Hé lộ lai lịch khẩu súng "khủng" của Triều Tiên

Trịnh Ngọc Tiến |

Trong lễ duyệt binh hôm 10/10, Quân đội Triều Tiên đã gần như phô diễn toàn bộ các loại vũ khí tốt nhất mà họ có, bao gồm cả các biến thể cải tiến của súng trường tấn công Type 88.

Nguồn gốc các dòng súng trường tấn công của Quân đội Triều Tiên

Mặc dù, có một ngành công nghiệp quốc phòng phát triển thế nhưng hầu hết các mẫu súng bộ binh của Quân đội Triều Tiên đều được sản xuất dựa trên các mẫu súng của Liên Xô trước đây. Điển hình như Type 58 dựa trên AK-47 hay Type 68 dựa trên AKM.

Việc Triều Tiên sao chép dòng súng trường tấn công AK của Liên Xô được xem là một giải pháp tương đối tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, Quân đội Triều Tiên vẫn ấp ủ về một mẫu súng trường tấn công thế hệ mới do nước này tự phát triển.

Bằng chứng rõ nét nhất cho tham vọng trên chính là việc Triều Tiên sao chép mẫu súng trường tấn công AK-74 của Liên Xô vào cuối những năm 1980, cùng với đó là sự ra đời của súng trường tấn công Type 88. Đây được xem là sự thay đổi lớn đối với Quân đội Triều Tiên khi Type 88 sử dụng cỡ đạn 5,45×39mm, còn Type 58, Type 68 đều sử dụng đạn 7.62x39mm.

Dù vậy, quá trình đưa vào trang bị Type 88 trong diễn ra khá chậm phải đến tận những năm gần đây mẫu súng này mới trở nên phổ biến hơn trong các quân binh chủng của Quân đội Triều Tiên.

Có thể thấy rõ điều này qua cuộc duyệt binh mừng 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng hôm 10/10 vừa qua, khi các khối bộ binh đều được trang bị Type 88.

Hé lộ lai lịch khẩu súng khủng của Triều Tiên - Ảnh 2.

Khối đại diện cho Hải quân Triều Tiên với súng trường tấn công Type 88 trong lễ duyệt binh hôm 10/10. Ảnh: KCNA.

Ngoài ra, các binh sĩ Triều Tiên cũng được trang bị thêm nhiều mẫu súng mới dựa trên việc cải tiến Type 88, nổi bật nhất trong số đó có thể kể tới biến thể Type 88 được gắn hộp tiến đạn mở rộng hình trụ có khả năng mang theo hơn 100 viên.

Hộp tiếp đạn "lạ" của Triều Tiên

Theo Military-Today, Quân đội Triều Tiên bắt đầu đưa vào trang bị các mẫu Type 88 gắn hộp tiếp đạn hình trụ từ năm 2010, ngay khi xuất hiện mẫu súng này đã làm tốn không ít "giấy mực" của truyền thông phương Tây bởi thiết kế "lạ" của nó. Tuy nhiên, về tổng thể đây vẫn là một khẩu Type 88 thông thường nhưng được sửa đổi để có thể mang theo hộp tiếp đạn mở rộng.

Dù vậy, ý tưởng tích hợp hộp tiếp đạn hình trụ cho súng trường tấn công của Triều Tiên không phải là mới, trước đó thiết kế này đã được một số quốc gia sử dụng để phát triển các dòng súng trường tấn công tương lai.

Về cơ bản hộp tiếp đạn hình trụ giúp tăng đáng kể cơ số đạn mà một khẩu Type 88 có thể mang theo, thiết kế của súng cũng gọn gàng hơn khi sử dụng hộp tiếp đạn tròn (75 viên). Điều này giúp người lính cơ động tốt hơn trên chiến trường. 

Hé lộ lai lịch khẩu súng khủng của Triều Tiên - Ảnh 3.

Trong ảnh là một mẫu Type 88 cải tiến gắn hộp tiếp đạn hình trụ dành cho lực lượng an ninh Triều Tiên. Ảnh: KCNA.

Rõ ràng, mục đích thiết kế của hộp tiếp đạn hình trụ là cải thiện khả năng chứa đạn từ đó giúp tăng sức mạnh hỏa lực của súng. Các phương án trước đó là chế tạo hộp tiếp đạn tròn hoặc cong đều quá cồng kềnh khiến người lính khó cơ động trên chiến trường.

Bằng cách này, có vẻ như thiết kế hộp tiếp đạn mà Triều Tiên sử dụng đã giải quyết hoàn hảo vấn đề số lượng đạn mà một khẩu súng trường tấn công có thể mang theo. Nếu một khẩu Type 88 được trang bị hộp tiếp đạn hình trụ với hơn 100 viên thì hỏa lực sẽ được nhân đôi.

Nhưng nếu đúng như vậy, thì hộp tiếp đạn hình trụ đã phải được các công ty sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới đưa vào sử dụng từ lâu không phải chỉ xuất hiện trong một số mẫu súng thử nghiệm. Vậy thiết kế hộp tiếp đạn loại này có những ưu nhược điểm nào?

Điều đầu tiên phải kể đến là độ tin cậy trong thiết kế của hộp tiếp đạn hình trụ, dù có thể giúp người lính mang theo nhiều đạn hơn nhưng nó lại có cấu tạo quá phức tạp, thời gian nạp lại đạn  cũng lâu hơn các mẫu hộp tiếp đạn thông thường.

Hé lộ lai lịch khẩu súng khủng của Triều Tiên - Ảnh 4.

Thiết kế cơ bản của một hộp tiếp đạn hình trụ.

Ví dụ rõ nhất có thể lấy các mẫu súng Calico M950 của hãng súng Calico hay PP-19 Bizon của Nga. M950 cùng hộp tiếp đạn 50 viên, người dùng phải lên dây cót đến 10 và khoảng 23 lần với hộp tiếp đạn 100 viên.

Tăng thêm trọng lượng cho súng

Theo suy đoán của các nhà phân tích quân sự, cơ số đạn của hộp tiếp đạn hình trụ của Type 8 vào khoảng từ 100-150 viên, tức là khi đầy đạn, hộp tiếp đạn của khẩu súng này nặng tới 1,6 kg.

Trong khi đó, trọng lượng của khẩu AK-74 khi không có đạn chỉ có 3,07 kg; có nghĩa là những người lính sử dụng hộp tiếp đạn này sẽ phải mang thêm bằng một nửa trọng lượng của súng khi bắn. Điều này khiến người lính nhanh xuống sức và không thể nâng súng bắn quá lâu.

Ngay cả đối với khẩu Type 88 cũng không thể chịu nổi sức nặng và chiều dài của hộp tiếp đạn hình trụ này, việc lắp một hộp đạn nặng như vậy vào súng, rất dễ khiến miệng hộp tiếp đạn bị biến dạng, hoặc lẫy khóa giữ hộp tiếp đạn của súng không thể giữ được hộp tiếp đạn.

Điều này có thể được nhìn thấy trong lễ duyệt binh của Triều Tiên, một chiến sĩ trang bị tiểu liên Kiểu 88 với hộp tiếp đạn trụ dài, phải dùng dây sắt để cố định với nòng súng cho khỏi bị rơi hộp tiếp đạn (nên nhớ là khi duyệt binh, súng tuyệt đối không có đạn).

Quá nhiều bất tiện

Mặc dù hộp tiếp đạn hình trụ có sức chứa lớn, nhưng khả năng mang theo cơ số đạn tối đa của một người lính sẽ không thay đổi; dù hộp tiếp đạn có chứa được nhiều đạn đi chăng nữa, thì không có nghĩa là người lính có thể mang thêm 3-5 lần cơ số đạn cùng lúc.

Trong một bức ảnh trước đó, một người lính Triều Tiên mang theo một ba lô đạn, có thể chứa hai hộp đạn hình trụ dài sau lưng; nếu cộng một hộp đạn lắp sẵn trên súng của anh ta, thì anh ta có thể mang theo từ 300-450 viên đạn. Như vậy chỉ riêng trọng lượng của đạn đã là 4,8 kg.

Hé lộ lai lịch khẩu súng khủng của Triều Tiên - Ảnh 5.

Mặc dù hộp tiếp đạn hình trụ có sức chứa lớn, nhưng khả năng mang theo cơ số đạn tối đa của một người lính sẽ không thay đổi.

Vì vậy trong những bức ảnh lộ ra những năm gần đây, binh lính Triều Tiên sử dụng Type 88, không bao giờ sử dụng ba lô đạn, mà chỉ sử dụng duy nhất một hộp tiếp đạn lắp vào súng; như vậy sẽ không có hộp tiếp đạn dự phòng.

Không chỉ thêm trọng lượng khi sử dụng, mà hộp tiếp đạn hình trụ dài còn rất bất tiện khi sử dụng trong thực tế. Quan sát kỹ không khó để nhận thấy, lòng bàn tay của binh lính về cơ bản chỉ có thể cầm được nửa vòng của hộp tiếp đạn; như vậy, liệu sức nặng của hộp tiếp đạn có giữ được chắc súng khi bắn?

Mặc dù, hiệu quả chiến đấu thực tế của hộp tiếp đạn hình trụ cho súng trường tấn công Type 88 của Triều Tiên chưa thực sự được kiểm chứng, còn nhiều nghi ngờ, nhưng từ góc độ duyệt binh của Triều Tiên, quốc gia này đang nhanh chóng phát triển các loại vũ khí mới và thể hiện khả năng sức mạnh quân sự của họ; có lẽ đây là thông điệp Triều Tiên muốn gửi đến toàn thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại