Từ đòn tập kích của Mỹ-Anh-Pháp tới Israel...
Rạng sáng ngày 14/04/2018 đã đi vào lịch sử chiến tranh hiện đại trên thế giới khi liên quân Mỹ-Anh-Pháp đồng loạt phóng hơn 100 quả tên lửa hành trình tối tân trong đòn tập kích đường không tấn công các mục tiêu ở Syria.
Theo đó, vào lúc 21h ngày 13/04/2018 (giờ Washington), từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã ra lệnh tấn công các mục tiêu được cho là có liên quan đến năng lực vũ khí hoá học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Lúc này tại Syria (giờ địa phương) đã là rạng sáng 14/4, nhiều tiếng nổ đã bắt đầu vang lên ở thủ đô Damascus. Chiến dịch của Mỹ phối hợp với hai đồng minh Anh và Pháp, nhằm vào ba mục tiêu được cho là cơ sở vũ khí hoá học của chính quyền Syria ở Damascus và Homs.
Ngay sau khi cuộc không kích Syria của Mỹ-Anh-Pháp kết thúc, trong ngày 14/4, Lầu Năm Góc cho biết chiến dịch quân sự chung này đã "đánh trúng mọi mục tiêu".
Theo hãng tin AFP, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White nêu rõ: "Chúng tôi đã đánh trúng mọi mục tiêu".
Cũng tại cuộc họp báo, Trung tướng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Kenneth McKenzie mô tả chiến dịch tấn công của Mỹ, Anh và Pháp với hơn 110 quả tên lửa được phóng đi nhằm vào 3 mục tiêu thuộc cơ sở hạ tầng vũ khí hóa học của Syria là "chính xác và hiệu quả".
Ông khẳng định "không có máy bay hay tên lửa nào trong chiến dịch này bị phòng không Syria đánh chặn thành công".
Một trong những mục tiêu ở Syria của đợt tập kích bằng tên lửa do Mỹ-Anh-Pháp tiến hành tháng 4/2018.
Tuy nhiên, báo cáo ban đầu của quân đội Nga cho biết các đơn vị phòng không Syria đã đánh chặn thành công 71 trong tổng số 103 tên lửa của Mỹ và đồng minh Anh, Pháp trong cuộc tấn công tại Syria.
Quân đội Syria thì cho hay gần 110 tên lửa đã được lực lượng Mỹ, Anh và Pháp bắn đi nhằm vào các mục tiêu ở thủ đô Damascus và những vùng lãnh thổ khác của Syria, song các hệ thống phòng không của quân đội nước này đã đánh chặn phần lớn số tên lửa này.
Sau đòn tập kích tên lửa của liên quân Mỹ-Anh-Pháp gần 3 năm, cuối tháng 2/2021, Israel phát động một đợt tấn công quy mô lớn tấn công thủ đô Syria và sân bay quốc tế Damascus, với tổng cộng 12 quả tên lửa hành trình Delilah đã được phóng đi từ 4 máy bay tiêm kích F-16 Fighting Falcon của Không quân Israel.
Các nguồn tin quân sự Syria khẳng định toàn bộ các tên lửa hành trình tối tân nói trên của Israel đều đã bị phòng không của nước này đánh chặn thành công.
Cũng trong tháng 7/2021, vào ngày 22, phòng không Syria cũng khai hỏa đánh chặn thành công cả 4/4 quả tên lửa do các máy bay chiến đấu của Israel bắn sang tỉnh Homs.
Theo đài RT, vào khoảng 1 giờ 11 sáng 22-7, hai tiêm kích F-16 của Israel đã phóng tên lửa dẫn đường từ không phận Lebanon sang tỉnh Homs của Syria.
"Tất cả bốn tên lửa bị đơn vị phòng không Syria phá hủy" – Trung tâm Hòa giải Syria của Nga cho biết trong một tuyên bố.
Đây là trận không kích thứ hai mà Israel tiến hành chống lại Syria chỉ trong vòng một tuần. Trước đó, vào hôm 20/07/2021, bốn tiêm kích Israel đã phóng 8 tên lửa vào tỉnh Aleppo của Syria, tấn công một cơ sở nghiên cứu khoa học ở thị trấn Safira.
Trong trận này, 7 trong số 8 tên lửa Israel đã bị phòng không Syria bắn hạ, Chuẩn Đô đốc Vadim Kulit, người đứng đầu Trung tâm Hòa giải Syria của Nga cho biết.
Tên lửa phòng không Syria khai hỏa đánh chặn mục tiêu trên không.
Hé lộ thứ vũ khí hiệu quả giúp Syria bẻ gãy các đợt không kích
Thông báo của quân đội Nga hôm 17/04/2018 đã cung cấp tương đối đầy đủ diễn biến toàn cảnh chiến sự và thông tin về các hệ thống phòng không mà quân đội Syria đã sử dụng để đánh chặn tên lửa liên quân, cũng như về hiệu quả tác chiến của chúng.
Báo cáo của Nga cho hay, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã phóng tổng cộng 103 tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu ở Syria.
Để bảo vệ mình, lực lượng phòng không Syria đã huy động một loạt hệ thống phòng không như Pantsir-S1, Buk-M2, Kub, Strela-10, Osa, S-125 và S-200. Trong hơn 1 giờ đối đầu nảy lửa, đã phóng 117 tên lửa đất đối không (SAM), tạo thành một lưới lửa phòng không hiệu quả.
Cụ thể, Syria phóng 25 tên lửa Pantsir-S1, 23 quả trúng mục tiêu; Syria bắn 29 tên lửa Buk-M2, bắn hạ 24 mục tiêu; 21 tên lửa Kub, 11 quả trúng mục tiêu; Syria bắn 5 quả tên lửa Strela, 3 quả trúng đích; 11 tên lửa Osa, 5 quả trúng mục tiêu; 8 quả tên lửa S-200, song không (0) quả nào trúng đích.
Như vậy, theo báo cáo trên, phòng không Syria đã bắn tổng cộng 117 quả đạn tên lửa các loại và diệt được 48 tên lửa liên quân Mỹ-Pháp-Anh, con số này thấp hơn khá nhiều so với 71 tên lửa bị bắn hạ theo báo cáo sơ bộ đưa ra trước đó.
Có thể thấy, xác suất bắn trúng đích của các tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 của Syria cao nhất, đúng với cái gọi là "sát thủ Tomahawk" mà đa phần các chuyên gia quân sự đánh giá.
Tương tự, trong cuộc tấn công của Israel nhằm vào thủ đô của Syria và sân bay quốc tế Damascus vào cuối tháng 2/2021, các tổ hợp Buk-M2E Syria được triển khai ở khu vực này đã xuất sắc đẩy lùi cuộc tấn công của quân đội Israel (IDF), đánh chặn tất cả 12/12 tên lửa hành trình Delilah tối tân.
Xe bệ phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 trên khung gầm xe bánh lốp.
Sau trận đánh này, một nguồn tin quân sự Syria cho biết việc đánh chặn vô cùng khó khăn do địa hình. Cụ thể:
"Các máy bay F-16 của Không quân Israel lợi dụng địa hình, bay cực thấp, sử dụng các ngọn núi ở Cao nguyên Golan để ẩn nấp, xuất hiện gần như chỉ trong một đêm. Họ đã bắn 12 tên lửa hành trình. Lực lượng phòng không chỉ có vài giây để phản ứng, nhưng các đơn vị phòng không Buk-M2 và Pantsir-S1 Syria đã khai hỏa đánh chặn thành công toàn bộ tên lửa Israel".
Cần lưu ý rằng, qua thực chiến, các tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2E đã được chứng minh được hiệu suất hoàn hảo ở Syria, đặc biệt, chính các hệ thống phòng không này bắn hạ số lượng lớn nhất các tên lửa và máy bay không người lái của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, trong cuộc không kích cuối cùng của Israel, hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E cũng đã tham gia đẩy lùi các cuộc tấn công - sau đó 3 trong số 4 tên lửa do phía Israel bắn ra đã bị đánh chặn thành công.
Như vậy có thể khẳng định tên lửa phòng không Buk-M2 chính là loại vũ khí "sát thủ của tên lửa hành trình".
Theo trang tin quân sự tổng hợp hàng đầu thế giới Top War, Buk-M2 có những đặc tính kỹ chiến thuật vượt trội như sau:
Vùng tiêu diệt mục tiêu trên không: Tầm xa: 3 km - 45 km; Tầm cao: 15 m - 25 km.
Cự ly đánh chặn các mục tiêu: Máy bay thông thường, tới 45km; tên lửa đạn đạo chiến thuật, tới 20km; tên lửa hành trình bay ở độ cao 100m, tới 20km.
Số lượng mục tiêu có thể tiêu diệt đồng thời: 24.
Tốc độ tối đa của mục tiêu có thể tiêu diệt: Bay vào: 1100 m/s; Bay ra: 300-400 m/s.
Xác suất tiêu diệt mục tiêu bằng 1 tên lửa:
Đối với mục tiêu là máy bay các loại: 0,9 - 0,95;
Đối với mục tiêu là tên lửa đạn đạo chiến thuật: 0,6 - 0,7.
Cơ số tên lửa cho 1 lần phóng (trên 1 xe phóng): 4.
Thời gian phản ứng (phóng tên lửa sau khi phát hiện mục tiêu): 10 s.
Giãn cách phóng đạn: 4 s.
Thời gian triển khai và thu hồi: 5 phút.
Liên quân Mỹ-Anh-Pháp tấn công Syria tháng 4/2018