Hôm thứ Ba tuần trước, lực lượng chống khủng bố của Nga đã đánh lui một cuộc tấn công phá hoại giả định dưới nước tại căn cứ quân sự ở hồ Issyk-Kul.
Song, đối với lực lượng chống khủng bố này thì việc bảo vệ các căn cứ ven biển cũng như tàu thuyền khỏi những cuộc tấn công từ dưới nước chỉ là nhiệm vụ phụ, bởi trong biên chế của Hải quân Nga đã có hẳn một lực lượng riêng để phục vụ cho mục đích đó.
Họ là người nhái đặc nhiệm chuyên đối phó với kẻ địch đột nhập và các phương tiện phá hoại dưới nước (OSNB PDSS), hay còn được biết tới với tên gọi "người nhái chiến đấu".
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu đôi chút về công việc của họ xem những người lính này có gì trong trang bị, họ phải đối mặt với những hiểm nguy gì dưới làn nước sâu...
Những chiến sỹ trên mặt trận vô hình
Phần lớn thời gian, lực lượng OSNB PDSS thực hiện nhiệm vụ tuần tra - tập trung vào tìm kiếm và vô hiệu hóa thợ lặn đột nhập của đối phương. Đây là sự khác biệt chính của họ so với lực lượng đặc nhiệm của Hải quân – vốn được đào tạo để đột nhập vào hậu phương của kẻ thù.
Mặc dù hai lực lượng này có mục đích trái ngược nhau nhưng trong một số trường hợp thực chiến thì họ có thể phối hợp cùng nhau hành động.
Hoạt động của các đơn vị chống địch đột nhập này bí mật đến nỗi ngay cả những cựu chiến binh đã nghỉ hưu từ lâu cũng từ chối tiết lộ thông tin về cuộc đời quân ngũ của mình.
Hãng tin RIA Novosti của Nga gần đây đã có buổi trò chuyện ngắn với một sỹ quan - thợ lặn đảm nhiệm điều phối công việc của người nhái chiến đấu từ trụ sở chính của Hải quân Nga. Người này xin giấu tên và tiết lộ rằng một trong những điều khó chịu nhất đối với ông là khi phải chui ra khỏi tàu ngầm.
Với những người sợ không gian chật hẹp thì việc chui vào ống phóng ngư lôi thế này quả thật là cực hình (Ảnh minh họa: Alexei Pelevin's blog)
"Không gian trong ống phóng lôi đủ cho ba thợ lặn với trang bị đầy đủ. Sau khi chúng tôi chui vào bên trong, nắp sau được đóng lại rồi nắp trước mở ra và nước biển tràn vào cùng tiếng động lớn. Cảm giác này thực sự rất khó để diễn tả bằng lời. Về tâm lý mà nói thì không dễ mà chịu được..." - người này nói.
Ảnh: Sputnik
Viên sỹ quan nhấn mạnh rằng công việc của thợ lặn chiến đấu rất nhiều, chẳng hạn như rà mìn, tìm kiếm các vật giấu dưới nước hoặc ký hiệu do kẻ địch để lại ở tầng đáy. Họ thường xuyên phải kiểm tra bằng tay từng bụi cây, từng hòn đá trên khoảng rộng.
Thợ lặn làm việc theo ca và lịch trình phụ thuộc vào áp lực quân sự cũng như tình hình hoạt động của từng căn cứ quân sự cụ thể. Có những thời điểm căng thẳng mà trong vài tuần luôn luôn có người phải túc trực dưới nước.
Ảnh: russiadefence.net
Mọi căn cứ lớn của hải quân Nga đều có đội "tuần cảnh ngầm", kể cả những căn cứ ở bên ngoài nước Nga, điển hình là căn cứ quân sự của Nga tại Tartus ở Syria do lực lượng người nhái của Hạm đội Biển Đen bảo vệ.
Nhiệm vụ của họ là chống phá hoại, chống mìn cho tàu thuyền cũng như kiểm soát các khu vực ven biển gần căn cứ có khả năng phù hợp cho khủng bố đổ bộ. Mỗi nhóm người nhái chiến đấu thường có chỉ huy, giảng viên-thợ lặn cao cấp, thợ lặn trinh sát, thợ lặn gỡ mìn và một kỹ thuật viên radio.
Công tác đào tạo chiến đấu cho các thợ lặn được tổ chức thường xuyên tại Gadzhiyevo - căn cứ chính của lực lượng dưới nước thuộc Hạm đội Biển Bắc. Các thợ lặn chiến đấu có nhiệm vụ kiểm tra những dấu hiệu gài mìn giả định trên tàu ngầm hạt nhân và các bến bãi. Những bài huấn luyện tương tự cũng diễn ra ở các hạm đội Thái Bình Dương, Baltic, Biển Đen và Caspi.
Lực lượng dưới nước của Hạm đội Biển Bắc huấn luyện phòng ngự
Bên cạnh đó, lực lượng người nhái còn có thể tham gia bảo vệ biên giới quốc gia dưới nước hay rà mìn trong các khu vực nước nông - nơi không thể sử dụng tàu quét mìn. Trong trường hợp những kẻ khủng bố cướp tàu thì người nhái chiến đấu có nhiệm vụ thâm nhập lên tàu, vô hiệu hóa kẻ địch và giải phóng con tin.
Công việc không dành cho người yếu tim
Ảnh: Sputnik
Có một điều chắc chắn là không phải ai cũng có thể trở thành thợ lặn chiến đấu. Để được phục vụ trong OSNB PDSS, các ứng viên phải trải qua một quy trình tuyển chọn cực kỳ nghiêm ngặt.
Điều kiện chính đương nhiên phải là thân hình khỏe mạnh, có thần kinh vững vàng và khả năng giữ bình tĩnh trong những tình huống khắc nghiệt.
Ngoài ra ứng viên cũng cần phải chịu được chênh lệch áp suất khi lặn tới độ sâu lớn. Những người mắc chứng sợ bóng tối, sợ cô đơn hay sợ không gian khép kín sẽ bị loại "ngay từ vòng gửi xe".
Khi đã vượt qua được vòng tuyển chọn, các học viên sẽ phải đối mặt với chương trình đào tạo còn khó khăn hơn nhiều. Trong số các môn học có lặn biển, đổ bộ đường không, bản đồ địa hình và hàng hải, huấn luyện thể lực, vật liệu nổ, kỹ thuật chiến đấu tay không, kỹ năng sinh tồn và điện tín - radio.
Huấn luyện thể lực bao gồm các bài tập tăng sức chịu đựng và khả năng chịu thiếu oxy. Tất cả các thợ lặn phải có khả năng định hướng chính xác khi lặn sâu dưới nước.
(Còn nữa)