Tinh vân Con Cua là những gì còn lại trong một vụ nổ siêu tân tinh trong chòm sao Kim Ngưu nằm cách đây 6.500 năm ánh sáng.
Các nhà chiêm tinh học ở Trung Quốc, Nhật Bản và Trung Đông đã lần đầu tiên phát hiện ra một "con cua" trên bầu trời đêm vào năm 1054, ghi lại những quan sát về thứ mà họ tin là một ngôi sao mới. Sau đó, người ta đã xác định được hiện tượng trên thực ra là ánh sáng từ một vụ nổ siêu tân tinh đã chiếu tới Trái Đất.
Tinh vân Con cua qua Kính thiên văn James Webb. Ảnh: NASA
Các bằng chứng lịch sử về vụ nổ siêu tân tinh vô cùng hiếm và đó là lý do tại sao tinh vân này lại được quan tâm nhiều tới vậy.
Mặc dù Tinh vân Con Cua đã được quan sát từ lâu nhưng các nhà thiên văn học hiện đại vẫn có những câu hỏi về ngôi sao đã chết và thành phần hóa học trong các đám mây phát sáng mà nó tạo ra.
Tinh vân Con Cua từng được quan sát bởi các kính thiên văn khác, trong đó có Kính thiên văn Hubble. Tuy nhiên, khả năng của Kính thiên văn James Webb trong quan sát vũ trụ bằng ánh sáng hồng ngoại, vốn mắt thường không thể thấy, đã xuyên qua các lớp bụi của tinh vân để chọn ra những đặc điểm chưa từng thấy trước đó.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng camera cận hồng ngoại và công cụ trung hồng ngoại của Kính thiên văn James Webb để nghiên cứu về Tinh vân Con Cua với mục đích tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc của nó.
"Độ nhạy của Kính thiên văn James Webb và độ phân giải không gian cho phép chúng tôi xác định chính xác thành phần của các chất phát ra, đặc biệt là sắt và nickel, điều có thể tiết lộ về kiểu vụ nổ tạo ra Tinh vân Con Cua", nhà thiên văn học Tea Temim thuộc Đại học Princeton ở New Jersey cho hay trong một thông báo.
Các nhà thiên văn học sẽ tiếp tục phân tích dữ liệu từ Kính thiên văn James Webb và so sánh nó với dữ liệu thu thập được từ các kính thiên văn khác. Các quan sát này có thể giúp họ quay ngược thời gian giải mã những gì từng xảy ra trước khi ngôi sao tạo nên Tinh vân Con Cua phát nổ.