Hệ thống MK-41: Nỗi ám ảnh của Nga

Mỹ Đức |

Việc Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa tại Romania khiến Nga nổi giận. Tuy nhiên, vì sao Nga phản ứng như vậy nếu lá chắn này chỉ dùng để phòng thủ?

Theo RT, Nga đã chính thức khẳng định rằng, khu vực phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai ở Romania là một mối đe dọa trực tiếp với an ninh Nga. Phát ngôn viên của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov tuyên bố:

“Chúng tôi đã nói ngay từ khi chuyện này bắt đầu rằng, khu phòng thử tên lửa này là một mối đe dọa với Nga.

Chúng tôi vẫn cần một câu trả lời thích đáng về vấn đề này. Những biện pháp đáp trả ở mức cần thiết nhằm đảm bảo an ninh cho Nga là điều sẽ được thực hiện".

Lời phát ngôn của ông Peskov được đưa ra sau khi Tổng Thư kí NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh rằng, NATO không xây dựng khu chống tên lửa này nhằm vào Nga.

Trong khi Tổng thống Romania cũng khẳng định, đây là một hệ thống phòng thủ, không nhằm trực diện vào bất kì nước nào cũng không thể triển khai tấn công.

Hệ thống MK-41: Nỗi ám ảnh của Nga  - Ảnh 1.

Lá chắn tên lửa Mỹ triển khai tại Romania.

Theo truyền thông Nga, những tuyên bố của cả Mỹ và NATO chỉ nhằm mục đích xoa dịu sự giận dữ của Nga lúc này, tuy nhiên như vậy là chưa đủ để khiến Nga yên lòng bởi người Nga thừa hiểu rằng Mỹ có thể làm gì từ căn cứ này khi nó có sự hiện diện của hệ thống MK-41.

Hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) MK-41 được coi là hệ thống phóng đa nhiệm duy nhất trên thế giới. Nó đảm bảo khả năng đối không, chống ngầm và khả năng tấn công bề mặt.

Theo Brian Bohs - Giám đốc phát triển kinh doanh các hệ thống điều khiển, bệ phóng và vũ khí của Lockheed Martin, MK-41 VLS có khả năng bắn bất kỳ tên lửa nào trong kho tên lửa của Mỹ.

Các tên lửa được cho vào trong hộp và các hộp này được đưa vào trong bệ phóng. Pháo thủ trên tàu sẽ kết nối ống phóng với hộp đựng tên lửa và sau đó hệ thống phóng sẽ nhận ra đó là loại tên lửa nào.

Đặc biệt, VLS MK-41 có khả năng phóng các tên lửa hành trình - sứ giả chiến tranh Tomahawk.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiến hành cho tên lửa chống hạm thử nghiệm với hệ thống phóng đa năng này.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao Nga, Moskva đã mang vấn đề về MK-41 ra đối thoại song phương với Mỹ, tuy nhiên, Washington đã từ chối thảo luận về việc điều các VLS MK-41 đến Ba Lan, Romania.

"Mỹ không coi hành động này là vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và từ chối đưa ra bất kì lời giải thích nào về việc triển khai chúng đến châu Âu”, Giám đốc Văn phòng chống phổ biến và kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov cho biết.

Đây chỉ là một phần trong các vấn đề liên quan đến việc tuân thủ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân chiến lược (INF) đã được kí giữa Mỹ và Liên Xô năm 1987.

Tuy nhiên, Washington đã cáo buộc Moskva vi phạm thoả thuận này, vốn có nội dung cấm phát triển và triển khai các loại tên lửa hành trình và đạn đạo thông thường hoặc hạt nhân tầm trung.

Bộ Ngoại giao Nga đã phủ nhận những cáo buộc này và lên tiếng quan ngại về sự tuân thủ của Mỹ đối với thoả thuận. Ví dụ như hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41 có khả năng phóng các tên lửa hành trình tầm trung.

Những vấn đề đáng quan tâm khác bao gồm việc thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoặc tầm trung và sự sử dụng ngày càng nhiều các loại máy bay không người lái (UAV), vốn cũng có khả năng phóng được các tên lửa hành trình tầm trung.

Truyền thông Nga đã tự trấn an rằng việc Nga giận dữ trước sự kiện Mỹ kích hoạt lá chắn phòng thủ tên lửa tại Romania chỉ là về mặt ngoại giao và dựa vào năng lực lưới lửa phòng thủ nhiều tầng của mình, Moskva có thể bắn hạ bất cứ tên lửa nào của đối thủ đe dọa đến an ninh nước Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại