Tại ngôi làng khoảng 3.000 người ở thành phố Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông, ông Wang Zhaosheng là 1 trong 6 công dân được xếp hạng 5 sao. Ông Wang giành được danh hiệu này sau khi trả lại một chiếc ví nhặt được. Vợ ông hết sức hãnh diện về danh hiệu này.
Ở bảng hiệu treo trong làng, tên của Wang cũng được vinh danh cùng 5 công dân "5 sao" khác. Mức đánh giá công dân này dựa theo hệ thống chấm điểm công dân được Trung Quốc đưa vào áp dụng thí điểm từ năm 2014.
Vinh Thành là 1 trong 40 địa phương được Trung Quốc chọn để thí điểm hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2020. Tuy nhiên, một dấu hỏi lớn đang được đặt ra là liệu hệ thống này có thực sự giúp Trung Quốc trở nên văn minh hơn hay sẽ khoét sâu vào tình trạng phân biệt xã hội .
Từ hỗn độn cho tới tinh tươm
Với ngôi làng của ông Wang, hệ thống tín dụng công dân bắt đầu được áp dụng từ năm 2015, cùng thời điểm người dân chuyển sang sống tại một khu phức hợp định cư mới của chính phủ.
Ông Wang được vinh danh là 1 trong 6 công dân "5 sao" trong làng. (Ảnh: CNA)
Các chức sắc trong làng tin rằng hệ thống chấm điểm là cần thiết để giữ cho ngôi làng của họ văn minh, tránh tình trạng xuống cấp trầm trọng do ý thức kém của người dân.
Đúng như kỳ vọng, ngôi làng đã khoác lên mình 1 bộ mặt mới. Đường làng, ngõ xóm luôn trong tình trạng sạch sẽ, tinh tươm, ngôi làng cũng được biểu dương là mô hình kiểu mẫu tại Sơn Đông trong 3 năm.
Ông Wang và tất cả người dân trong làng đều biết rằng mọi chuyển động, hành vi của mình đều bị theo dõi và tính điểm. Ban đầu, mỗi người sẽ có 1.000 điểm. Giúp đỡ người không phải là ruột già máu mủ trong hơn 6 tháng sẽ được cộng 5 điểm, bằng 1/4 số điểm bị trừ nếu gây mất trật tự trị an.
Nếu quyên góp 100 NDT (gần 350 nghìn đồng) sẽ được cộng 2 điểm trong khi xả rác hay vi phạm lệ làng sẽ bị trừ điểm nặng. Tất cả các hành vi của công dân sẽ được 6 người thu thập thông tin ghi lại và báo cáo cho một cán bộ đảng trong làng để phục vụ cho việc chấm điểm.
Giáo sư Qu Wei tới từ Đại học Thanh Hoa cho rằng: "Đây là một phương pháp cần thiết để điều chỉnh hành vi của công dân".
Vài thập kỷ trở lại đây, một loạt các hành vi vô ý thức của công dân Trung Quốc ở trong và ngoài nước đã làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của quốc gia này. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2018, 4/5 trong tổng số 2.200 công dân Trung Quốc được hỏi ủng hộ hệ thống chấm điểm xã hội với niềm tin rằng nó sẽ giúp nâng cao ý thức của người dân.
Vinh Thành được chính phủ Trung Quốc vinh danh là một trong số những nơi áp dụng tốt nhất hệ thống này. Những với nhiều người dân trong thành phố, đó thực sự là một cơn ác mộng.
Tại một ngôi làng khác cách làng của ông Wang 20 phút lái xe, hệ thống chấm điểm công dân cũng bắt đầu được áp dụng vào năm ngoái.
Tất cả mọi người, kể cả người già và trẻ nhỏ phải giành được ít nhất 2 điểm mỗi năm nếu không sẽ bị tước đi một số quyền lợi. Những người giám sát trong làng sẽ theo dõi mọi thứ hết sát sao, đặc biệt là vấn đề vệ sinh làng xóm, bởi nếu ngôi làng bị cấp trên đánh giá thấp, họ sẽ bị trừ thẳng vào tiền lương và mất đi cơ hội thăng tiến.
Ngôi làng thường xuyên tổ chức các đợt dọn dẹp để làm sạch đường làng ngõ xóm và nhiều người tận dụng đây như một cơ hội hiểm hoi để kiếm 2 điểm trong 8 giờ lao động.
"Gia đình tôi rẩt nhiều người. Ngay cả khi mệt mỏi rã rời, tôi vẫn phải làm, nếu không chúng tôi sẽ chẳng nhận được gì cả", Yu Shu Qing, 57 tuổi nói về lý do bà tình nguyện dọn dẹp đường phố để kiếm 2 điểm trong 8 giờ lao động. Gia đình bà Yu có 5 người và chồng bà bị hen suyễn mãn tính.
Tổng thu nhập của của gia đình bà Yu cộng lại chỉ rơi vào khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. Nếu điểm số của các thành viên trong gia đình quá thấp, họ sẽ bị cắt một số hỗ trợ của chính quyền.
"Với người bình thường, kiếm được điểm không dễ. Chúng tôi rất sợ các hình phạt. Ai lại không chứ", bà Yu chia sẻ.
Nhiều mặt trái
Ở nhiều ngôi làng khác, hệ thống chấm điểm công dân mới đang ở trong giai đoạn sơ khai. Nhưng trên khắp Trung Quốc, một công ty đã tạo ra một hệ thống chấm điểm với 500 triệu người dùng, hơn 1/3 dân số Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang vận hành hệ thống giám sát công dân dựa vào công nghệ nhận diện gương mặt và trí thông minh nhân tạo. (Ảnh: CNA)
Ant Financial, công ty quản lý dịch vụ thanh toán AliPay - 1 trong 5 nền tảng thanh toán trực tuyến và di động của bên thứ ba lớn nhất Trung Quốc là 1 trong 8 công ty được chính phủ Trung Quốc cấp phép phát triển hệ thống chấm điểm công dân của riêng họ. Người dùng của Ant Financial sẽ được đánh giá theo thang điểm từ 350 đến 950.
Nhờ vào trình độ học vấn, thói quen thanh toán, chi tiêu, sở thích cá nhân, Chloe Lei tới từ Hàng Châu được 805 điểm. Điểm số này giúp Lei nhận được một loạt đặc quyền như không phải đặt cọc khi thuê xe đạp, nhanh được thông qua các đơn xin visa, được ưu tiên thanh toán tại một số địa điểm công cộng như bệnh viện.
Giáo sư Dou Erxiang tới từ Đại học Bắc Kinh tin rằng thị trường tài chính Trung Quốc cần một hệ thống như vậy để theo dõi lịch sử tín dụng của người dùng.
"Tại Trung Quốc, mỗi ngân hàng giống như một hòn đảo bị cô lập. Mỗi một ngân hàng có các dữ liệu riêng mà không muốn chia sẻ. Vì vậy, những người vỡ nợ có thể chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác", ông Erxiang cho hay.
Mặc dù hệ thống của Ant Financial không phải là một phần của hệ thống mà chính phủ Trung Quốc đang triển khai, nhưng nó đã phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây và có những tác động nhất định đối với xã hội.
Hàng loạt các forum được lập ra để hỏi cách nâng điểm, nhiều người thậm chí còn đòi phí cho các lời khuyên mà mình đưa ra. Một người đàn ông khẳng định anh ta có thể giúp người hỏi tăng 30 điểm nhưng phí là 270 NDT (hơn 900 nghìn đồng).
Bên cạnh đó, những kẻ cho vay nặng lãi đang sử dụng hệ thống chấm điểm này để tìm kiếm con mồi, những người có điểm số thấp không thể chi trả cho các khoản nợ ngân hàng của họ.
Cùng với những bất cập đó, ông Qu Wei cho rằng hệ thống chấm điểm này có thể sẽ nới rộng phân chia xã hội vì những người thuộc tầng lớp tri thức thường dễ dàng kiếm điểm hơn nhờ các thói quen chi tiêu văn minh và trình độ bằng cấp.
Nạn nhân của danh sách đen
Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang trở thành "một đất nước với hai tầng lớp". Một danh sách đỏ những công dân đánh tín cậy và danh sách đen các công dân hạnh kiểm kém giờ đã có thể truy cập trực tuyến.
Với khoảng 14 triệu người nằm trong danh sách đen, cuộc sống của họ đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tao Mingjian là một trong số đó. Ông bị phá sản nhưng không hề hay biết mình bị liệt vào danh sách đen cho tới khi bị từ chối mua vé tàu điện nhanh. Tính đến cuối năm 2018, các công dân bị xếp loại hạnh kiểm yếu của Trung Quốc đã bị cấm lên 17.5 triệu chuyến bay và 5.5 triệu chuyển tàu nhanh
"Trước đây, đi máy bay và tàu điện nhanh rất thuận tiện. Nhưng giờ tôi chỉ có thể đi du lịch bằng ô tô. Các chi tiêu của tôi cũng bị hạn chế. Họ cắt tất cả các thẻ nên bạn không thể sử dụng chúng", ông Tao nói.
Việc bị liệt vào danh sách đen khiến ông gặp vô vàn khó khăn khi muốn bắt đầu kinh doanh lại. Con trai, con gái ông cũng không được nhập học vào các trường tốt.
Sự nghiệp của Liu Hu, một nhà báo của Trung Quốc cũng lao dốc trầm trọng sau khi anh bị liệt tên trong danh sách đen. Năm 2015, Liu chia sẻ một bài báo viết về các khuất tất trong thu nhập của một doanh nhân. Liu bị kiện vì tội phỉ báng và thua kiện.
"Sau khi trả tiền phạt, họ nói tôi không xin lỗi. Vì vậy, tôi bị liệt vào danh sách đen. Một lời xin lỗi có liên quan tới khả năng tài chính của tôi không", Liu tỏ ra bất bình.
Trung Quốc hiện vẫn chưa chính thức triển khai hệ thống tín dụng công dân nên chưa thể đánh giá được toàn bộ tác động của nó đến xã hội. Những tranh cãi về hệ thống này chắc chắn sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài, nhưng một thực tế không thể nhận rằng đây là "thử nghiệm kỹ thuật" lớn nhất mà thế giới từng có.