã gây ấn tượng với nhiều chuyên viên quân sự Mỹ. Các chuyên gia quân sự Anh cũng đã từng thừa nhận, Mỹ và NATO không biết nhiều về tàu ngầm hạt nhân Nga, những hệ thống vũ khí của chúng còn là điều rất bí ẩn.

Ngay cả một loại tàu ngầm thế hệ cũ của Nga là tàu ngầm đề án 941 "Akula" cũng đã khiến phương Tây phải thán phục. Chiếc tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới này là một điển hình về trình độ kỹ thuật hoàn hảo và độ lặn sâu tới 500 mét, hoạt động độc lập dưới đáy biển suốt 180 ngày đêm.

Con tàu có sức mạnh kinh hoàng với 20 bệ phóng cho 20 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 tầng, nhiên liệu rắn R-39 Rif, có tầm phóng 8.500 km. Mỗi quả tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân phân hướng (MIRV), mỗi đầu đạn công suất 100 kiloton. Tổng cộng con tàu trang bị 200 đầu đạn hạt nhân, với sức công phá 20.000 kiloton.

Đầu năm 2013, Hạm đội phương Bắc của Nga đã tiếp nhận vào biên chế những tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới, trang bị 16 tên lửa đạn đạo "Bulava" và 6 tên lửa hành trình thuộc lớp Borey. Cho đến năm 2020, Hải quân Nga sẽ được bổ sung 8 tàu ngầm đề án "Borey" và "Borey-A".

Hồi mùa hè năm 2014, Nga cũng đã đã cử hành nghi lễ thượng cờ long trọng trên kỳ đài của tàu ngầm hạt nhân đa năng K-560 "Severodvinsk", chiếc đầu tiên trong loạt 8 tàu ngầm hạt nhân tấn công thuộc đề án 885 "Yasen" với các tên lửa hành trình siêu mạnh.

Hiện nay Nga sở hữu hơn 70 chiếc tàu ngầm hạt nhân và thông thường, được chế tạo theo công nghệ đỉnh cao nhất của thế giới, đặc biệt là lớp vỏ tàu khử từ bằng Titan. Trên thế giới hiện chỉ có mình lực lượng tàu ngầm hạt nhân Mỹ là có sức mạnh ngang ngửa hạm đội tàu ngầm Nga đang biên chế.

Hạm đội tàu ngầm của Nga đang là nòng cốt trong bộ 3 răn đe hạt nhân gồm máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất, trở thành lực lượng đáng ngại nhất đối với quân đội Hoa Kỳ và có ảnh hưởng lớn đến khâu hoạch định chiến lược của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại