Trong lịch sử hàng ngàn năm của Trung Hoa, ta có thể kể tới 3 "kiếp nạn" hoạn quan khiến đất nước này chao đảo:
Lần thứ nhất xảy ra vào thế kỷ thứ 2 (cuối thời Đông Hán). Lần thứ 2 là "kiếp nạn" xảy ra vào thế kỷ thứ 9 cuối thời nhà Đường.
Lần thứ ba và cũng là giai đoạn hoạn quan lộng quyền, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nhất, xảy ra vào triều đại nhà Minh, kéo dài từ năm 1435 khi Vương Chấn nắm quyền cho tới lúc Minh triều tuyệt diệt.
Từ những năm Vĩnh Lạc cho tới khi Minh Tư Tông treo cổ tự vẫn, tập đoàn hoạn quan của nhà Minh đắc thế suốt 200 năm. (Ảnh: nguồn internet).
Các nhà sử học hiện đại đánh giá, thái giám Minh triều dù không hung tàn hay nắm giữ khả năng phế lập đế như thời Hán – Đường, nhưng các hoạn quan của triều đại này lại trở thành một tập đoàn lớn mạnh nhất, đạt tới cảnh giới quyền lực cao nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Những kẻ này làm bát nháo triều đình, kẻ tới người đi, sóng sau xô sóng trước, khiến cho Minh triều liên tục có những "màn kịch" náo nhiệt, thậm chí còn xuất hiện nhiều cái tên khiến bách tính, quan lại lúc bấy giờ "kinh hồn bạt vía" như Vương Chấn, Ngụy Trung Hiền…
Từ nước cờ "răn đe" của Hoàng đế khai quốc...
Từ cổ chí kim, gian thần không phải tự nhiên mà xuất hiện, việc hoạn quan đắc thế cũng không phải ngẫu nhiên mà có. Vào buổi mới thành lập, địa vị của thái giám trong triều đình nhà Minh chẳng khác nào nô tài, đừng nói tới thế lực, ngay cả tài sản cũng không có gì đáng quý.
Hoàng đế khai quốc Chu Nguyên Chương vốn có xuất thân bần hàn, nhưng nhờ hùng tài đại lược, liều mạng giành thiên hạ về tay Chu gia. Bởi vậy, vị Thái Tổ này luôn muốn triệt tiêu tất cả những mối nguy cơ có thể đe dọa tới cơ đồ của mình.
Chân dung Chu Nguyên Chương.
Năm Hồng Vũ thứ 10 (1377), có một thái giám trong cung "cả gan" chỉ ra lỗi sai trong công văn. Chu Nguyên Chương biết rõ thái giám nói đúng, nhưng vẫn hạ chỉ trục xuất khỏi hoàng cung, trả về nguyên quán vì tội danh "can dự vào chính sự".
Năm Hồng Vũ thứ 17, Chu Nguyên Chương cố ý đúc một khối lệnh bài treo ở cửa điện. Tấm lệnh bài có khắc dòng chữ "nội thần không được phép can dự chính sự, phạm ắt sẽ trảm" để răn đe hoạn quan và nhắc nhở các Hoàng đế sau này.
Thời kỳ Minh Thái Tổ tại vị bị xem là giai đoạn u ám nhất đối với các hoạn quan. Bởi lẽ, họ không những không có cơ hội can dự chính sự, mà thậm chí ngay cả quyền lực, sản nghiệp, danh vọng đều bằng con số không.
... đến con đường sa ngã trở thành "vương quốc thái giám"
Tới khi Minh Thành Tổ lên ngôi, lời răn của Thái Tổ bị biến tấu một cách vi diệu. Chu Đệ không những không hề cảnh giác, mà còn bắt đầu sử dụng hoạn quan như tâm phúc, coi đó là thế lực để áp chế quần thần.
Theo đó, luật lệ của Thái Tổ từ chỗ "nội thần không được can dự chính sự" bị Thành Tổ sửa đổi thành "nội thần không được tùy tiện làm chủ". Quyền lực của tầng lớp hoạn quan cũng nhờ đó mà tăng thêm một bậc.
Chu Đệ sở dĩ thiên vị hoạn quan, bởi tầng lớp này chính là thế lực đã giúp ông cướp đoạt ngôi báu của cháu trai – tức Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn.
Sau khi an vị trên ngai vàng, Chu Đệ vẫn luôn lo sợ hoạn quan sẽ bán đứng mình như đã từng làm với Kiến Văn Đế. Để giữ vững ngôi báu, vị Hoàng đế này không ngại phản bội lời răn của Thái Tổ, dung túng hoạn quan.
Đây cũng được xem như bước mở đầu cho sự bành trướng thế lực của tập đoàn thái giám Minh triều. Sau đó, Chu Đệ phái Lý Hưng đi sứ Xiêm La, cho Trịnh Hòa 7 lần thám hiểm Tây Dương, lại mở thêm Đông Xưởng do hoạn quan chủ trì để dò xét tình hình bách tính.
Thái giám từ chỗ không được can dự chính sự đã dần được quyền đi sứ, thám hiểm, chuyên chính, giám quân, dò xét dân chúng… (Tranh minh họa).
Khi Tuyên Tông kế vị, Minh triều còn mở ra một lớp học dành riêng cho hoạn quan, có tên là "Nội thư đường".
Lớp học này chuyên thu nhận những thái giám dưới 10 tuổi, mời học sĩ Hàn Lâm viện làm thầy, sách giáo khoa là "Bách gia tính", "Thiên tự văn", "Hiếu kinh", "Tứ thư", "Thiên gia thi"; tiêu chuẩn thành tích được đánh giá thông qua trình độ ngâm thơ và thư pháp.
Truyền thụ kiến thức vốn là việc tốt, nhưng điều này lại vô tình mở ra con đường chôn vùi tương lai của nhà Minh.
Bởi lẽ, thái giám đa phần đều là những người gian xảo, phiền nhiễu, nay lại tinh thông kim cổ, chẳng khác nào như hổ thêm cánh, càng trở nên dối trá, cơ mưu và nguy hiểm hơn.
Tới thời của Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn, thế lực của hoạn quan lại được khuếch trương lên một tầm cao mới. Anh Tông lên ngôi năm 9 tuổi, hoạn quan Vương Chấn dựa hơi tiểu Hoàng đế, giả truyền thánh chỉ, nắm toàn bộ triều chính, trở thành Thái Thượng Tể Tướng.
Tới lúc Chu Kỳ Trấn trưởng thành, viên quan Lưu Cầu khuyên Hoàng đế tự mình chấp chính. Không lâu sau đó, vị quan này bị Vương Chấn phanh thây, bỏ xác nơi hoang vu.
Minh Anh Tông tại vị được 15 năm, bộ tộc Ngõa Lạt xâm chiếm phía Đông, Minh triều phát động chiến tranh biên giới.
Vì nghe theo lời khuyên "tự mình thân chinh" từ Vương Trấn, Chu Kỳ Trấn trở thành tù binh của quân địch. Bản thân thái giám họ Vương kia cũng bỏ mạng trong cuộc chiến, quân chủ lực của triều đình bị tiêu diệt gần hết.
Đó chính là kết cục của sự biến Thổ Mộc Bảo – bước ngoặt đánh dấu con đường lụn bại của Minh triều.
Từ một vương triều với nền móng vững chắc, Minh triều bị đẩy vào con đường tuyệt diệt do sự lộng hành của tập đoàn hoạn quan. (Tranh minh họa).
Thế lực của tập đoàn hoạn quan thời nhà Minh lên tới đỉnh điểm vào giai đoạn Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm cầm quyền. Lúc bấy giờ, nhà vua ủy thác quyền lực vào tay hoạn quan thân tín là Uông Trực.
Năm 1477, dưới sự đồng ý của Chu Kiến Thâm, Uông Trực thành lập Tây Xưởng. Từ sau đó, họ Uông này cùng Tây Xưởng liên tục làm náo loạn triều cương, gây nên vô số vụ án oan đẫm máu.
Sau khi Uông Trực bị giáng chức, Tây Xướng cũng bị bãi bỏ theo, nhưng kỷ cương của xã hội Minh triều đã rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Lên ngôi năm 15 tuổi, Minh Võ Tông cũng nối gót ông cha, từ nhỏ đã tin dùng hoạn quan Lưu Cẩn. Giống như Vương Chấn năm xưa, Lưu Cẩn tiếp tục lợi dụng Hoàng đế để chiếm đoạt quyền hành.
Do hầu hạ Võ Tông từ lúc còn chưa lên ngôi nên Lưu Cẩn rất được nhà vua quý chuộng, phong làm Tư lễ giám, chuyện phê duyệt sớ của các quan tấu trình. Với chức quan đó, Lưu Cẩn giả mệnh hoàng đế tự ý định đoạt mọi công việc trong nước.
Dân gian khi đó gọi Lưu Cẩn là "Hoàng đế đứng", ám chỉ quyền lực của y, để phân biệt với "Hoàng đế ngồi" là Võ Tông. Lưu Cẩn nắm quyền trong hơn 5 năm thì bị một số quan lại phối hợp lật đổ.
Cái chết của Lưu Cẩn suy cho cùng cũng là "ác giả ác báo", nhưng hoạn quan này đã khiến cho nội bộ Minh triều bị chia rẽ nghiêm trọng, kỷ cương triều đình vốn đã lung lay, nay lại trở nên mục nát tới mức không thể cứu vãn.
Tới đây, tập đoàn hoạn quan Minh triều đã hoàn thành quá trình bành trướng thế lực, đồng thời cũng đạt tới đỉnh cao quyền lực. Sau này, Ngụy Trung Hiền có cơ hội chuyên quyền, độc tài, âu cũng là "hưởng sái" những thành quả bởi "tiền nhân" đã dọn đường mà thôi.
Vậy mới thấy, lịch sử Minh triều giống như một màn kịch châm biếm: Chu Nguyên Cương sợ nhất là hoạn quan chuyên quyền, nhưng giang sơn của ông lại trở thành một "đế quốc thái giám" lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc.