Thời gian gần đây, một số vụ việc về camera quay lén được phát hiện ở các khách sạn, nhà thuê, phòng Airbnb... cho khách du lịch đã bị phanh phui. Điều này chắc chắn gây không ít hoang mang cho nhiều người, đặc biệt là các tín đồ ưa xê dịch trong mùa hè 2019 sắp đổ bộ.
Chưa cần biết mình có nằm trong số nạn nhân tiềm tàng hay không, chỉ riêng ý nghĩ nghi ngờ quẩn quanh trong đầu thôi cũng đủ phá hỏng trải nghiệm hưởng thụ kỳ nghỉ mát rồi.
Một loại camera giấu kín tinh vi chỉ nhỏ bằng móng tay.
Tuy nhiên, tạm thời những lo lắng đó có thể được gạt đi đáng kể với 2 mẹo sau đây, thực hiện với một chiếc smartphone là quá đủ.
Dùng ứng dụng phát hiện camera khả nghi
Trong trường hợp chọn những căn hộ do chủ khác cho thuê (chẳng hạn như homestay, dịch vụ Airbnb), khả năng đen đủi làm nạn nhân sẽ cao hơn bình thường. Theo luật, chủ nhân căn nhà phải công khai các vị trí có gắn camera an ninh dù có bật hay không, nhưng đôi khi những kẻ xấu sẽ không làm vậy để rắp tâm quay lén khách ở phòng.
Thậm chí, các chiêu trò giấu trong kẽ hở, lỗ thông hơi, gầm tủ, hoặc camera ngụy trang thành USB, sạc dự phòng... cũng đã được lật tẩy trong các vụ gần đây.
Thông thường, camera sẽ thuộc loại kết nối không dây thông qua Wi-Fi, cũng là hình thức phổ biến nhất hiện nay để tiện lắp đặt linh hoạt. Khi đó, bạn có thể lợi dụng đặc điểm trên để phát hiện xem khu vực mình ở có chiếc camera nào hay không, bằng ứng dụng Fing.
Fing có mặt trên cả Android và iOS, là ứng dụng miễn phí, giúp phân tích hệ thống kết nối Internet trên thiết bị. Mọi thứ cần làm rất dễ dàng, chỉ cần tải ứng dụng về và khởi chạy, Fing sẽ tự động làm nhiệm vụ của nó mà chẳng nề hà nao núng.
Sau khi khởi động Fing, chỉ mất vài giây, một danh sách các thiết bị kết nối cùng Wi-Fi sẽ được liệt kê không trượt phát nào. Đó là lý do vì sao chúng ta không được dùng 3G mà phải kết nối với chính Wi-Fi của phòng ở, khi đó Fing mới dò tìm được những gì đang cùng liên kết với đường mạng này.
Trước và sau khi kết nối với Wi-Fi, các thiết bị có tên cùng đường mạng sẽ hiện tên ra.
Để chắc ăn rằng Fing không "lỡ" tìm ra một thiết bị khác của bạn (smartphone dự phòng hoặc máy nghe nhạc) cũng đang kết nối cùng Wi-Fi, hãy tạm thời tắt tất cả chúng đi, chỉ để lại chiếc smartphone chính duy nhất dùng để test với Fing. Như vậy, bạn sẽ dễ loại trừ chiếc smartphone đang dùng ra khỏi danh sách liệt kê và bắt đầu xem xét các thiết bị khác có khả nghi hay không.
Fing có chức năng hiển thị biểu tượng đại diện tương ứng với thiết bị. Nếu là camera, Fing sẽ tự động gán thêm hình ống kính đặc trưng rất dễ nhìn, hoặc có phần chữ "camera" hay tên hãng sản xuất hiện lên đại diện (bạn có thể kiên nhẫn search Google thêm để kiểm tra đó có phải hãng camera hay không).
Một trường hợp phát hiện có camera kết nối chung đường mạng.
Lấy độc trị độc: Dùng camera phát hiện camera
Nếu chủ nhà lắp các đường mạng Wi-Fi riêng và không thể đảm bảo mình dò tìm được các thiết bị kết nối theo cách 1, hãy áp dụng phương án thay thế sau đây, cũng dễ dàng, đơn giản mà hiệu quả không kém - chỉ có phần hơi cực nhọc hơn một chút...
Hiện nay, hầu hết các camera đều bật chế độ hồng ngoại thường trực để ghi hình được trong môi trường thiếu sáng, thậm chí tối gần như hoàn toàn. Các tia sóng hồng ngoại không thể bị nhận thấy bằng mắt thường, nhưng lại chỉ là chuyện nhỏ đối với một chiếc smartphone.
Camera của smartphone có thể nhận biết tia hồng ngoại khi bị chiếu thẳng vào cảm biến và ống kính. Một cách thử rất dễ vẫn được truyền miệng nhiều năm nay chính là bật app chụp an, sau đó dùng một chiếc điều khiển từ xa nào đó chĩa thẳng vào ống kính và bấm bừa một nút. Điều khiển từ xa sử dụng tia hồng ngoại để truyền phát dữ liệu, vì thế tại mắt thần của điều khiển sẽ xuất hiện một tia sáng mờ mờ màu hồng/tím/trắng trên giao diện camera chiếu vào.
Chỉ cần bật ứng dụng chụp ảnh thông thường rồi quét xung quanh.
Một số smartphone cao cấp được trang bị ống kính camera xịn hơn, lọc được tia hồng ngoại để cho ảnh nét và ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hầu như chỉ có camera sau mới được quan tâm như vậy, còn camera trước thì không. Ít nhất thì bạn có thể tự check tại nhà cho mọi trường hợp để xem smartphone của mình có nhìn được tia hồng ngoại hay không.
Một camera thông thường khi dùng app chụp ảnh của smartphone nhìn vào sẽ có ánh sáng hồng tím của hồng ngoại.
Kể cả trong bóng tối, tia hồng ngoại vẫn bị phát hiện và còn dễ nhận thấy hơn.
Trở lại bối cảnh tại phòng nghỉ du lịch, hãy tắt hết đèn đi trước khi kiểm tra xem có camera quay lén hay không. Sau đó, bật ứng dụng camera, rà quét qua mọi ngóc ngách và hướng nhín trong phòng. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu ánh đèn phát ra khả nghi nào trên camera mà mắt thường không nhìn thấy, hãy dừng lại xem xét kỹ lưỡng ngay lập tức để phát hiện mọi rủi ro bị quay lén.
Lời kết và những ngoại lệ
Những cách thức trên dù hữu dụng nhưng cũng chỉ nắm vai trò kiểm tra tạm thời, đôi khi vẫn chưa đủ để đối phó với những chiêu trò kín kẽ thực sự từ những kẻ xấu.
Lắp đường mạng khác cho camera ẩn, thay đổi thông tin kết nối để không thể dò ra bằng Fing, hoặc camera được giấu quá tinh vi và chuyên nghiệp - tất cả những điều đó đều rất khó để phát hiện ra bằng những kỹ năng trang bị tạm thời.
Tốt hơn hết, hãy luôn chọn mặt gửi vàng một cách khôn ngoan, tin tưởng các thương hiệu du lịch uy tín nếu có đủ điều kiện.