Tranh vẽ Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte của họa sĩ Jacques-Louis David.
Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte (1769-1821) là nhân vật có tham vọng kiểm soát toàn bộ lục địa châu Âu. Sự kiểm soát này không chỉ là về mặt chính trị thông qua các chiến dịch quân sự thành công mà còn kiểm soát cả về biển và cảng biển thương mại quan trọng.
Tờ RBTH của Nga đã chỉ ra những lý do khiến Napoleon muốn xâm chiếm nước Nga trong kế hoạch của mình.
Napoleon muốn “nghiền nát” nước Nga lúc đó
Năm 1807, Hoàng đế Alexander I của Nga và Napoleon đã ký Hiệp ước Tilsit, chấm dứt Chiến tranh Liên minh thứ tư (Nga, Phổ, Saxony, Thụy Điển và Anh chống lại Đế quốc Pháp) với chiến thắng dành cho Pháp.
Theo Hiệp ước Tilsit được ký giữa Pháp và Phổ, nhà vua Phổ đã nhượng lại gần một nửa lãnh thổ trước chiến tranh của mình cho Napoleon. Trên các lãnh thổ này, Napoleon đã tạo ra Vương quốc Westphalia, Công quốc Warsaw và Thành phố tự do Danzig; các lãnh thổ nhượng lại khác đã được trao cho các quốc gia đối tác của Pháp và cho Nga.
Hiệp ước Tilsit giữa Nga và Pháp đã tạo thành liên minh hai đế chế vĩ đại chống lại Vương quốc Anh và Thụy Điển. Diễn biến này đã dẫn đến những bước phát triển mới vào năm 1809, dẫn đến Chiến tranh Liên minh thứ năm - một liên minh của Đế quốc Áo và Vương quốc Anh chống lại Pháp của Napoleon và các quốc gia đồng minh.
Phổ và Nga đã không tham gia vào cuộc chiến này, nhưng Nga sau đó vẫn trở thành mục tiêu tiếp theo nằm trong danh sách của Napoleon.
Năm 1811, Napoleon nói với Dominique Dufour de Pradt, đại sứ Pháp tại Warsaw: “Trong năm năm tới, tôi sẽ là chủ nhân của thế giới, Nga là nước còn lại, nhưng tôi sẽ nghiền nát họ. Tôi cũng sẽ là chủ nhân của biển cả, và tất nhiên thương mại phải qua tay tôi”.
Mối giao hảo giữa hai vị hoàng đế Nga-Pháp ít nhất đã trở nên lung lay kể từ sau câu nói này.
Nga không tham gia phong tỏa lục địa Anh
Theo Hiệp ước Tilsit, Nga đã tham gia phong tỏa thương mại đường biển của Anh tới lục địa. Theo đó, Anh sẽ bị cấm xuất khẩu hàng hóa sang lục địa châu Âu.
Ở thời điểm ấy, Anh chủ yếu xuất khẩu sắt và vải vóc - những nguyên liệu cơ bản cho bất kỳ quân đội nào cần súng ống và đồng phục.
Vì vậy, với việc phong tỏa nói trên, Napoleon cũng muốn tước bỏ nguồn cung cho quân đội của các nước châu Âu, bao gồm cả Nga. Ngoài ra, theo nhà sử học Nga Lubomir Beskrovnyi, do phong tỏa, xuất khẩu ngũ cốc của Nga đã giảm bốn lần.
Lệnh phong tỏa rõ ràng trái ngược với những gì Nga – một cường quốc chính trị muốn và cần - giống như các quốc gia châu Âu khác.
Năm 1810, Nga tiếp tục buôn bán với Vương quốc Anh, thậm chí còn nhiều hơn so với trước, đồng thời tăng thuế đối với hàng hóa của Pháp. Đây được coi là một hành động đối đầu với Pháp.
Hai lần Napoleon bị từ chối lời cầu hôn
Hoàng đế Pháp Napoleon không phải là người có xuất thân hoàng gia, chính vì vậy ông muốn kết hôn với những nhân vật có gốc gác hoàng tộc. Hai lần ông đã gửi lời cầu hôn đến các công chúa Nga. Bằng cách đó, ông cũng hy vọng có được ảnh hưởng chính trị ở Nga.
Năm 1808, ngay sau Hiệp ước Tilsit, Ngoại trưởng Pháp Charles-Maurice de Talleyrand đã đích thân chuyển lời cầu hôn của Napoleon cho Đại công tước Catherine Pavlovna (1788-1819), em gái của Hoàng đế Alexander I của Nga. Lời đề nghị đã bị từ chối - theo phong cách đặc trưng của hoàng đế Nga – đó là không nói gì.
Năm 1810, Napoleon cầu hôn lần nữa, lần này là Anna Pavlovna 14 tuổi (1795-1865), người sau này là Nữ hoàng Hà Lan, cũng là em gái của Hoàng đế Alexander I.
Sau khi lời đề nghị này cũng bị từ chối, Napoleon đã nhanh chóng kết hôn với Marie Louise (1791-1847), con gái của Francis I (1768-1835), Hoàng đế Áo.
Đây được coi là một động thái khá rõ ràng: Napoleon cần liên minh với Áo nếu muốn chiến tranh với Nga, vì vậy cuộc hôn nhân của ông đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa hai nước.
Nga liên minh với Thụy Điển
Ở thời điểm đó, Napoleon đang tập hợp một đội quân đồng minh quốc tế ở châu Âu. Chỉ có một quốc gia từ chối, đó là Thụy Điển, đứng đầu là bởi Jean-Baptiste Bernadotte (1763-1844), một cựu Thống chế của Đế quốc Pháp – người đã giành quyền lực thông qua những mưu đồ chính trị khôn ngoan của mình.
Với định hướng theo chủ quyền độc lập, Bernadotte không cảm thấy phù hợp với hệ thống của Napoleon và họ trở thành kẻ thù.
Vào tháng 1/1812, Napoleon chiếm Pomerania của Thụy Điển. Vào tháng 3, Bernadotte đã thiết lập liên minh Thụy Điển với Nga. Hoàng đế Alexander I hứa với Bernadotte sẽ giúp ông trở thành Quốc vương Na Uy (điều sau đó thực sự đã xảy ra).
Liên minh với Thụy Điển có ý nghĩa quyết định đối với Nga. Không lâu sau, vào ngày 28/5/1812, Nga ký Hiệp ước Bucharest với Đế chế Ottoman, kết thúc cuộc chiến kéo dài sáu năm.
Người Ottoman cũng cam kết rút khỏi liên minh với Pháp. Hiệp ước, được ký bởi chỉ huy Nga Mikhail Kutuzov, đã được Hoàng đế Alexander I phê chuẩn 13 ngày trước khi Napoleon xâm chiếm Nga.