Hé lộ ngành công nghiệp mới đang được nhiều ông lớn từ Hòa Phát, Sovico, Thaco, Hoá chất Đức Giang muốn rót vốn hàng tỷ USD

Mộc An |

Hiện đã có nhiều tập đoàn lớn đang hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án sản xuất alumin và luyện nhôm. Ngoài Hoá chất Đức Giang, Tập đoàn Hòa Phát, Thaco, Sovico và Việt Phương cũng đăng ký sản xuất cả Al2O3 và nhôm.

Từ dự án lớn nhất của Hoá chất Đức Giang

Trong báo cáo phân tích về hoá chất Đức Giang (DGC) mới đây do VnDirect công bố, doanh nghiệp này được đánh giá có thể đã lập đỉnh lợi nhuận trong quý 2 vừa qua.

Cụ thể doanh thu thuần của DGC trong quý vừa qua cán mốc 4.002 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng lập đỉnh 1.896 tỷ đồng, gấp 6 so với quý II/2021.

Dựa vào những yếu tố thị trường quốc tế, VnDirect dự báo lợi nhuận ròng của DGC sẽ sụt giảm khoảng 22,9% trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2022. Sang đến năm 2023, công ty chứng khoán này cho rằng doanh thu mảng phốt pho và dẫn xuất sẽ giảm 20,1% so với cùng kỳ sau đà tăng mạnh mẽ trong năm 2022.

VnDirect đánh giá các dự án mới như khu liên hợp Nhôm tại tỉnh Đắk Nông sẽ là động lực tăng trưởng trong dài hạn cho hoá chất Đức Giang. Hiện ông lớn ngành hoá chất này đang triển khai dự án khai thác quặng bô xít, chế biến bô xít thành alumin (giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong 2025-2026) và chế biến alumin thành nhôm (giai đoạn 3) tại tỉnh Đắk Nông.

Vốn đầu tư theo kế hoạch có thể lên tới 1,6 tỷ USD. Đây là dự án lớn nhất của hoá chất Đức Giang tính đến thời điểm hiện tại. Chủ tịch DGC ông Đào Hữu Huyên cho biết, dự án Khu liên hợp Nhôm - Đắk Nông có quy mô khai thác khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm và 3 nhà máy tuyển quặng công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm.

Theo Giám đốc điều hành của DGC, với giá Al2O3 hiện tại, giai đoạn đầu của dự án có thể tạo ra doanh thu ngang bằng với mảng kinh doanh phốt pho hiện tại vào khoảng 430 triệu USD. VnDirect kỳ vọng các dự án mới có thể trở thành động lực tăng trưởng dài hạn của tập đoàn này trong giai đoạn 2025-2028.

Đến hàng loạt ông lớn dự định rót hàng tỷ USD

Trên thực tế, hiện đã có nhiều tập đoàn lớn đang hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án sản xuất alumin và luyện nhôm. Ngoài Hoá chất Đức Giang, Tập đoàn Hòa Phát, Thaco, Sovico và Việt Phương cũng đăng ký sản xuất cả Al2O3 và nhôm.

Hồi tháng 4, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất khảo sát đầu tư các dự án gồm: Dự án Alumin, công suất 2 triệu tấn Alumin/năm; nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm. Địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D'rung, Nhà máy Alumin và Nhôm tiếp giáp 2 xã Nâm N'Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song). Tập đoàn đồng thời đề xuất dự án Điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/năm và dự án Nhà máy Điện gió Hòa Phát công suất 1.500 MW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.

Nếu được tỉnh Đắk Nông chấp thuận đầu tư, Hòa Phát cam kết tập trung nguồn lực mạnh nhất để khởi công xây dựng với tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án là khoảng 4,3 tỷ USD.

 Hé lộ ngành công nghiệp mới đang được nhiều ông lớn từ Hòa Phát, Sovico, Thaco, Hoá chất Đức Giang muốn rót vốn hàng tỷ USD  - Ảnh 1.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông và Tập đoàn Hoà Phát đã có buổi làm việc về đề xuất đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Nguồn ảnh: Báo Đầu tư.

Cũng trong tháng 4, Tập đoàn Việt Phương cho biết muốn đầu tư dự án tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Glong với diện tích 600 ha nằm trên địa bàn huyện Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 7 dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW và dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 diện tích 400 ha tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.200 tỷ đồng.

Còn tại địa bàn Lâm Đồng, vào đầu tháng 4, CTCP Tập đoàn Sovico đã đề xuất được đầu tư dự án điện phân nhôm tại huyện Bảo Lâm với chức năng khu công nghiệp liên hoàn. Dự án gồm xây dựng, vận hành các lĩnh vực từ năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, thủy điện…) đến khai thác mỏ bô xít, sản xuất alumin, điện phân nhôm aluminum và chế tạo thành phẩm đầu cuối cho công nghiệp và tiêu dùng. Quy mô dự án khoảng 2.000ha.

Ngoài ra ngày 23/8, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi UBND tỉnh về việc nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án Tổ hợp Nhà máy tuyển bô xít và chế biến Alumin của Thaco.

Theo đề xuất của doanh nghiệp, dự án tổ hợp này có tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỷ đồng , diện tích nghiên cứu 1.150 ha. Bao gồm: Nhà máy tuyển quặng bô xít quy mô 500 ha, công suất 3,25 triệu tấn quặng tinh/năm; nhà máy chế biến alumin quy mô 500 ha, công suất 1,3 triệu tấn/năm; nhà máy sản xuất nhôm quy mô 150 ha, công suất 300.000 tấn/năm.

Vai trò của nhôm

Sau khi được khai thác và tách ra khỏi quặng bô xít, nhôm được sản xuất để tạo thành thanh nhôm định hình hoặc nhôm tấm. Nhôm thanh định hình là thành phẩm sau khi được đùn ép qua khuôn để tạo ra thanh nhôm theo đúng yêu cầu trước khi được gia công.

Nhôm thanh định hình có tính dẫn nhiệt, dẫn điện cao, có trọng lượng nhẹ và ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. So với những loại kim loại khác như sắt hay đồng thì nhôm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Hiện nhôm được sử dụng trong ngành kiến trúc – xây dựng, ngành sản xuất và lắp ráp nhôm trong công nghiệp, ngành hàng không vũ trụ, ngành y tế và giáo dục, ngành công nghiệp ô tô.

Nhôm hiện đang là vật liệu hàng đầu được các nhà sản xuất ô tô sử dụng để chế tạo hàng loạt chi tiết thân trong xe tốc độ cao nhờ nhiều ưu điểm vượt trội so với thép và giá thành rẻ hơn nhiều so với sợi carbon.

Trước đây, nhôm mới chỉ được được dùng cho các bộ phận khác nhau trên vỏ, thân xe của nhiều hãng sản xuất ô tô. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất ô tô đang dần chuyển từ các khối sắt truyền thống cho động cơ sang cấu trúc nhôm. Nhôm không bền như sắt nhưng có trọng lượng nhẹ hơn, giúp cải thiện hiệu suất xe.

Hiện có nhiều mẫu xe đã sử dụng cấu trúc nhôm như Audi R8, Tesla Model S, Land Rover Range Rover hay Ford F-150.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại