Theo đó, hóa thạch của động vật ăn thịt này tiết lộ nó lớn bằng một chiếc máy bay nhỏ với sải cánh khoảng 11 mét và có thể là một trong những "kẻ săn mồi" biết bay lớn nhất.
Các nhà khoa học tại Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã phát hiện thấy hóa thạch của đông vật ăn thịt biết bay trên sa mạc Gobi, Mông Cổ, khu vực có nhiều xương khủng long được tìm thấy trước đó.
Loài thằn lằn bay mới được phát hiện có thể ăn thịt khủng long con. Ảnh: Getty
Qua kiểm tra và phân tích, các nhà khoa học cho rằng hóa thạch này thuộc về thằn lằn bay (pterosaur), một nhóm các loài bò sát biết bay sống cùng thời kỳ với khủng long (thuộc kỷ Phấn Trắng) cách đây khoảng 70 triệu năm trước.
Loài thằn lằn bay này có thể ăn thịt những con khủng long nhỏ cùng thời kỳ vì chúng sỡ hữu kích thước khổng lồ.
Thằn lằn bay được biết đến là động vật có xương sống đầu tiên phát triển khả năng bay, và cũng là một trong số những loài động vật biết bay lớn nhất từng xuất hiện trên Trái Đất.
Mặc dù chưa thể xác định được danh tính thật sự của loài thằn lằn bay vừa được khai quật ở Mông Cổ, nhưng các nhà nghiên cứu nhận định nó có thể có cơ thể rất lớn từ kích cỡ "khổng lồ" của những mảnh xương cổ được tìm thấy.
Takanobu Tsuihiji, nhà nghiên cứu cổ sinh vật học tại Đại học Tokyo, cho biết:
"Tôi ngay lập tức nhận ra rằng hóa thạch này có thể là một con thằn lằn bay và tôi cảm thấy kinh ngạc trước kích thước khổng lồ của nó. Ngay sau đó, chúng tôi quay lại địa điểm khai quật và khám phá phần còn lại của mẫu vật".
Hình ảnh về Quetzalcoatlus, thằn lằn bay khổng lồ có kích thước tương tự với loài mới được tìm thấy. Ảnh: Getty
Dựa theo bề rộng 20 cm của các mảnh xương tìm thấy, các nhà nghiên cứu cho rằng con vật này có kích thước lớn tương đương với hai loài thằn lằn bay lớn nhất mà chúng ta đã biết. Đó là thằn lằn bay Quetzalcoatlus và Hatzegopteryx. Chúng có sải cảnh lớn, dài tới 11 mét.
Tuy nhiên, nhiều xương hóa thạch đã bị vỡ thành những mảnh vỡ nhỏ, điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu sẽ phải mất nhiều năm để ghép chúng lại với nhau và nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều mẫu vật để làm sáng tỏ bí ẩn về loài thằn lằn bay mới được tìm thấy này.
Khu vực phát hiện ra hóa thạch thằn lằn bay khổng lồ. Ảnh: MailOnline
Mark Witton, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Portsmouth (Anh), người không tham gia nghiên cứu cho biết: "Đây là một đốt sống thực sự lớn và nó chắc chắn thuộc về một trong những con thằn lằn bay lớn nhất và chúng không có gì giống với các loài động vật sống ở châu Á từ trước đến nay".
Loài thằn lằn bay này có thể là kẻ săn mồi không quá quen mặt ở cuối kỷ Phấn Trắng. Do đó, việc xác định loài vật có kích thước khổng lồ, thậm chí còn có thể ăn thịt khủng long con khoảng 70 triệu năm trước cần phải có nhiều hóa thạch hơn mới có thể tìm ra bí ẩn về loài vật rất có thể đã từng thống trị bầu trời.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Vertebrate Paleontology.
Xem video về phát hiện khúc xương khủng long 65 triệu năm tuổi ở Mỹ vào tháng 8/2017:
Phát hiện khúc xương khủng long 65 triệu năm tuổi ở Mỹ khiến nhiều người bất ngờ. Nguồn: Dailymail
Nguồn: Dailymail, Sciencealert