Mô hình siêu máy bay đánh chặn MiG-41 của Nga. Nguồn: Huanqiu.
Theo báo cáo của tạp chí “máy bay chiến đấu thế giới”, Tập đoàn Rostec (Nga) mới đây đã xác nhận rằng, Tập đoàn này đang phát triển máy bay đánh chặn tầm xa thế hệ thứ 6 để thay thế máy bay đánh chặn MiG-31 đã già cỗi.
Theo thông cáo báo chí của Tập đoàn này, máy bay đánh chặn mới đã bước vào giai đoạn phát triển, nó được gọi là MiG-41. Rostec nêu rõ: "Việc nghiên cứu và phát triển máy bay đánh chặn thế hệ tiếp theo đã bắt đầu, và dự án hệ thống tích hợp hàng không tầm xa (PAK DA) có tên mã là MiG-41 đang trong giai đoạn phát triển".
Báo cáo cho biết, ngoài việc tiết lộ tên của loại máy bay đánh chặn hạng nặng mới, Rostec không cung cấp thêm thông tin về tiến độ của dự án.
Kể từ năm 2013, Phòng thiết kế Mikoyan của Nga đã phát triển một loại máy bay đánh chặn tầm xa mới dựa trên MiG-31. Đây là một phần trong kế hoạch thay thế máy bay MiG-31 sẽ “nghỉ hưu” vào năm 2028.
Các tính năng chính của máy bay đánh chặn MiG-41 vẫn chưa được tiết lộ nhiều, nhưng một điều rõ ràng là đây là loại máy bay chiến đấu có thể bay nhanh hơn tên lửa.
Máy bay này được thiết kế để bay với tốc độ Mach 4.0 đến Mach 4.3. Khả năng này có tính răn đe rất lớn đối với bất kỳ đối tượng xâm lược nào.
Báo này cũng dẫn thông báo từ tờ Izvestia cho biết, MiG-41 sẽ mang một hệ thống tên lửa đánh chặn tầm xa đa chức năng và sẽ trở thành máy bay đánh chặn tên lửa siêu thanh.
Hệ thống tên lửa đánh chặn sẽ được trang bị nhiều loại bom để tăng xác suất đánh chặn vũ khí siêu thanh.
Tháng 8/2018, người đứng đầu Công ty Chế tạo Hàng không Thống nhất của Nga tuyên bố rằng, MiG-41 sẽ được trang bị vũ khí laser chống tên lửa và có thể bay ở độ cao rất cao hoặc thậm chí gần không gian.
Theo các chuyên gia quân sự, MiG-41 có thể trở thành máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới và máy bay này dự kiến sẽ bay lần đầu tiên sau năm 2025. Máy bay có thể đánh chặn cả các mục tiêu trong không gian vũ trụ, tiêu diệt các vệ tinh của đối phương treo ở quỹ đạo thấp.
Tổ hợp vũ khí của MiG-41 sẽ được thiết kế theo cơ chế sau: Phương tiện hạng nặng tác chiến trên không với tốc độ cao sẽ đưa thiết bị tấn công mang tên lửa không đối không tới khoảng cách xa vài trăm km, sau đó tên lửa sẽ tách ra và bắt đầu tự tìm kiếm mục tiêu.
Các tổ hợp tên lửa này cũng sẽ phát huy hiệu lực khi máy bay hoạt động trong cùng một trường thông tin.
Việc phát hiện mục tiêu địch có thể thực hiện nhờ hệ thống radar trên mặt đất, trong khi máy bay chiến đấu chỉ cần phóng tên lửa có tầm bắn siêu xa vào khu vực cần thiết mà không cần phải tham gia bất kỳ cuộc chiến nào trên không.
Theo một số nguồn tin, ứng cử viên cho tên lửa không đối không là tên lửa tầm trung K-77M. Tên lửa K-77M được Cục thiết kế Detal, một công ty con của Tập đoàn Tên lửa đạn dược chiến lược Nga, nghiên cứu và thiết kế.
Điểm nổi bật nhất của tên lửa K-77M chính là hệ thống điều khiển tân tiến của tên lửa cùng hệ thống radar APAA (ăng-ten mảng pha quét chủ động) gắn bên trong đầu tên lửa.
Nhờ hệ thống điều khiển tân tiến và APAA, một khi đã khóa mục tiêu, tên lửa K-77M sẽ bắn trúng đích, bất kể mục tiêu có cố “né” đến đâu. Tên lửa K-77M còn có thể tiêu diệt cả máy bay tàng hình và máy bay không người lái.
Một tính năng khác của máy bay chiến đấu mới là khả năng tự điều khiển (không cần người lái). Các chuyên gia cho biết việc phát triển sẽ được thực hiện với cả 2 phương án: không người lái và có người lái.
Ngoài ra, MiG-41 sẽ sử dụng công nghệ tàng hình giúp giảm khả năng bị radar phát hiện và nhờ đó tăng cơ hội sống sót của mình.
Với sự trợ giúp của các vật liệu hấp thụ vô tuyến và các hình dạng hình học đặc biệt, năng lượng và bức xạ bị phân tán, phần còn lại bị hấp thụ. Do đó, máy bay trở nên vô hình trước các thiết bị theo dõi của đối phương.
Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây nghi ngờ về việc chiếc MiG mới có thể hoạt động trong không gian. Họ không tin rằng MiG mới sẽ thành công như nhau trong việc cơ động cả ở các tầng thấp của khí quyển và trên thượng tầng khí quyển với mật độ không khí rất thấp.
Theo nhà báo Michael Peck trong một bài báo cho ấn bản The National Interest của Mỹ, khả năng đa nhiệm như vậy cũng khó xảy ra ngay cả đối với máy bay chiến đấu hiện đại nhất.
Ngoài ra, các nhà phân tích phương Tây cho rằng MiG-41 có thể sẽ quá đắt đối với Nga. Ví dụ, chi phí của máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 của Mỹ lên tới 90 triệu USD. Theo tỷ giá hối đoái hiện tại, nó là 603 triệu rúp. Không chắc máy bay chiến đấu thế hệ 6 mới sẽ rẻ hơn.