Trung tướng Alexander Luzan, chuyên gia quân sự vừa có những nhận định về các mục tiêu của việc Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống tên lửa S-400 mua từ Nga.
Theo đó, các cuộc thử nghiệm đối với hệ thống S-400 của Nga cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu các tính năng, đánh giá hiệu quả đồng thời có thể tìm ra những điểm yếu của hệ thống.
Bình luận của chuyên gia Nga được đưa ra sau khi cổng thông tin Fighter Jets World cho biết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm mới về hệ thống tên lửa phòng không S-400 với mục tiêu là các máy bay chiến đấu F-16 và F-4 của Mỹ.
Các cuộc thử nghiệm này được cho là diễn ra tại căn cứ không quân Myurt gần Ankara.
"Trong quá trình thử nghiệm các hệ thống tên lửa phòng không S-400, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện ra các máy bay và thực hiện phóng điện tử nhằm vào chúng.
Điều này cho phép nghiên cứu đồng thời các tính năng của ứng dụng, đánh giá tính hiệu quả và có lẽ còn một mục tiêu khác là tìm ra điểm yếu của hệ thống", ông Luzan nói về mục tiêu của thử nghiệm.
Ông Luzan cũng lưu ý rằng, về mặt kỹ thuật Thổ Nhĩ Kỳ không thể hiểu được công nghệ của S-400, do đó, các tính năng của chúng phải được tìm hiểu bằng phương pháp thực nghiệm.
Cũng theo Fighter Jets World, hệ thống S-400 đã phát hiện các chiến đấu cơ được dùng trong cuộc thử nghiệm khi chúng xuất hiện gần căn cứ không quân Murted, cũng như gần các radar chuyên phát hiện những mục tiêu trên không di chuyển tốc độ cao.
Cuộc thử nghiệm mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành được cho sẽ còn kéo dài tới ngày 26/11. Cho tới nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa công bố bất cứ thông tin nào liên quan tới các cuộc thử nghiệm đối với S-400.
Trước đó, thỏa thuận cung cấp 4 sư đoàn S-400 do Nga sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được ký kết vào tháng 9/2017.
Giá trị hợp đồng lên tới 2,5 tỉ USD. Đây là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới và có thể bắn trúng các mục tiêu cách xa tới 400 km, cũng như tiêu diệt các mục tiêu trên không (máy bay, tên lửa, UAV...) từ độ cao 5 m đến 27 km.
Một tổ hợp S-400 thường có 8 bệ phóng di động (4 ống phóng/bệ) với 32 tên lửa và một trạm chỉ huy, đi kèm xe radar đa năng, radar đo độ cao cùng xe điều khiển. Radar của S-400 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km.
Hệ thống này được Nga đưa vào sử dụng từ tháng 8/2007. Lô hàng đầu tiên đã được phía Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2019.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia thành viên NATO đầu tiên mua các hệ thống tên lửa phòng không này từ Nga. Việc bàn giao các bệ phóng S-400 từ cho Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vào ngày 12/7/2019.
Quyết định mua các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất của Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và NATO nói chung.
Do Thổ Nhĩ Kỳ quyết không từ bỏ các hệ thống S-400, giới chức Mỹ đã quyết định loại Ankara tham gia chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ.
Washington cũng đã cảnh báo nhiều lần rằng họ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chưa thực hiện bước đi này.