Cần cung cấp ngay oxy cho nước
Trao đổi với chúng tôi vào sáng nay, PGS.TS Hóa học Trần Hồng Côn (Khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho hay, ông đã theo dõi khá kỹ các thông tin về tình trạng cá chết ở Hồ Tây trong vài ngày qua.
Theo PGS Côn, để xác định được nguyên nhân cá chết nổi trắng Hồ Tây cực kỳ phức tạp nhưng yếu tố được nhiều người nghi ngờ nhất đó là mùa thu năm nay, thời tiết rất nóng, đến tháng 10 nhiệt độ vẫn 34 - 35 độ C.
"Nhiệt độ rất nóng như vậy nên dựa vào trực quan nhiều người phỏng đoán là, điều kiện thời tiết đó đã tạo ra sự phát triển không cân đối của hệ sinh thái cộng thêm các yếu tố ngẫu nhiên khác... dẫn đến nước Hồ Tây không còn oxy, gây ra hiện tượng cá chết như vậy.
Còn các nguyên nhân cụ thể như có thể có ai thải chất thải, chất độc nào đó xuống thì phải chờ các cơ quan chức năng phân tích, đánh giá rồi đưa ra kết luận chính xác được", PGS Côn nói.
Về ý kiến có thể do hiện tượng tảo nở hoa dẫn đến tình trạng cá chết ở Hồ Tây, PGS Côn nêu rõ, cần phải chờ vào kết luận của cơ quan chức năng "còn giờ không thể nói trước được".
Đại diện Ban quản lý Hồ Tây cho biết, phân tích mẫu nước cho thấy, hàm lượng Ammoniac trong nước ở mức 1,5 mg/lít, theo PGS Côn, với hàm lượng như vậy cho thấy nước ở Hồ Tây đã nhiễm Ammoniac rất nặng.
Tuy nhiên, cái đó là ô nhiễm hữu cơ do chất thải sinh hoạt đẩy ra chứ không phải nước thải hóa chất công nghiệp, không phải chất độc "nhưng khi có quá nhiều cũng dẫn đến hiện tượng cá chết".
Là người từng sử dụng hệ thống máy móc lọc nước sông Tô Lịch thành nước sạch để uống, PGS Côn chia sẻ thêm, nước ở Hồ Tây khác với nước sông Tô Lịch bởi vẫn có đầy đủ oxy nên biện pháp xử lý sẽ không quá khó khăn.
PGS.TS Trần Hồng Côn. Ảnh: NĐT
"Ở đây, kết quả kiểm tra cho thấy nước Hồ Tây không còn oxy thì biện pháp xử lý cũng không quá khó và việc cần làm ngay, đầu tiên cùng với thu, vớt cá chết thì nên tiến hành cấp lại oxy cho Hồ Tây.
Cụ thể, chỉ cần dùng các trạm bơm bơm hoàn lưu liên tục để tạo oxy cho nước. Giả sử nếu cá chết do Ammoniac hay chất hữu cơ nào đó thì việc cấp oxy cũng là một giải pháp.
Nếu cứ bơm liên tục với nhiều trạm cùng hoạt động thì chỉ trong 1 - 2 ngày sẽ đủ oxy cho Hồ Tây và cá không còn chết nữa", PGS Côn nói thêm.
Vị PGS Hóa học này cũng nêu rõ, việc bơm hoàn lưu cung cấp oxy là hiệu quả nhất và sẽ không gây tác dụng phụ như đưa các loại hóa chất xuống hồ để xử lý.
Phải bịt ngay các cống xả thải xuống Hồ Tây
Còn trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho hay, Hồ Tây đã có từ hàng ngàn năm nay và có cơ chế tự điều hòa nguồn nước nên việc xảy ra tình trạng cá chết như hiện nay là có trách nhiệm của con người.
Theo TS Tề, Ban quản lý Hồ Tây cho biết, hiện tại, mỗi ngày hồ phải tiếp nhận 4.000 - 5.000 m3 nước thải của các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống ven hồ thải xuống. Hiện tượng xả thẳng nước thải, thức ăn thừa, rác thải… xuống hồ vẫn thường xuyên diễn ra.
"Chỉ đến khi cá chết hàng loạt mới kiểm tra và phát hiện nguyên nhân thì xử lý cũng muộn rồi.
Ở đây, đẩy nhiều nước thải sinh hoạt ra Hồ Tây quá nhiều khiến hàm lượng Ammoniac sẽ tăng cao. Tôi cho rằng, việc thiếu oxy và hàm lượng Ammoniac tăng cao chính là nguyên nhân khiến cá chết.
Thông thường, nếu nước đủ oxy thì Ammoniac sẽ được oxy hóa tiếp sang Nitrit và nếu đủ oxy nữa thì từ Nitrit sẽ được oxy hóa tiếp thành Nitrat, khi đó thì nước không độc.
Nhưng nếu trong nước thiếu oxy sẽ chỉ dừng lại ở Ammoniac mà không chuyển hóa được thành các chất khác thì sẽ gây độc, khiến cá chết", TS Tề nói.
Vị chuyên gia đầu ngành về bệnh thủy sản cũng chỉ rõ các biện pháp cần phải làm ngay để cứu Hồ Tây và các loài cá.
"Trước tiên, quan trọng nhất, cần làm ngay đó là phải bịt ngay các cống xả thải cũng như cấm không cho các nhà hàng nổi trên hồ cũng như xung quanh hồ được thải xuống đây.
Khi chặn đứng được nguồn thải này sẽ giúp cho Hồ Tây không phải gánh chịu thêm hàng ngàn m3 nước, chất thải mỗi ngày, từ đó, Ammoniac sẽ giảm đi, tăng cường thêm oxy. Ở đây, trách nhiệm thuộc về các Sở, ngành, UBND TP Hà Nội cần làm ngay
Thứ nữa là cần thu gom, vớt toàn bộ số lượng cá chết ở mặt hồ, sau đó đưa đi tiêu hủy, đảm bảo vệ sinh, an toàn.
Tiếp theo, vì hồ rất rộng nên chúng ta cần khoanh vùng, sử dụng các máy bơm để bơm quạt khí trời thật mạnh nước để tạo oxy, khi có oxy rồi thì Ammoniac sẽ chuyển sang Nitrit, từ Nitrit lại chuyển sang Nitrat thì không còn độc nữa", ông Tề nhấn mạnh.
Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh để hỗ trợ, theo TS Tề cũng là một cách, tuy nhiên, do diện tích Hồ Tây quá lớn nên nếu sử dụng thì nguồn kinh phí sẽ rất lớn nên UBND TP Hà Nội cần nghiên cứu, xem xét.