Khi Tổng thống Trump nổ phát súng khơi mào cuộc chiến thương mại vào tháng 7/2018, không nhiều người nghĩ rằng nó sẽ kéo dài và nghĩ đó có thể chỉ là đòn cảnh báo nhất thời từ Washington.
Nhưng hơn 14 tháng kể từ đó tới nay, những tranh chấp, bất đồng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa được giải quyết. 12 vòng đàm phán đi qua chỉ là điểm nhấn nhạt nhòa giữa một bức tranh ảm đạm với gam màu chủ đạo là các lần áp thuế chưa có dấu hiệu nương tay của Mỹ và những cú phản đòn từ Bắc Kinh.
Hồi đầu tháng 8, ông Trump tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Nửa tháng sau, dù ông tuyên bố trì hoãn lời đe dọa này, quan hệ Mỹ-Trung vẫn tràn ngập "mùi thuốc súng" thuế quan.
Ngay cả những người lạc quan nhất cũng tin rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giờ còn xa vời hơn cả chuyện sống trên sao Hỏa và những gì diễn ra trong hơn 1 năm qua chỉ là khúc dạo đầu cho nhiều thập kỷ u ám bị phủ bóng bởi cuộc chiến kéo dài.
Zhang Yansheng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc cho rằng trong vài năm tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục thăm dò các dự định chiến lược của nhau dẫn đến những dè chừng trên các bàn phán.
Zhang dự đoán giai đoạn khó khăn nhất sẽ là 2021-2025, thời điểm bùng nổ các xung đột liên quan tới kinh tế, thương mại, công nghệ và tài chính. Tới giai đoạn 2026 đến 2035, Trung Quốc và Mỹ hướng đến hợp tác thay vì "đối đầu phi lý trí" như hiện tại.
Nhiều nhà phân tích đồng quan điểm với Zhang. Theo chuyên gia phân tích David Lampton của Đại học Stanford, Washington và Bắc Kinh tin rằng cần rất nhiều thời gian để đàm phán và kể cả khi một thỏa thuận thương mại đạt được trong nhiều năm nữa, nó cũng khó có thể giải quyết được các cuộc xung đột lớn hơn.
Khi Trung Quốc đang ngày càng cho thấy tham vọng soán ngôi siêu cường của Mỹ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, họ xuất hiện đều đặn trong các cảnh báo được các quan chức, tướng lĩnh Mỹ đưa ra trong các cuộc điều trần trước Quốc hội, các hội nghị an ninh quốc tế.
Cụm từ "mối đe dọa hàng đầu" dường như trở thành cụm từ "cửa miệng" mà giới tinh hoa Mỹ ưa dùng mỗi khi đề cập tới sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đối đầu nhau trên đủ mọi mặt trận nhưng lại rất đồng lòng khi nhìn nhận mối đe dọa tới từ Trung Quốc. 4 trong tổng số 10 ứng viên tham gia cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng viên đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng năm tới đều đồng lòng chọn đất nước tỷ dân là mối đe dọa địa chính trị lớn nhất với xứ cờ hoa.
Theo ông Zhang, các cuộc đàm phán thương mại hiện nay giậm chận tại chỗ và thậm chí còn thụt lùi bởi mong muốn hiện tại của Mỹ là Trung Quốc trong ngắn hạn phải thay đổi về hành vi thương mại, thói quen ăn cắp trí tuệ và bí mật thương mại và dài hạn phải cải tổ cấu trúc và sửa đổi pháp lý.
"Nhưng không điều nào trong số những điều này có thể thực hiện trong ngắn hạn", ông Zhang cảnh báo. Trung Quốc với lòng tự tôn dân tộc đã được kiểm chứng khó lòng hạ mình thay đổi ngay tức thì cả một hệ thống từng giúp họ vươn tới vị thế như hiện nay. Và kể cả khi Bắc Kinh sẵn lòng vì không thể chịu nổi những cơn đau nhức nhối khi đối đầu với Mỹ, đó cũng không phải chuyện nay nói, mai thành mà có thể kéo dài trong hàng chục năm.
Mỹ đang dồn nén Trung Quốc, đó là điều ai cũng có thể nhận ra. Nhưng "tức nước thì vỡ bờ", người Trung Quốc chắc chắn sẽ không đứng nhìn khi họ bị ép vào chân tường. Không ai nhường ai, ép nhau qua lại sẽ dẫn tới những cuộc so găng kéo dài mà mỗi bên chỉ chăm chăm vào cái lợi cho mình. Quan chức Mỹ-Trung tới Thượng Hải hay Washington đàm phán nhưng mang theo tư tưởng không muốn và không chịu nhượng bộ. Những khác biệt không được giải quyết tích tụ dần chỉ kéo dãn thêm những bất đồng.
Mỹ tin rằng các đợt tăng thuế với Trung Quốc, các ngón đòn trừng phạt với các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei hay ZTE không sớm thì muộn sẽ quật ngã nền kinh tế thứ 2 thế giới. Họ tin rằng Bắc Kinh có thể cứng giọng trong thời gian đầu chứ không thể duy trì trong một cuộc chiến dài hơn và sớm bỏ cuộc. Họ hả hê khi kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong gần 3 thập kỷ khi GDP chỉ đạt 6,2% trong quý II/2019 và tin rằng các động thái cứng rắn của Tổng thống Trump là nhân tố kéo chỉ số tăng vù vù trong nhiều năm qua này tụt thê thảm.
Về phần mình, Trung Quốc lại coi Mỹ như một cường quốc đang suy yếu, dần đánh mất vị trí bá chủ thế giới. Những rắc rối của nền dân chủ Mỹ và tình trạng suy thoái kéo dài sau năm 2018 khiến nhiều người nuôi mộng soán ngôi vị số 1 ở đất nước bên kia bán cầu.
Mỗi bên đều theo đuổi tư tưởng của riêng mình khiến mọi cuộc đối đầu đều khó tìm ra đường hướng giải quyết.
Giới quan sát lo ngại thương chiến Mỹ-Trung có thể kéo dài hàng thập kỷ. (Ảnh: BBC)
Nhìn lại cuộc chiến thương mại trong hơn 1 năm qua, cả Trung Quốc và Mỹ nếu không sứt đầu thì cũng mẻ trán. Một thống kê gần đây cho thấy xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm 7% trong 5 tháng đầu năm, con số đáng buồn nếu nhìn vào mức tăng trưởng 2 con số trước khi Washington áp đặt các mức thuế quan.
Hàng loạt các công ty nước ngoài nối đuôi nhau chuyển dây chuyền sang nước ngoài vì tin rằng quá nhiều rủi ro nếu ở lại khi Mỹ-Trung còn cách quá xa một thỏa thuận. Cơn lốc này cũng kéo luôn theo các công ty Trung Quốc từng cố bám trụ tại quê nhà nhưng buộc phải chuyển mình vì lo sợ các rủi ro nếu không "thoát xác".
Để khiến Trung Quốc lao đao như vậy, Mỹ cũng phải cắt da cắt thịt chính mình. Theo các số liệu thống kê, xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc giảm 38% sau 3 vòng đánh thuế. Washington cũng đánh mất thị phần tại thị trường sôi động nhất thế giới vào tay các nước châu Á.
Nhiều nông dân Mỹ đe dọa sẽ ngừng bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, người biến họ trở thành nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi Trung Quốc cắt giảm mua nông sản Mỹ để đáp trả đòn đánh thuế từ Washington.
"Sẽ có chút đau đớn trong một lúc ban đầu. Nhưng những người bạn nông dân của tôi, những người yêu nước, về dài hạn thì cuối cùng các bạn sẽ có cuộc sống tốt hơn nhiều", ông Trump phát biểu trước cử tri tại Michigan vào tháng 4/2019. Tuy nhiên, không nhiều người chịu nổi khoảng thời gian nếm mật nằm gai này trước khi hái quả ngọt như nhà lãnh đạo Mỹ hứa hẹn.
Nhiều hiệp hội đại diện cho người tiêu dùng Mỹ cũng than trời khi các hộ gia đình Mỹ phải chịu trận bởi hàng loạt các mặt hàng tăng giá vùn vụt.
Theo lý thuyết, khi một cuộc chiến thương mại nổ ra, nước nhập khẩu ít hơn sẽ thiệt hại ít hơn. Đó là nguyên nhân khi Mỹ-Trung dắt nhau vào cuộc chiến, đồng USD lên tục tăng giá nhẹ trong khi đồng Nhân dân tệ lại mất giá.
Trung Quốc cũng thiệt đủ đường khi họ xuất siêu và bản thân họ cũng không muốn leo thang cuộc chiến với Mỹ bởi kim ngạch thương mại 2 bên đang có lợi cho Bắc Kinh và Washington vẫn được đánh giá là cửa trên.
Rõ ràng, khi nhìn vào bộ phim dài tập kéo dài hơn 1 năm qua, Mỹ-Trung dù cùng diễn vai chính nhưng Mỹ dường như vẫn là bên dẫn dắt mạch phim khi chủ động tung ra động thái và Trung Quốc chỉ biết dõi theo và đáp trả.
Ông Stephen Olson, chuyên gia tới từ Quỹ Hinric nhận định Trung Quốc khó lòng đấu lại Mỹ trong cuộc chiến thuế quan, nhưng nước này có nhiều cách để vùng lên. Với vị thế là trung tâm sản xuất của thế giới, Bắc Kinh hoàn toàn có thể làm gián đoạn tới các doanh nghiệp Mỹ khi họ chưa kịp di dời dây chuyền sản xuất.
Một quan chức giấu tên tại Bắc Kinh tin rằng cuộc chiến hiện nay là một cuộc chiến đọ về độ bền và bên chiến thắng sẽ là bên có sức chịu đựng dẻo dai hơn.
Nhưng dù Mỹ hay Trung Quốc chiến thắng, trước khi cuộc đấu đó tiến đến kết cục cuối cùng, nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ với nguy cơ suy thoái luôn cận kề.
Với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại đang khiến tham vọng gia nhập hàng ngũ các quốc gia sáng tạo nhất thế giới năm 2035, vốn được xem là bước đệm trong tham vọng biến Trung Quốc trở thành siêu cường vào năm 2050 của Chủ tịch Tập Cận Bình đang ngày càng trở nên xa vời.
Với Mỹ, việc phải đối phó với Trung Quốc khi đang dàn mình đối đầu trong thương mại với Mexico, Canada sẽ khiến Washington phải chật vật trong nỗ lực giữ vững vị thể siêu cường và nhà lãnh đạo thế giới.