Hé lộ nguyên nhân sạt lở đất nghiêm trọng ở Đắk Nông

Huỳnh Thủy |

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân ban đầu gây nên tình trạng sạt lở đất ở Đắk Nông chủ yếu là do những bất ổn về mặt địa hình, địa chất. Trước đó, tỉnh này đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với 3 khu vực sạt trượt, sụt lún đất nghiêm trọng.

Ngày 9/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên chủ trì buổi làm việc với Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam để nghe báo cáo sơ bộ về việc khảo sát sạt lở đất tại một số điểm trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam đã có chuyến khảo sát các điểm sạt lở nghiêm trọng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, liên đoàn đã khảo sát tại khu vực sạt trượt trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua phường Nghĩa Thành (TP Gia Nghĩa); khu vực sạt trượt tại xã Quảng Trực (Tuy Đức) và 2 khu vực sạt trượt ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong).

Hé lộ nguyên nhân sạt lở đất nghiêm trọng ở Đắk Nông - Ảnh 1.

Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam kiểm tra tình hình sạt lở tại đường Hồ Chí Minh. Ảnh: L.P

Tại buổi làm việc, liên đoàn đã có báo cáo sơ bộ tại 5 điểm mà đoàn khảo sát và đưa ra nhận định, cả 5 điểm khảo sát đều có hiện trạng là các cung trượt, nằm ở nơi giao nhau của các đứt gãy. Các khu vực này đều có đặc điểm chung là bất ổn về mặt địa hình, địa chất .

Theo TS. Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam, các khu vực sạt trượt này có dấu hiệu diễn biến phức tạp, cần thời gian theo dõi. Liên đoàn cũng đề xuất Đắk Nông nên đầu tư đề tài khảo sát, cảnh báo và dự báo vùng nguy cơ sạt lở đất trên toàn tỉnh.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cảm ơn liên đoàn đã giúp các địa phương nhìn nhận thực tế tình hình để có hướng ứng phó. Ông Yên mong muốn đơn vị sớm có báo cáo chính thức về kết quả đợt khảo sát nhằm giúp tỉnh có hướng xử lý phù hợp với điều kiện thực tại.

Hé lộ nguyên nhân sạt lở đất nghiêm trọng ở Đắk Nông - Ảnh 2.

Hồ chứa nước Đắk N'ting bị sụt lún, nứt gãy nghiêm trọng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ngành, địa phương đưa nhiệm vụ khảo sát, đánh giá các điểm sạt lở này vào trong nhiệm vụ cấp bách từ nay đến cuối năm 2023 và những năm tiếp theo. Các đơn vị bố trí nhân lực tiếp tục theo dõi, cảnh báo tại các khu vực sạt lở theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, địa phương để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Về lâu dài, Đắk Nông phải theo dõi chặt các điểm sạt trượt và thuê các đơn vị tư vấn đánh giá, đề xuất giải pháp và phải đặt hàng cơ quan chuyên môn xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở trên địa bàn toàn tỉnh.

Trước đó, ngày 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với Hồ chứa nước Đắk N'ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong), đường Hồ Chí Minh tại Km 1.900+350 (phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa); sạt trượt khu vực Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) do mưa lũ kéo dài gây ra.

Ngày 9/8, thông tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết tình hình sạt trượt tại công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting có tốc độ chậm hơn. Tuy nhiên số liệu quan trắc công trình trong 24 giờ qua cho thấy hiện khối đất vẫn tiếp tục dịch chuyển về phía công trình, đẩy toàn bộ ngưỡng tràn, hệ thống công tác trên tràn về phía đập đất thêm khoảng 10cm, vai cầu phía bên trái bị đẩy cao thêm 6,8cm. Dự án Hồ chứa nước Đắk N’Ting được UBND tỉnh phê duyệt vào năm 2018, tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng. Hiện công trình đã được thi công xây dựng hoàn thành, chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục có liên quan để nghiệm thu bàn giao công trình theo quy định thì gặp sự cố trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại