Hàng chục container vận chuyển đang nằm khuất sau sườn đồi phía nam Thimphu, thủ đô Bhutan - một trong những vương quốc biệt lập nhất thế giới. Tại đây, những chiếc máy đào Bitcoin trị giá hàng triệu USD đang hoạt động không ngừng nghỉ để tích lũy đồng tiền ảo với sức mê hoặc thần kỳ. Dưới sự trị vì của Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, Bhutan âm thầm dành đất đai, nguồn vốn dồi dào và năng lượng cho các hoạt động khai thác như thế - thứ mà họ kỳ vọng sẽ có thể giúp đất nước tránh được các cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra.
Bhutan chưa bao giờ tiết lộ vị trí máy đào Bitcoin. Chính phủ cũng chỉ mới bắt đầu tiết lộ các khoản đầu tư tài sản số sau khi Forbes công bố danh mục đầu tư trị giá hàng triệu USD của Bhutan đầu năm nay.
Hiện tại, Forbes đã xác định được các địa điểm được cho là 4 mỏ đào do vương quốc Bhutan điều hành thông qua hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs, Satellite Vu và Google Earth. Hệ thống làm mát trung tâm dữ liệu, đường dây điện và máy biến áp công suất cao chạy từ các nhà máy thủy điện của Bhutan đến từng mỏ đào để khai thác tiền số.
Mỏ đầu tiên được xây dựng gần Đèo Dochula - vùng đất mang ý nghĩa văn hóa-chính trị với 108 ngôi đền tưởng niệm lính Bhutan quả cảm. Hình ảnh vệ tinh của Planet Labs và Google Earth cho thấy rằng hoạt động xây dựng đã bắt đầu vào năm 2020 và hoàn thành vào cuối năm 2022. Mọi thứ đều bị rừng xanh rậm rạp bao quanh.
Mỏ thứ hai nằm gần Trongsa - một thị trấn phía đông Thimphu. Mỏ thứ ba nằm ở quận Dagana, trong khi mỏ thứ tư thuộc siêu dự án gây tranh cãi ‘Education City’ trị giá 1 tỷ USD của chính phủ. Hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng bắt đầu vào khoảng tháng 12/2021.
Khu vực đào Bitcoin
‘Education City’ từng được coi là giải pháp của Bhutan nhằm đảm bảo tương lai người dân trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp và chảy máu chất xám gia tăng. Khoảng 1,5% dân số Bhutan đã di cư sang Australia vào năm ngoái để tìm kiếm cơ hội việc làm.
‘Education City’ lẽ ra phải thay đổi được điều đó. Năm 2009, Bhutan chi cho công ty tư vấn McKinsey & Co. khoảng 9 triệu USD để thiết kế một trung tâm đẳng cấp thế giới về y tế, giáo dục, tài chính, dịch vụ CNTT trị giá 1 tỷ USD. Ẩn mình giữa ngã ba sông, khuôn viên rộng 1.000 mẫu Anh này được kỳ vọng sẽ trở thành ngọn hải đăng cho mô hình kinh tế Hạnh Phúc, xanh và bền vững.
Tuy nhiên, dự án thất bại, phần lớn bởi các vụ bê bối chính trị, quản lý yếu kém và vô số chậm trễ. Những gì còn sót lại, bao gồm cầu đường, nguồn cung nước và hệ thống mạng lưới điện, sau này được dùng để xây dựng mỏ đào Bitcoin.
“Các địa điểm được lựa chọn dựa trên hoạt động nguồn điện cũng như nhiều yếu tố khác”, công ty đầu tư Druk Holdings & Investment (DHI) tiết lộ song không nhắc tới các chi tiết nhạy cảm về mặt thương mại.
Bhutan từ lâu đã phát triển dựa vào du lịch và thủy điện xuất khẩu sang Ấn Độ. Tuy nhiên, đại dịch khiến vương quốc này phải điều chỉnh lộ trình. Theo nhiều nguồn tin, quan chức đã bắt đầu đàm phán với các nhà cung cấp và khai thác Bitcoin vào khoảng năm 2020.
Hình ảnh vệ tinh một 'mỏ' đào Bitcoin
Chính phủ Bhutan và DHI không chính thức tiết lộ sự tồn tại của các mỏ đào. Trong email gửi tới Forbes, DHI liên tục từ chối bình luận về phạm vi hoặc nguồn tài chính phục vụ công cuộc đào tiền số. Công ty cũng không cung cấp bất kỳ bản phân tích doanh thu hoặc đầu tư nào có liên quan.
Dữ liệu cho thấy hơn 220 triệu USD chip dùng để khai thác Bitcoin đã được chuyển từ Trung Quốc đến Bhutan trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022. Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Bhutan, mức sử dụng điện của ngành công nghiệp tăng đột biến 63% vào năm 2022. Bhutan, quốc gia nhiều năm bán năng lượng dư thừa cho Ấn Độ, cũng đồng thời tăng cường nhập khẩu ồ ạt, mua lượng điện trị giá 20,7 triệu USD vào năm 2023.
Bốn mỏ đào Bitcoin tờ Forbes xác định được có thể không phải nơi khai thác lớn nhất. Vào năm 2022, quốc gia này ký kết hợp tác với gã khổng lồ khai thác Bitcoin của Singapore, Bitdeer. Vào tháng 3, Bitdeer động thổ một mỏ ở thị trấn Gedu phía nam, theo hình ảnh vệ tinh Planet Labs. DHI, công ty sở hữu công ty điện lực quốc gia Bhutan, sẽ cung cấp điện cho khu vực này.
“Không có gì ngạc nhiên khi các tổ chức khai thác Bitcoin ở Bhutan”, Jaran Mellerud, nhà phân tích của Luxor nói, đồng thời cho biết vương quốc này có công suất thủy điện khổng lồ. “Thủy điện giá rẻ chắc chắn sẽ thu hút các thợ đào”.
Hình ảnh vệ tinh một 'mỏ' đào Bitcoin
Theo Forbes, đại dịch là một trong số những nguyên nhân khiến Bhutan bắt đầu đàm phán với một số công ty khai thác Bitcoin và nhà cung cấp dịch vụ khai thác sau khi ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề do COVID-19. Tuy nhiên, hệ lụy từ sau cú sụp đổ của sàn giao dịch FTX đã khiến nhiều nhà đầu tư không còn nhiều hứng thú.
Hơn nữa, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về sự phù hợp của Bhutan đối với các hoạt động khai thác quy mô lớn. Đất nước này xuất khẩu khoảng 75% lượng điện sang Ấn Độ hàng năm, song việc các dòng sông cạn kiệt vào mùa khô đã khiến Bhutan buộc phải nhập khẩu ngược trở lại từ nước láng giềng.
Theo Alex de Vries, chuyên gia nghiên cứu kinh tế tại Vrije Universiteit Amsterdam, trong những khoảng thời gian đó, những người khai thác sẽ mất một khoản tiền đáng kể . “Nếu đóng cửa trong thời gian dài, bạn sẽ khó có thể thu hồi vốn đầu tư của mình”, ông nhận định.
Ngoài Bitcoin, du lịch là một trong những nguồn thu quan trọng của Bhutan. Trước đại dịch, nó đã mang lại gần 84 triệu USD mỗi năm và 50.000 việc làm cho người dân nước này, theo CNN.
Theo: Forbes, CNN