Sự thật khủng khiếp về nạn buôn bán nội tạng người di cư Buôn bán nội tạng người bất hợp pháp ở Iraq Báo động vấn nạn buôn bán nội tạng người
Nhà điều tra tư pháp Diego Castillo Gómez nói rằng mạng lưới này có thể liên hệ với Ukraine, La Nación báo cáo ngày 15-9.
Hơn 3 tỷ cho mỗi quả thận
Chính quyền Costa Rica nhận được yêu cầu từ các đối tác Ukraine lần đầu tiên vào năm 2012, yêu cầu điều tra số điện thoại liên quan đến 2 người Ukraine đã bị bắt vì buôn bán nội tạng người, ông Castillo nói.
Các nhà điều tra còn phát hiện số điện thoại này đã được sử dụng vài lần để liên lạc với Francisco José Mora Palma, một bác sĩ thận đã bị bắt vào tháng 6-2013 cùng với 2 người khác với cáo buộc cầm đầu đường dây buôn bán nội tạng bất hợp pháp.
Tháng 2-2016, chính quyền Costa Rica đã chính thức công bố cáo buộc đối với một số cá nhân tham gia vào mạng lưới này và đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đây là vụ án đầu tiên loại này trong nước.
Các cáo buộc trước đây cho rằng đường dây của Mora Palma có liên hệ với nhiều nhân vật trong và ngoài nước.
Những nhân vật được cho nằm trong mạng lưới này gồm: 2 bác sĩ khoa Tiết niệu Maximiliano Mauro Stamati và Fabián Fonseca Guzman, chuyên gia về mạch máu ngoại vi Victor Hugo Monge, nhân viên Cảnh sát Quốc gia Maureen Cordero Solano, người cũng là một trong số nạn nhân của Mora Palma và đã nhận 6 triệu colones (khoảng 10.400 USD) cho một quả thận của mình.
Theo La Nación, Solano nhắm đến những người dân nghèo dụ dỗ họ “hiến” thận. Cô ả sẽ nhận được mức thù lao 1.000 USD cho mỗi người hiến thận mình dụ dỗ được.
Sau đó, Solano dẫn những “người hiến thận” đến gặp Dimosthenis Katsigiannis Karkasi, một doanh nhân Hy Lạp - người sẽ hứa hẹn trả cho họ 10.000 colones (khoảng 17.400 USD) cho mỗi quả thận.
Karkasi, sở hữu một cửa hiệu bánh pizza nằm đối diện với bệnh viện nơi Mora Palma làm việc. Karkasi sẽ đưa “người hiến thận” đến gặp các bác sĩ để làm thủ tục tiền phẫu, sau đó là một cuộc kiểm tra sức khỏe riêng.
Mora Palma, với sự trợ giúp của các chuyên gia tiết niệu và chuyên gia về mạch máu ngoại biên, sẽ chiết suất thận và ghép chúng vào người nhận.
Người nhận thận phải trả ít nhất 140.000 USD (hơn 3,1 tỷ VNĐ) cho mỗi quả thận, trong đó 40.000 USD cho người hiến thận.
Sau đó, Mora Palma sẽ trả tiền cho những người bán thận và buộc họ ký các bản khai có công chứng rằng họ không nhận được khoản thanh toán nào cho việc hiến thận. Cũng như ở Mỹ, việc trả tiền cho ai đó để lấy nội tạng của họ ở Costa Rica là bất hợp pháp.
Theo lời khai của Castillo, Mora Palma tham gia phẫu thuật 14 ca cấy thận tại Bệnh viện tư Bible Clinic and Catholic Clinic. Mora Palma là Trưởng khoa Thận Bệnh viện Rafael Ángel Calderón Guardia ở thủ đô San José.
Mora Palma bị truy tố 14 cáo buộc về nạn buôn người với mục đích khai thác nội tạng bất hợp pháp, và 16 tội mưu toan sử dụng trang thiết bị và trang bị của Quỹ An sinh Xã hội Costa Rica để thực hiện các hành vi phạm tội, cùng nhiều tội danh khác…
Phân tích của InSight
Tờ Insight Crime cho rằng, các cơ quan chức năng ở Costa Rica dường như đã phát hiện ra một tổ chức buôn bán nội tạng lớn trên toàn quốc.
Thật vậy, một cuộc điều tra năm 2014 của tờ New York Times cho thấy liên kết mạng lưới của Mora Palma với "những tay chơi chính trong thị trường chợ đen thận của Israel".
Tuy nhiên, theo luật sư Colombia Luz Estella Ortiz-Nagle, một chuyên gia về tội phạm buôn bán nội tạng người, Costa Rica có thể chuyển từ một “tay chơi” nhỏ trong việc buôn bán nội tạng trên toàn cầu thành "tâm chấn" của nạn buôn bán bất hợp pháp này, phần lớn là do tham nhũng đã góp phần thúc đẩy nền công nghiệp du lịch cấy ghép tinh vi, cũng như sự mất cân bằng toàn cầu giữa nguồn cung cấp thận hạn chế và nhu cầu cấy ghép rất cao.
Ortiz-Nagle phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6-2017 với La Nación, rằng các quan chức tham nhũng trong các lĩnh vực khác nhau là nền tảng cần thiết cho những mạng lưới tội phạm kiểu này hoạt động thành công.
Bác sĩ Francisco José Mora Palma, nhân vật chủ chốt trong đường dây quốc tế buôn bán nội tạng bất hợp pháp ở Costa Rica. |
"Có một người hỗ trợ hoặc người tuyển dụng xác định vị trí của nạn nhân hoặc người bán thận... một điều phối viên quốc tế hoặc môi giới, một địa điểm để cấy ghép, người nhận tạng và các chuyên gia y tế: bác sĩ cấy ghép, bác sĩ gây mê, y tá, kỹ thuật y tế, phòng thí nghiệm và các nhà quản lý bệnh viện", bà Ortiz-Nagle nói.
Theo báo cáo về nạn buôn người năm 2017 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Chính phủ Costa Rica đang có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn nội tạng người, thế nhưng vẫn không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu của Mỹ.
Dư địa lớn
Các đường dây buôn bán nội tạng trái phép đang ngày một phát triển bởi có một thực tế là những người cung cấp nội tạng không thiếu.
Đó là những người nghèo khổ, thiếu hiểu biết và sẵn sàng bán đi một phần cơ thể chỉ vì vài ngàn EUR. Vào năm 2013, có lẽ nhiều người đã biết về chuyện cậu thiếu niên 17 tuổi Tiểu Trịnh, người Trung Quốc, đã bán đi một quả thận của mình với giá 22.000 NDT (73,1 triệu đồng) thông qua giao dịch ngầm, chỉ để có tiền mua một chiếc iPad2 và một máy tính xách tay.
Tất nhiên, những đường dây này hoạt động rất bí mật. Nhưng trong trường hợp Bệnh viện Medicus ở Pristina, mạng lưới tội phạm đã được điều tra kỹ càng.
Công tố viên Jonathan Ratel người Canada đã đến Kosovo năm 2010 để hỗ trợ phát triển một hệ thống hiến pháp trong khuôn khổ Luật Liên minh châu Âu (EULEX). Nhờ đó, ông đã phát hiện đường dây mua bán nội tạng trái phép ở Bệnh viện Medicus.
Điều tra của Ratel cho biết tay “cò” của đường dây này đến từ Israel, trong khi người mua đến từ khắp nơi trên thế giới, và bác sĩ phẫu thuật được biết dưới tên Frankenstein đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Những người “hiến” tạng đến từ Istanbul và Chisinau (thủ đô Moldovan), hoặc mới nhập cư vào Israel. Theo ông Ratel, đường dây này hoạt động được bởi có sự giúp sức của chính quyền và các bác sĩ ở Kosovo.
Y học phát triển đã mở ra nhiều cơ hội cho những tay buôn nội tạng người, vì nay người ta có thể cấy ghép nhiều loại nội tạng như thận, gan, tim, tụy...
Trong khi đó, nhu cầu quá lớn khiến thị trường này luôn còn đất để phát triển. Hiện nay, rất nhiều nước đang phải đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nội tạng cho các ca phẫu thuật cấy ghép.
Tại các nước Tây Âu, ước tính hiện có khoảng 120.000 bệnh nhân đang trong tình trạng lọc thận và khoảng 40.000 trường hợp đang chờ được ghép thận.
Theo một ước tính năm 2010, thời gian chờ đợi để được ghép thận của các bệnh nhân châu Âu là... 10 năm. Hậu quả của việc phải chờ đợi lâu này là từ 15-30% bệnh nhân nằm trong danh sách chờ đợi đã chết trước khi được ghép tạng.
Như ở Pháp, hơn 130.000 bệnh nhân đang chờ được ghép tạng và chỉ trong năm 2007, đã có 231 trường hợp qua đời do không được phẫu thuật vì thiếu người cho tạng.
Theo ước tính của Tổ chức UNOS (tổ chức chuyên phụ trách việc phân phối các cơ quan tạng để cấy ghép cho bệnh nhân của Mỹ), mỗi tuần nước này có khoảng 98.713 người cần ghép tạng nhưng chỉ có khoảng 28.354 người được nhận các cơ quan tạng tương ứng, và hơn 6.000 bệnh nhân đã chết mỗi năm do phải chờ đợi để được cấy ghép tạng.
Chính sự chênh lệch cung cầu này, cũng như chênh lệch giữa các nước giàu và nghèo, đã thổi bùng thị trường mua bán tạng trái phép. Thậm chí, nhiều nước đã bị mệnh danh là “thiên đường mua bán tạng”.