Ông Liên Bình Thái - quản lý kinh doanh tại siêu thị điện máy Chợ Lớn, TP HCM - lý giải người tiêu dùng thường xuyên có nhu cầu mua sắm mới, thay đổi, nâng cấp sản phẩm đồ điện gia dụng với những tính năng thông minh, tiết kiệm điện và tốt cho sức khỏe hơn. "Ngay trong giai đoạn xảy ra dịch COVID-19, các mặt hàng điện máy tiêu thụ chậm, còn sản phẩm điện gia dụng lại tiêu thụ khá tốt với sức mua tăng 30% - 50% so với trước đó" - ông Thái dẫn chứng.
Nhiều hệ thống siêu thị điện máy khác tại TP HCM cũng xác nhận các mặt hàng điện gia dụng thu hút nhiều người mua nhờ giá bán khá thấp, khách hàng không phải đắn đo quá nhiều khi "móc hầu bao". Một số sản phẩm như quạt để bàn có sạc tích điện với giá chỉ 69.000 đồng, bình đun nước siêu tốc giá 99.000 đồng, máy xay sinh tố hơn 170.000 đồng, máy vắt cam hơn 100.000 đồng, máy sấy tóc 120.000 đồng... được tiêu thụ khá tốt.
"Ưu điểm của các mặt hàng này là không bị lỗi "mốt", thậm chí nhiều mã hàng tồn tại hơn 10 năm mà vẫn được nhiều người chọn mua. Nhà sản xuất vì thế không phải chi số tiền lớn để đầu tư mẫu mới liên tục như các mặt hàng điện máy" - đại diện một hệ thống siêu thị điện máy cho biết.
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT Retail, đánh giá thị trường đồ điện gia dụng là thị trường lớn, mỗi năm FPT Shop đạt doanh thu hơn 400 tỉ đồng và sẽ còn phát triển trong những năm tới nhờ tốc độ đô thị hóa mạnh. Trong khi đó, ông Phạm Công Bằng, Giám đốc kinh doanh hãng điện tử Hisense, cho rằng các mặt hàng điện gia dụng ghi nhận sức mua tốt do người tiêu dùng ít kén chọn thương hiệu và sức cạnh tranh chưa cao bằng hàng điện máy.
Đáng chú ý, theo các nhà bán lẻ, tỉ suất lợi nhuận của sản phẩm điện gia dụng cao hơn hàng điện máy 5% - 10%. Nhiều sản phẩm đồ gia dụng có giá rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng, kéo theo lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp cũng cao. Trong khi đó, hàng hóa khá nhỏ gọn, không cần đầu tư kho bãi lớn để chứa hàng nhập bán, hàng tồn kho.
Theo ông Trần Ngọc Thiên, giám đốc một công ty ở TP HCM chuyên phân phối tivi đi các tỉnh, khoảng 5 năm trở lại đây, việc kinh doanh mặt hàng này rất khó khăn, thường xuyên bị lỗ, tồn kho cao. Từ đầu năm 2024, công ty đã chuyển hướng sang bán đồ điện gia dụng và nhanh chóng đạt doanh số như kỳ vọng.
"Ngành đồ điện gia dụng sắp tới sẽ đón "sóng" lớn với nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc đang được tập kết đến khu vực giáp ranh Việt Nam. Nhiều phiên livestream bán hàng đã được tổ chức. Do đó, các hệ thống bán lẻ trong nước phải có kế hoạch ứng phó nếu không muốn mất thị phần" - ông Thiên nhìn nhận.