Al-Masdar news dẫn một tuyên bố của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) ngày 21/9 cho biết, việc hủy bỏ các lệnh cấm vấn vũ khí vào tháng 10 tới sẽ mở đường cho kế hoạch xuất khẩu vũ khí được Iran ấp ủ trong suốt thời gian qua.
IRGC cũng nhấn mạnh rằng, Iran có thừa khả năng đáp ứng các yêu cầu trang bị vũ khí trong nước và không cần mua sắm thêm thiết bị quân sự từ bên ngoài để tăng cường sức mạnh quân sự.
Còn hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Tư lệnh Lực lượng Không gian Vũ trụ IRGC, Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh cho biết, kế hoạch mua sắm, trang bị vũ khí của Iran sẽ không có nhiều thay đổi sau khi lệnh cấm vận được hủy bỏ. Hiện tại, Iran có thể tự sản xuất được hầu hết các loại vũ khí mà họ cần, thậm chí chúng có thể được xuất khẩu.
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng ngành công nghiệp quốc phòng của Iran đã có nhiều bước tiến mới trong những năm qua, nhất là chương trình phát triển tên lửa tầm xa của nước này. Ảnh: The Times of Israel.
Cũng theo tướng Hajizadeh, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí có ý nghĩa rất lớn đối với Iran.
Thứ nhất, đây là chiến thắng chịnh trị quan trọng của Iran trong cuộc đối đầu với Mỹ trên trường quốc tế. Nó cũng làm thất bại chính sách gây sức ép tối đa của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm ép Tehran từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa.
Thứ hai, các rào cản về việc mua bán vũ khí giữa Iran và các quốc gia khác sẽ được dỡ bỏ, mở đường cho kế hoạch xuất khẩu vũ khí đầy tham vọng của Tehran hiện tại.
Theo giới quan sát, tuyên bố trên của Iran đang khiến Mỹ và một số nước phương Tây sửng sốt khi đi ngược lại các dự đoán trước đó về việc Tehran sẽ mua sắm ồ ạt nhiều loại vũ khí mới từ Nga và Trung Quốc ngay sau khi lệnh cấm vận của Liên hợp quốc (LHQ) hết hiệu lực.
Trước đó ngày 20/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nộp đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhằm kích hoạt cơ chế "snapback" (quy trình đảo ngược) nhằm khôi phục trừng phạt và gia hạn cấm vận vũ khí với Iran, cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Theo tiến trình, sau khi nhận được đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong HĐBA sẽ có 10 ngày để đưa ra quyết định có chấp thuận kích hoạt cơ chế snapback hay không.
Nếu các bên không thống nhất được, các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị, và các quốc gia thành viên LHQ phải thực thi sau thời hạn trên.
Hầu hết các nước thành viên HĐBA LHQ, cụ thể 13 trong số 15 quốc gia thành viên HĐBA đã phản đối việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran.
Các lực lượng vũ trang Iran tập trận gần Eo biển Hormuz vào đầu tháng 9 vừa qua.