Mặc dù là không có số lượng thành viên đông đảo như những gia tộc khác, thế nhưng Gia Cát vẫn là một dòng họ được nhiều người biết tới trong lịch sử Trung Hoa.
Trong số những nhân vật của gia tộc này, nổi tiếng hơn cả phải kể tới Gia Cát Lượng – vị Thừa tướng quyền lực của nhà Thục Hán thời Tam Quốc.
Thế nhưng ít ai biết rằng, dòng họ Gia Cát không chỉ có Khổng Minh là nhân tài duy nhất nổi danh. Và sự thực là dòng tộc ấy từng được xem là một danh gia vọng tộc sản sinh ra không ít kỳ tài ở đất Lang Nha, Từ Châu khi xưa.
Dòng họ Gia Cát - danh gia vọng tất nổi tiếng đất Lang Nha
Thực chất, dòng họ Gia Cát không chỉ có mình Khổng Minh nổi danh mà đã từng có rất nhiều nhân vật sở hữu tiếng tăm không nhỏ trong chốn quan trường. (Tranh minh họa).
Về nguồn gốc của gia tộc Gia Cát, chú dẫn trong "Tam Quốc chí" cho rằng tổ tiên của họ vốn là người họ Cát.
Cuốn "Khổng Minh Gia Cát Lượng" lại khẳng định, chữ "Cát" trong họ kép "Gia Cát" bắt nguồn từ dòng dõi của Cát Anh - vị tướng theo Trần Thắng khởi nghĩa chống Tần năm xưa.
Theo đó, Cát Anh dù có công nhưng lại bị Trần Thắng giết oan. Tới thời Hán Văn Đế thì vị tướng này được rửa oan, nhà vua sai người tìm lại hậu nhân của ông, ban cho đất Gia làm nơi ăn lộc.
Một chi của gia tộc Cát Anh năm xưa đã đổi sang Gia Cát, tức là ghép từ chữ "Cát" trong họ cũ và chữ Gia trong đất "Gia" mà thành.
Tổ tiên của họ Gia Cát được cho là Gia Cát Phong, vốn giữ chức Ti Lệ giáo úy từ thời Hán Nguyên Đế thuộc Tây Hán. Hầu hết các chi của dòng họ này vào thời Tam Quốc đều thuộc dòng dõi của nhân vật này.
Từ đó có thể thấy, dòng dõi của Gia Cát Lượng ngay từ sớm đã bước chân vào chốn quan trường.
Tới giai đoạn cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, gia tộc Gia Cát đã xuất hiện nhiều nhân vật quan trọng phục vụ cho các thế lực chư hầu cốt cán thời bấy giờ.
Trước thời kỳ mà Khổng Minh bước lên vũ đài chính trị, cha ông là Gia Cát Khuê từng làm tới chức quận thừa Thái Sơn. Người chú ruột Gia Cát Huyền cũng từng là Thái thú Dự Chương.
Do đó sẽ không hề quá lời nếu đưa ra nhận định, gia tộc của Khổng Minh đã có truyền thống thư hương nhiều đời và đã gây dựng được chỗ đứng trên chính trường từ rất sớm.
Cũng bởi vậy mà ở quê nhà Lang Nha, dòng họ Gia Cát vốn được biết tới là một danh gia vọng tộc nổi tiếng tại nơi này.
"Tam Quốc tam Gia Cát": Vì sao 3 nhân tài kiệt xuất của gia tộc Khổng Minh lại được gọi bằng biệt danh "Long Hổ Cẩu"?
Nhắc tới những nhân tài nổi tiếng của họ Gia Cát trong thời Tam Quốc, không thể không kể tới 3 huynh đệ Gia Cát Lượng, Gia Cát Cẩn và Gia Cát Đản. (Tranh minh họa).
Trong số những hậu nhân của dòng họ Gia Cát sống vào thời Tam Quốc, nổi tiếng hơn cả phải kể tới ba huynh đệ là Gia Cát Lượng, Gia Cát Cẩn và Gia Cát Đản.
Nếu Gia Cát Lượng là Thừa tướng cúc cung tận tụy của nhà Thục Hán nổi tiếng về tài mưu lược, thì người anh ruột Gia Cát Cẩn tại Đông Ngô cũng làm quan tới chức Đại tướng quân, từng lĩnh chức Dự Châu mục, còn người em họ Gia Cát Đản lại chính là Trấn Đông Đại tướng quân có tiếng của Tào Ngụy.
Trong số ba người huynh đệ họ Gia Cát này, duy chỉ có Gia Cát Đản là không phải em ruột với hai người còn lại.
Trên thực tế, Gia Cát Cẩn và Gia Cát Lượng còn có một người em trai út là Gia Cát Quân. Người này từng theo Khổng Minh phò tá Lưu Bị và làm tới chức Trưởng quốc Giáo úy.
Tuy nhiên nếu đánh giá khách quan về tài năng và danh tiếng, Gia Cát Quân khó có thể bì kịp với Gia Cát Đản – Đại tướng quân nhà Tào Ngụy.
Đây cũng là lý do khiến em út của Khổng Minh không được thể đứng chung hàng ngũ với hai người anh ruột của mình như Gia Cát Đản.
Mặc dù đều là những bậc kỳ tài của gia tộc, thế nhưng 3 huynh đệ Gia Cát lại không cùng chí hướng khi phục vụ cho 3 tập đoàn chính trị đối nghịch nhau lúc bấy giờ. (Tranh minh họa).
Nhắc tới tên tuổi của ba huynh đệ họ Gia Cát nổi danh thời Tam Quốc, người thời bấy giờ còn gọi họ với một hỗn danh khác là "Long Hổ Cẩu".
Trong đó, những hình tượng uy dũng như "long" và "hổ" được dùng để chỉ hai anh em Gia Cát Lượng và Gia Cát Cẩn, còn chữ "cẩu" lại nói đến người em họ là Gia Cát Đản.
Cũng bởi vậy mà dân gian thời bấy giờ vẫn thường lưu truyền câu nói: "Thục được rồng, Ngô được hổ, Ngụy được chó".
Tuy nhiên theo lý giải của tờ báo Sina (Trung Quốc), chữ "Cẩu" trong cụm "Long Hổ Cẩu" nói về ba huynh đệ nhà Gia Cát không mang hàm nghĩa tiêu cực như nhiều người vẫn nghĩ.
Thực chất, chữ "cẩu" ở trường hợp này được lấy trong từ "công cẩu", có nguồn gốc từ một điển cố trong "Sử ký" Tư Mã Thiên.
Cụ thể, phần "Tiêu tướng quốc thế gia" của "Sử ký" từng ghi lại, năm xưa khi Lưu Bang luận công ban thưởng đã phong cho Tiêu Hà đứng đầu trong hàng ngũ 18 đại thần giữ tước Liệt hầu.
Bấy giờ có nhiều người tỏ ra không phục, Hán Cao Tổ liền nói:
"Khi đi săn, đuổi cắn dã thú là chó săn, nhưng phát hiện ra tung tích và chỉ ra nơi ở của chúng lại là thợ săn. Mà nay các người chỉ có thể bắt được dã thú, công lao cũng giống như chó săn vậy (công cẩu). Còn Tiêu Hà, vừa phát hiện tung tích, vừa chỉ ra chỗ của mục tiêu, công lao giống như thợ săn vậy".
Nếu như dựa theo lý giải của Hán Cao Tổ Lưu Bang trong ghi chép của "Sử ký", thì từ "công cẩu" tại văn cảnh này có thể hiểu là công lao giết địch.
Cũng từ đó trở về sau, từ này được dùng để nói về những người giết giặc lập công với hàm nghĩa tích cực. Và từ "cẩu" trong cụm "Long Hổ Cẩu" dùng để chỉ Gia Cát Đản cũng được hiểu theo nghĩa này.
Ngay cả khi không thể bước lên ngai vị quân chủ thì những thành tựu mà 3 huynh đệ họ Gia Cát tạo lập được trong cương vị của những bậc bề tôi trung thành cũng đủ để khiến người đời phải ngưỡng mộ. (Tranh minh họa).
Nhìn lại cuộc đời của ba huynh đệ nhà Gia Cát nổi danh Tam Quốc, không khó để nhận thấy dù cho phụng sự ở 3 tập đoàn chính trị khác nhau, nhưng hậu nhân dòng họ này đều là những đại thần cốt cán và giữ nhiều chức vụ quan trọng.
Thế nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng, sự vinh hiển của những hậu nhân xuất chúng như Gia Cát Lượng, Gia Cát Cẩn hay Gia Cát Đản không thể tách rời khỏi nền tảng vững chắc từ truyền thống thư hương cũng như bản lĩnh chính trị và danh tiếng chốn quan trường mà gia tộc Gia Cát đã từng tạo lập cho họ.
*Theo quan điểm của Sina.