Chương trình Lend-Lease
Ngày 11/3/1941, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ký phê duyệt Chương trình Lend-Lease, một chương trình nhằm hỗ trợ về ngân sách và vật tư cho các đồng minh trong chiến tranh. Nhà lãnh đạo Mỹ muốn đứng ngoài thế chiến thứ II, nhưng không muốn đồng minh thua cuộc.
Washington dựa trên lập luận rằng, nếu một nước láng giềng thành công trong việc tự bảo vệ, thì an ninh quốc gia của chính mình cũng sẽ được tăng cường. Sau khi giúp Anh củng cố sức mạnh trong cuộc chiến chống lại Hitler, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoản vay 1 tỷ USD cho Liên Xô.
Về sau này, các sử gia phương Tây đã đề cao chương trình Lend-Lease, cho rằng nhờ vào sự giúp đỡ của Mỹ mà Liên Xô mới có thể thay đổi cục diện chiến trường. Tuy nhiên, các ý kiến khác cho rằng, Liên Xô sẽ vẫn thắng dù cho không có Lend-Lease.
Dù thế nào, những vũ khí mà Mỹ và Anh mang lại đã giúp đỡ về nhiều mặt cho Liên Xô trong cuộc chiến chống phát xít. Đặc biệt hơn, nhiều thiết bị quân sự không được ưa chuộng ở phương Tây nhưng lại rất phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cuộc chiến lúc đó.
Xe tải Studebaker US6
"Nếu không nhờ những chiếc Studebaker của người Mỹ, chúng tôi sẽ không thể vận chuyển được pháo của mình. Nói chung, xe tải của Mỹ là phương tiện chủ yếu thực hiện các hoạt động vận tải tiền tuyến của chúng tôi", Thống chế Georgy Zhukov kể lại trong một cuộc phỏng vấn.
Theo RBTH, 150.000 xe tải được chuyển đến Liên Xô theo chương trình viện trợ Lend-Lease của Mỹ đã trở thành "ngựa thồ" thực sự đối với Hồng quân.
Liên Xô đã mất một số lượng lớn xe tải trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, trong khi tiến độ sản xuất xe tải mới quá chậm. Chính vì vậy, những chiếc Studebaker đã đến vào thời điểm không thể nào thích hợp hơn.
Chúng không chỉ được sử dụng làm phương tiện kéo, xe vận tải mà còn mang các bệ phóng pháo phản lực Katyusha danh tiếng.
Mặc dù không quá phổ biến ở Mỹ, xe tải US6 được yêu thích ở Liên Xô vì cabin rộng rãi, động cơ mạnh mẽ, bám đường và hiệu suất đường dài cao. Nhiều thiết kế xe sau chiến tranh của Liên Xô cũng được dựa trên khuôn mẫu của Studebaker.
Xe tăng M4A2 Sherman
"Vào năm 1944, chúng tôi bắt đầu nhận xe tăng Sherman của Mỹ. Theo tôi, đó là xe tăng tốt nhất của Mỹ từng phục vụ trong chiến tranh. Nó có động cơ tốt, giáp chắc chắn và vũ khí hiệu quả", Pyotr Kurevin, tham mưu trưởng của một trong những tiểu đoàn xe tăng thuộc Lữ đoàn xe tăng cận vệ 50, nhớ lại.
Được trang bị pháo 75mm và súng máy phòng không Browning (rất hiếm thấy trên xe tăng Liên Xô), tăng Sherman nhanh và cơ động, nhưng cũng có nhược điểm. Chiều cao của xe tăng khiến nó trở thành mục tiêu ưa thích trên chiến trường, phần giáp của nó dễ bị hư hại hơn so với các mẫu tăng khác của Mỹ và Liên Xô.
Hơn 4.000 xe tăng M4A2 đã được chuyển đến Liên Xô và chinh chiến cùng Hồng quân. Trong khi quân đội Mỹ chưa thể đặt chân đến thủ đô của Đệ Tam Đế chế, xe tăng của họ đã làm được điều đó. Chỉ riêng Quân đoàn xe tăng cận vệ số 2 Liên Xô đã mất 209 xe tăng Sherman trong cuộc chiến ở Berlin.
Chiến đấu cơ Hawker Hurricane
Những chiếc Hurricane - "Cuồng phong" lần đầu tiên xuất hiện ở Liên Xô trong những tháng đầu của cuộc chiến và chúng cũng đến vào thời điểm cần thiết nhất. Do những tổn thất nặng nề, không quân Liên Xô cần được bổ sung máy bay khẩn cấp.
Chiến đấu cơ của Anh đặc biệt hữu ích, khi cung cấp yểm trợ cho các đoàn xe Bắc Cực của quân Đồng minh, cũng như trong quá trình bảo vệ Moscow.
Hơn 3.000 chiếc Hurricane đã đến nước này, tuy nhiên chúng không khơi dậy được sự hứng thú của các phi công Liên Xô ở giai đoạn sau của cuộc chiến. Đến cuối năm 1941, năng lực chiến đấu của chúng tỏ ra kém hơn hẳn so với phiên bản tiêm kích mới nhất của Đức - Messerschmitt Bf 109.
"Chúng tôi đã được tặng Hurricane, nhưng chúng có vẻ giống đống sắt vụn hơn là máy bay", Vitaly Klimenko, trung úy cấp cao của Trung đoàn Hàng không Chiến đấu Cận vệ số 1, mô tả.
"Máy bay chiến đấu MiG có thể ù lì khi gần mặt đất, nhưng ở độ cao lớn, nó là vua. Ngược lại, Hurricane lại không có tốc độ cũng như khả năng cơ động.
Cấu trúc cánh và ghế ngồi không phù hợp. Sáu súng máy được trang bị nghe có vẻ như mang hỏa lực tốt nhưng lượng tải đạn rất ít. Động cơ Merlin XX của nó hoàn toàn vô dụng. Trong quá trình tăng tốc, nó trở nên quá nóng", Klimenko giải thích.
Xe jeep Willys
Các chỉ huy của Hồng quân ngay lập tức phải lòng chiếc jeep Willys của Mỹ. Nhỏ nhưng mạnh mẽ và cơ động, nó di chuyển dễ dàng và nhanh chóng trên mọi chặng đường.
Thiết kế không cửa cho phép người lái và người ngồi sau có thể rời bỏ phương tiện nhanh chóng trong trường hợp nguy hiểm. Đồng thời, chỗ ngồi sâu trên ghế giúp người ngồi không bị rơi ra ngoài trong quá trình di chuyển.
Willys không chỉ chuyên chở những nhân vật cao cấp mà còn được sử dụng làm phương tiện kéo cho pháo chống tăng 45mm và pháo 76mm.
Khoảng 52.000 chiếc đã được gửi đến Liên Xô. Những chiếc jeep Willys gần như là những thiết bị quân sự cuối cùng còn lại trong chương trình trợ giúp vũ khí Lend-Lease và thường tham gia vào các cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng hàng năm tại các thành phố của Nga.
Chiến đấu cơ Bell P-39 Airacobra
Chiến đấu cơ của Mỹ là chiếc máy bay yêu thích của nhiều phi công át chủ bài Liên Xô, bao gồm Alexander Pokryshkin và Grigory Rechkalov (mỗi người đều lập 65 chiến công bắn rơi máy bay). Bell P-39 Airacobra có khả năng duy trì hiệu suất đáng kinh ngạc. Ngay cả khi trúng đạn, nó vẫn có thể tiếp tục chiến đấu.
Đồng minh cũng rất vui vẻ khi gửi Airacobra đến Liên Xô vì chúng ít được sử dụng trong các trận không chiến tầm cao thường gặp ở các cuộc chiến phía Tây.
Ở Mặt trận phía Đông, các phi công Liên Xô và Đức thường đối đầu nhau ở độ cao trung bình và thấp, nên tại đây, những chiếc máy bay này luôn thực hiện nhiệm vụ xuất sắc.
Trong toàn bộ thời gian cuộc chiến, Liên Xô đã nhận được 4.952 chiếc Airacobra, nhiều hơn bất kỳ loại máy bay nào khác được viện trợ theo chương trình vũ khí Lend-Lease.
Xe lội nước Ford GPA
Những chiếc xe lội nước này không phổ biến với lính Mỹ. Chúng có thế ngồi thấp khi di chuyển, khiến nước dễ tràn vào thân tàu dù chỉ chòng chành nhẹ trên mặt biển. Nhưng đối với Hồng quân - chủ yếu chỉ di chuyển qua sông - lại khá hài lòng với GPA.
Không giống như xuồng máy, GPA không cần các thao tác phức tạp trong quá trình vận hành, chuyên chở hoặc hoặc đổ bộ.
Vào tháng 4/1944, 11 tiểu đoàn đặc nhiệm cơ giới riêng biệt đã được thành lập, sử dụng Ford GPA để vượt sông, đến phía lãnh thổ quân địch chiếm đóng, dọn sạch các bãi mìn, kiểm soát các khu vực cho đến khi đồng đội đến.
Tổng cộng, trong thế chiến thứ II Liên Xô đã nhận được khoảng 3.000 xe lội nước GPA từ quân Đồng minh. Hồng quân đã đặt tên cho chúng là những chiếc Ford-4.