Được biết, BrahMos là loại tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất.
Tên lửa được phát triển dựa trên sự hợp tác nghiên cứu giữa NPO Mashinostroeyenia của Nga và Tổ chức Nghiên cứu và phát triển Bộ quốc phòng của Ấn Độ với dự án BrahMos Aerospace Private Limited (mở rộng tầm hoạt động của BrahMos trên không).
Cái tên BrahMos là tên viết tắt của hai con sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moscow của Nga, hiện vẫn là loại tên lửa hành trình siêu thanh tốc độ nhanh nhất thế giới.
Việc ngăn chặn loại tên lửa này là rất khó khăn do tốc độ cao và các chế độ bay phức tạp của nó.
"Việc tạo ra tên lửa siêu thanh BrahMos được chia thành hai giai đoạn: đầu tiên là chế tạo tên lửa có tốc độ Mach 4-5 cho đến năm 2024-2025, và thứ hai là chế tạo tên lửa có tốc độ Mach 6-7 cho đến năm 2026-2027", ông Maksichev cho biết.
Ông Maksichev cho biết thêm, các chuyên gia của BrahMos đã thử nghiệm một số thành phần tổ hợp của tên lửa để có thể phát triển tốc độ như vậy.
Nguyên mẫu của tên lửa BrahMos do Nga - Ấn Độ hợp tác. (Ảnh: RIA) |
“Bất chấp đại dịch, đơn đặt hàng của liên doanh Nga-Ấn BrahMos để sản xuất tên lửa đã tăng thêm 1 tỉ USD kể từ đầu năm nay.
Trong khi đó, vào tháng Hai năm nay, danh mục đầu tư là 4,5 tỉ USD”, ông Maksichev chia sẻ.
Cũng theo ông Maksichev, hợp đồng xuất khẩu đầu tiên cung cấp tên lửa cho nước thứ ba vẫn được lên kế hoạch ký kết.
Cả Nga và Ấn Độ đều có ý định xuất khẩu khí tài này sang nước thứ ba với giá thành mỗi tổ hợp rơi vào khoảng 3 triệu USD. Hiện tại, nhiều quốc gia đang quan tâm tới tên lửa BrahMos, trong đó có các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.
“Do đại dịch, chúng tôi tiếp tục chờ mở cửa biên giới. Ngay sau khi việc này được thực hiện, hợp đồng sẽ được ký kết ngay lập tức”, thông báo cho biết.
Trước đó, người đứng đầu công ty liên doanh Hàng không Vũ trụ BrahMos của Nga-Ấn Độ Sudhir Kumar Mishra cho biết phiên bản tên lửa được nâng cấp sẽ có tầm bắn 500 km.